Chào bạn thương,
Lúc mình viết bài này, Đà Lạt đang chào đón những cơn mưa đầu tiên. Nhìn từ nhà mình sang phía đối diện của thung lũng, thấy một màn sương mờ ảo. Vườn Nhỏ mà mình gieo trồng đã xuất hiện những chú ong đầu tiên - báo hiệu việc hình thành một “hệ sinh thái” nhỏ tí hin tại nơi đây.
Mưa sẽ giúp cho nhiều hạt mầm ủ trong đất sớm nảy nở. Và trong mảnh đất tâm thức, chúng ta cũng hãy gieo trồng thật nhiều hạt giống lành, chẳng phải tương lai ta sẽ có “hoa thơm trái ngọt” nảy nở trong đời hay sao? Mình ghi lại và chú thích thêm từ lời dạy gốc của thầy mình về những hành động tạo Phước.
“Phước” là những kết quả tốt đẹp sinh ra từ những điều thiện lành chúng ta gieo trồng qua suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.
Mặc dù sử dụng từ ngữ của Phật giáo, mình sẽ chú thích. Và hy vọng chúng mình cùng thấy được nhiều điểm tương đồng trong lời dạy của các tôn giáo khác.
1. Thực tập chánh niệm:
Chánh niệm (mindfulness) là sự ghi nhận, hay biết như thật về những thứ đang diễn ra trong thân và tâm mình, ngay trong giây phút hiện tại.
Bạn đã biết việc thực tập này là một trong những cách Gieo hàng đầu hay chưa? Đó chính là vì càng có nhiều Chánh niệm, chúng ta càng có được nhận thức sáng suốt về bản chất của Thân-Tâm. Từ đó, đưa ra được những quyết định hành động đúng đắn, mang đến những hệ quả tích cực nhất.
> Tips thực hành: không bó buộc mình vào trong một tư thế “kiểu mẫu” như xếp chân hoa sen, ngồi thẳng đơ…mà thực hành ở tư thế thoải mái trong thời điểm hiện tại. Có thể thực hành ở bất cứ tư thế nào (đi, đứng, nằm, ngồi), bất cứ lúc nào thấy thuận tiện.
2. Bố thí (san sẻ):
Cúng dường, từ thiện, hay nói chung nhất là san sẻ những thứ mình có cho cả người và vật. Nhiều người có cảm tưởng phải có nhiều, phải giàu có thì mới san sẻ được nhiều và “hiệu quả” trên diện rộng. Tuy nhiên, nghiên cứu của Paul Piff - ĐH California Berkeley đã có một kết quả đáng ngạc nhiên với nhiều người: “Người thu nhập thấp hơn thì lại phóng khoáng hơn, khoan dung hơn, tin tưởng và giúp đỡ người khác nhiều hơn so với những người có nhiều của cải hơn”. (Warner, “The Charitable-Giving Divide”).
Mặc dù kết luận này không thể nói hết sự phức tạp trong liên hệ giữa Giàu-nghèo và khả năng san sẻ của mỗi người, nó cho ta suy ngẫm. Rằng san sẻ không phụ thuộc vào duy nhất đồng tiền, mà nhiều phần phụ thuộc vào nhận thức.
3. Giữ giới:
“Giới” hay được hiểu là những điều cấm kỵ. Nhưng thật chất nó như lớp hàng rào bảo vệ chính bản thân người thực hành để họ tránh khỏi khổ đau, phiền não.
Năm giới cơ bản trong đạo Phật bao gồm:
-Không trộm cắp (hay lấy của không cho)
-Không sát sinh
-Không tà dâm
-Không nói dối (hay nói lời đâm thọc, chia rẽ, vô ích…)
-Không uống rượu (và các chất say, chất gây nghiện nói chung)
Nhiều tôn giáo khác cũng có những giới luật tương tự. Và không ai quản lý bạn 24/7 được cả, nên việc “giữ mình” đến mức độ nào tùy thuộc nhận thức của mỗi người. Phước lành của việc giữ giới trong sạch có ngay lập tức: bạn được an vui, không lo sợ và được người khác kính trọng. Mọ
4. Cung kính:
Là khi ta thể hiện thái độ tôn trọng đối với những người đáng tôn trọng, có đạo đức, người lớn tuổi. Đặc biệt là cha mẹ và các bậc trưởng lão. Bạn có thể “gieo” ở bất cứ nơi đâu. Thậm chí không cần đến lời nói mà qua thái độ, suy nghĩ trong tâm. Phước lành của hành động này là bạn sẽ có địa vị tốt, được người khác tôn trọng.
