Bạn hỏi: "Chị ơi, em không thấy mình thực sự biết “lắng nghe cơ thể" là như thế nào. Dạo này em thấy sức khoẻ đi xuống quá và triệu chứng thì thất thường. Em không biết phải chú ý nó như thế nào nên dù biết nhiều cách, hào hứng tìm hiểu thông tin, nhưng sức khoẻ chưa thấy cải thiện lên được nhiều…"
Nam Phương đáp: "Không cần phức tạp em ạ. Cách đơn giản nhất, do mình tự cảm nhận là những cách tốt nhất!"
1. Lắng nghe cơn thèm/chán ăn.
Ví dụ cơ thể khi bị sốt có thể thèm các món có vitamin C hoặc các món rau thanh nhiệt một cách tự nhiên. Không tính các cơn thèm quá thường xuyên mang tính nghiện ngập hoặc lệ thuộc là được (ví dụ: sáng nào cũng thèm uống cafe và nếu không uống thì không làm gì được).
2. Quan sát hơi thở:
Chỉ thuần túy quan sát hơi thở xem nó đang nông hay sâu, nhanh hay chậm, ngắn hay dài? Thường thì hơi thở nông, nhanh và ngắn là dấu hiệu của căng thẳng. Những người biết cách thư giãn thường sẽ dùng hơi thở để điều hoà tâm trạng bằng cách tác ý rằng bây giờ sẽ thở sâu hơn và chậm lại. Thi thoảng bắt gặp mình thở dài một cái cũng là dấu hiệu rằng mình đang cần giải toả các lo lắng, căng thẳng bên trong.
3. Tập hợp cảm thọ:
Một loạt các cảm giác và “triệu chứng” đang có là gì? Chỗ nào khó ở nhất, tự nhiên tâm mình sẽ hướng về phía đó. Vậy cứ để như vậy, kết hợp hơi thở sâu trong chánh niệm để ôm ấp cảm xúc khó em nhé. Còn nếu em biết cách hình dung đến việc năng lượng chảy tới chữa trị vùng đau cũng tốt.
Cái này phù hợp với những người đã thực hành thiền và có mức độ định tâm tương đối tốt, cộng với chút kiến thức sức khoẻ căn bản để hiểu tổng quan, không lâm vào tâm lý lo lắng và đối phó triệu chứng.
4. Để ý sắc diện:
Tâm sẽ biểu hiện ra thân khá rõ, nên đơn thuần quan sát sự thay đổi nhan sắc, thần thái của mình hoặc chú ý đến lời nhận xét của người khác nếu nhiều người cùng phản hồi tương tự với em. Ví dụ: vàng da, mắt kém đi… nhiều khả năng do gan yếu. Nếu không chắc chắn em cứ đi khám.
5. Cảm nhận năng lượng:
Khi không biết ăn uống đúng cách hoặc căng thẳng, hầu hết chúng ta đều có năng lượng khá thất thường như đầu giờ chiều hay lờ đờ mệt mỏi, hoặc hay mau đói. Nhưng mức độ thất thường quá mức là khi chúng ta thấy mình rơi vào các chứng rối loạn ăn uống, dễ ăn vô độ, ám ảnh với thức ăn hoặc mất luôn hứng thú ăn uống…
Trên đây là 5 cách căn bản nhất ai cũng có thể “lắng nghe" - tức là bao gồm cảm nhận, quan sát chính mình chứ không phải nói “nghe” là chỉ dùng tai. Cơ thể mình y như một con người: đôi khi chỉ cần được lắng nghe, được chú ý đến là đã được chữa lành phần nào rồi. Còn cứ bị lờ đi hoài thì sẽ tổn thương, và lâu dần sẽ “gào khóc” thông qua các chứng bệnh.
Nhưng chữ “lắng" đi trước chữ “nghe" em nhé. Chúc em đủ lắng yên để có thể nghe ra những gì cơ thể đang cố gắng nói cùng em.
Comments