Khi bắt đầu bước sang năm thứ 7 hành nghề toàn thời gian, mình có một nhu cầu cấp thiết là được làm mới lại mình. 7 năm là không dài nhưng cũng chẳng ngắn, một khi đã dốc toàn bộ trí óc lẫn con tim vào một nghề mà thuở khởi đầu chẳng mấy người biết.
7 năm đầy những khúc lên thác xuống ghềnh, một khi đã dấn thân vào tất cả mọi hình thái tự vạch lối tìm đường. 7 năm vừa qua như một bản nhạc có thăng có giáng, và rồi cũng có lúc cần nốt lặng sâu.
Từ đầu 2023 đến đầu 2024 là hơn một năm mà mình liên tục có những quãng nghỉ dài, cứ 1-3 tháng/đợt để đi học thêm nghiệp vụ, thiền tập, chữa lành, du lịch, tham dự các hoạt động không liên quan đến công việc, khám phá lại bản thân… dù bên ngoài làm điều gì, mình cũng xác định tập trung vào điểm tựa bên trong mình. Sau đây là những bài học mình đúc rút lại về ý nghĩa của những quãng nghỉ trong thời gian qua:
Nghỉ ngơi là để không bao giờ từ bỏ
Rất nhiều người không dám nghỉ dài hơi, lúc thì bởi muốn tận dụng đà thuận lợi đi lên của công việc, lúc thì bởi càng khó khăn thì càng cảm thấy muốn vẫy vùng, thúc đẩy mình tìm ra giải pháp. Mỗi người một hoàn cảnh nên mình không đánh giá ai với quyết định của họ. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính, kiệt sức, chấn thương, bệnh tật nghiêm trọng đều là những thông điệp - à không, tiếng gào thét của cơ thể - rất cần được lắng nghe kịp thời. Nếu không, khả năng ta phải từ bỏ nghề mình từng tâm huyết là khá lớn. Lúc đó, “chuyến nghỉ” trở thành chuyến đi chữa bệnh, đi cấp cứu. Ta có thể bị bắt buộc phải về hưu sớm.
Vốn biết bản thân từng là một người nghiện việc, mình phải tập tư duy “Nghỉ ngơi đúng lúc" - chỉ cần pin cạn xuống dưới 50% là phải nạp lại ngay lập tức. Ngay trong ca làm việc, trong ngày, trong tuần. Với mình, nghỉ ngơi là để không bao giờ phải từ bỏ con đường mình tin tưởng. Nghỉ ngơi là để đổ đầy trở lại không chỉ năng lượng của Thân, mà còn trở lại với Tâm ban đầu. Để rồi có thể trở lại một lần nữa và lần nữa, hào hứng khám phá và thử nghiệm.
Nghỉ ngơi để rồi còn quay về với những mỏ neo sẵn có
Nhiều người sợ những chuyến nghỉ dài vì khi trở lại phải lấy đà khá lâu, thậm chí cảm giác như phải làm lại từ đầu. Bản thân mình nhiều lúc cũng cảm thấy vậy, nên có thể nghỉ dài nhưng không…quá dài. Quãng nghỉ thường cũng được tính bao gồm cả những tuần khởi động trở lại, khi pin đã dần báo đã nạp đủ rên 80%. Mình cũng nhận ra rằng mình sẽ không mất thời gian lấy đà quá lâu nếu biết mỏ neo nằm ở đâu.
Ở những tuần chuẩn bị quay trở lại toàn công suất, mình dần lấy lại nhịp điệu công việc thông qua việc quay lại với những hoạt động nhẹ nhàng, vui vẻ hoặc có tần suất nhịp nhàng. Ví dụ như mình sẽ khởi động lại với những buổi Q&A hàng tháng, ngoài vấn đáp với học viên mình còn dẫn thiền, tập khí công, điều phối vòng tròn chia sẻ. Trao tặng hoàn toàn miễn phí, miễn là được làm. Hoặc trở lại với nhịp ra đều đặn hàng tuần của một series podcast mới bằng một trailer ngắn…Cứ làm một điều gì đó cụ thể, đơn giản, không tốn quá nhiều sức lực, rồi từ từ mình sẽ thấy mình đang hoà trở lại dòng chảy cũ lúc nào không hay.