5. Phục vụ:
Đi làm tình nguyện, hay đơn thuần phục vụ cho công việc chung ở bất cứ nơi nào cần đến mình. Ta có thể Gieo ngay tại sân nhà, ngoài ngõ. Đôi khi đơn giản như chị Châu, chủ một tiệm bánh trong một cái ngõ nhỏ. Khi quét cửa tiệm, chị luôn quét rộng ra cả ngõ để ai đi qua cũng được tươi vui. Khi đi chạy bộ, chị tranh thủ lượm rác những chỗ mình qua. Và đúng là nhìn vào niềm vui, phước báu chị đang có thì đã thấy Phước lành nằm ngay trong chính tâm thức thanh thản, tự hào của người phục vụ ^^. Ngoài ra, Phước còn bao gồm việc tránh được bệnh tật, đau đớn, được người khác phục vụ sau này.
Trong mini retreat, Chị Châu gieo duyên lành cho chúng mình với bộ môn cắt tỉa trang trí từ rau củ quả
6. Nghe Pháp:
“Pháp” ở đây có thể là lời dạy của Phật hay các bậc trí tuệ. Nhưng cũng có thể hiểu chung là lời nói đúng đắn, giúp người nghe hiểu được sự thật và sống thiện lành hơn. Nghe hay đọc đều được. Ở bên cạnh người càng thiện lành, minh triết thì càng được “Nghe Pháp” nhiều. Đến một mức độ thường xuyên thì lời nói đó được “gieo” sâu vào bên trong mảnh đất tâm thức.
Khi bạn suy ngẫm hay thực hành theo lời nói đó là bạn đang tự tưới tẩm những hạt giống lành. Dần dần trong vô thức, bạn có một “chiếc la bàn” hướng mình đến hành động đúng. Mà bạn lại Gieo cho mình được ở bất cứ nơi đâu, ngay cả khi đang di chuyển trên ô tô, máy bay đúng không ? ^^
7. Thuyết Pháp:
Việc “thuyết pháp” không dành riêng cho các bậc tu hành. Bạn có thể hiểu đơn giản rằng đó là khi mình dạy lại hay chia sẻ lại những bài học của mình với người khác. Đó là khi trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, ta hướng tâm đến việc nói làm sao cho người đó bớt khổ, bỏ điều ác, làm điều lành.
Chị Tiên (vườn Thùy Lâm) giải thích về mối liên hệ giữa tác động mua nông sản của người tiêu dùng ảnh hưởng thế nào lên quá trình chuyển đổi đô thị và môi trường.
Và không chỉ bằng lời nói, các bậc cha mẹ thuyết Pháp hay nhất cho con bằng “Thân giáo”: dạy bằng chính cách sống của mình.
8. Hồi hướng Phước:
Mỗi khi gieo được một hạt giống lành, ta không cần đợi chờ mà có thể ngay lập tức( “hồi hướng” - chia sẻ lại điều đó cho những người cần. Đơn thuần bằng cách niệm như sau: “Những phước lành tôi gieo trồng được ngày hôm nay, xin được hồi hướng/san sẻ đến cho cha mẹ, người thân và các bậc ân nhân của tôi. Mong họ được thụ hưởng…”.
Khác với vật chất hữu hạn, Phước lành như một ngọn nến đang cháy có thể đem châm thêm cả ngàn ngọn nến khác mà không bị lụi tàn. Không bị mất đi mà còn được thêm.
Mình nghĩ rằng bạn có thể sử dụng ngôn ngữ tự nhiên của chính mình, không nhất thiết phải sử dụng từ ngữ mang tính chất tôn giáo.
9. Tuỳ hỷ Phước:
Đó là khi thấy một người làm việc tốt, ta tán dương và chia vui cùng họ. Không ghen tỵ, chê bai hay so sánh. Ngược lại nếu nảy tâm ghen tỵ, chê bai thì ta sẽ bị tổn hao kho Phước lành.
Thầy mình dạy, đôi khi Phước từ tâm của một người biết hoan hỷ với hành động của người khác còn lớn hơn của chính người trực tiếp hành động - nếu như người kia hành động có vẻ tốt nhưng thực chất tâm lại không trong sáng.
10.Tu tập:
Hiểu theo nghĩa rộng, tu tập không nhất thiết là đi tu mà là tổng hợp nhiều sự thực hành hướng thiện trong cuộc sống. Với mục đích có được những hiểu biết đúng đắn, từ hiểu biết đúng đắn dẫn đến quyết định và hành động đúng đắn.
Đây chính là cách Gieo mang đến Phước lành lớn nhất.
Và đó là những hạt mình Gieo ngày hôm nay . Còn bạn chọn Gieo những gì?
Bài viết trên là 1 trong những bản tin Sức khỏe & Hạnh phúc mà Phương gửi đến hòm mail của bạn hàng tuần. Bạn có thể đăng ký nhận những email như vậy bằng cách nhấn "Join our mailing list" tại >>ĐÂY.
Tình cờ biết đến website của bạn và mình cảm thấy yêu mến bạn ngay từ đầu. Rất mong được làm quen. Hãy kết nối với mình nhé!