Nghỉ ngơi là để tìm về những cội rễ vững chắc nhất
Có rất nhiều điều có thể làm, cám dỗ có thể đi theo trong những chuyến nghỉ. Vì vậy, nếu không xác định rõ mục đích chính của bản thân, chuyến đi nghỉ dù dài hay ngắn cũng có thể trở thành uổng phí thời gian. Có một số người lười đi nghỉ vì không biết cách nghỉ sao cho không tốn sức. “Nghỉ ngơi kiểu ăn chơi” như party thâu đêm, dành quá nhiều thời gian lên MXH hay chụp ảnh…là những kiểu sẽ gây hao mòn còn hơn không nghỉ. Mỗi chuyến nghỉ ngơi của mình thường có một Danh sách không-làm, nếu có lần nào thấy mệt sau khi nghỉ thì thường là do không tuân thủ danh sách này - xem điện thoại quá nhiều trước khi đi ngủ. Mình đặt mục tiêu sao cho được không-làm-gì ở những thời điểm cụ thể nhất định, nghỉ sao cho đúc rút được những bài học cụ thể, làm chặt trở lại những kết nối với cả người thân lẫn chính mình, và đón những trải nghiệm khiến cho cuộc đời trở nên đáng sống…
Trong tất cả những điều mình thu hái được sau những chuyến nghỉ dài, mình nhận ra quan trọng nhất là được tìm về nuôi dưỡng mình trong những cội rễ vững chắc nhất. Mỗi người đều không thể tự sinh ra và tự xây đắp mọi thứ một mình, chúng ta đều được truyền thừa những hạt giống của gia đình, tổ tiên, nền văn hoá và thậm chí là toàn bộ hành trình trước đó khi ta đi qua vô lượng kiếp sống.
Nếu như vừa biết loại bỏ đi những điều không cần thiết và đồng thời biết đường quay về với những di sản sẵn có, ta giống như một nhành cây non mỏng manh nhưng lại được ghép vào bộ gốc vững chắc nhất. Nhành cây đó không phải dành rất nhiều năm để phát triển gốc rễ nữa, nó đơn giản là được thừa hưởng và nhận tối đa dưỡng chất.
Những cội rễ mà bạn có thể quay về thừa hưởng là gì?
Với mình, nó là:
Truyền thống nghề của gia đình: Nghề của mình là “lai ghép" giữa hai cội cây ban đầu trong nghề lâu năm của bố và mẹ, những người có kinh nghiệm 30-40 năm trong nghề bác sĩ & giáo viên. Ngày xưa mình từng từ chối đi theo nghề của bố mẹ vì chưa có những ấn tượng đủ hấp dẫn, thế nhưng nhìn lại mình thấy những tinh hoa cũ vẫn đang được tiếp nối trong những hình hài mới. Bố mẹ để lại cho mình không chỉ gene di truyền, mà còn cả nguyên tắc, phẩm chất và tâm huyết của người hành nghề.
Truyền thống đạo Bụt: Mình là một tâm hồn tự do nên cũng không tự nhiên chấp nhận một tôn giáo nào chỉ vì đó là truyền thống. Mình đã mở tâm và đi một vòng nghiên cứu, nếm trải nhiều thực hành tâm linh, theo tôn giáo lẫn phi tôn giáo. Mình nhìn ra được sự tương đồng lẫn khác biệt trong nhiều “con đường” khác nhau, dưới những cái tên và hình thái phong phú. Thế nhưng, mình vẫn tìm thấy được sự bình an lớn nhất trong tâm khi trở lại với truyền thống Đạo Bụt. Có những thực hành trước đây mình không thích thì đơn giản là không làm, nhưng giờ đây khi đã thấm thía thì mình có thể làm với tất cả sự chú tâm.
Kho tổng nghiệp từ quá khứ: Có những gia tài mình được tự thân kế thừa từ hành động của chính mình ở những kiếp sống trước. Có khía cạnh trong cuộc sống mình thấy phước rất mỏng, liền nhắc mình phải “gầy vốn" lại dần dần. Nhưng cũng có những khía cạnh mà khi điểm lại thấy mình quá may mắn, mình liền nhắc mình phải biết ơn & thể hiện sự biết ơn đó một cách rõ ràng. Dù thế nào đi chăng nữa, mình cũng cảm thấy rất công bằng và xứng đáng với những gì bản thân đang có hay không có.
Thừa hưởng rồi có thể tiếp nối các truyền thống đó như thế nào để không gây uổng phí, để tiếp tục để lại những gì đẹp nhất cho thế hệ sau? Đó là một câu hỏi lớn khác mà câu trả lời sẽ nằm trong cách mình sống, cách mình làm nghề và cách mình liên hệ với cộng đồng trong giai đoạn tới.
Chúc các bạn có những chuyến nghỉ ngơi kịp thời và có thể quay về nương náu vào những cội rễ vững chắc nhất.
Comments