Ngày xửa ngày xưa, ông tổ ngành Y nói" “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”. Ngày nay có mình nói: "Nhà bếp là nhà thuốc"!
Mình xuất phát cũng là một đứa được sinh ra trong khó khăn thể chất của mẹ, lớn lên dặt dẹo, đi bệnh viện liên miên và ở tuổi con nít đã được uống rất nhiều “thuốc xịn”. Mãi đến năm đại học khi đi học xa nhà, mình ngưng dùng tất cả mọi loại thuốc thì thấy khoẻ hẳn ra, đến mức không nhớ tại sao trước đó mình phải dùng thuốc nữa.
Sau này khi được đào tạo làm Holistic Health Coach và thử nghiệm rất nhiều, mình càng ngày càng thấm thía sức mạnh diệu kỳ của dinh dưỡng tự nhiên. Thực phẩm không chỉ là thứ “ăn để sống” theo đúng nghĩa sinh tồn, nó còn là những thang thuốc bổ diệu kỳ mà chúng ta có thể cho mình mỗi ngày. Đã hơn 5 năm rồi, mình không có tủ thuốc ở bên, vì gian bếp luôn có đầy đủ “dược liệu tự nhiên”.
Miền Bắc đang vào mùa nồm ẩm, và khắp nơi trên cả nước, làn sóng Covid mới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cùng tham khảo một vài mẹo dưới đây để tận dụng những dược liệu tự nhiên có sẵn trong bếp, và nâng cao sức đề kháng của cả nhà nhé:
5 mẹo biến "nhà bếp" thành "Nhà thuốc"

Xoá sổ các thực phẩm tinh chế:
Gợi ý nhé, bạn nên thanh lọc đầu tiên các thứ có màu trắng tinh! Vì sau khi loại bỏ bớt rất nhiều dinh dưỡng tự nhiên và xử lý hoá chất, các thực phẩm tinh chế thường còn lại mỗi màu trắng (trong khi dấu vết của các dinh dưỡng thường có màu ngà, nâu, đục hơn). Đường tinh luyện nên thay bằng đường mật mía/đường thốt nốt/ đường cỏ ngọt. Muối i ốt nên thay bằng muối hầm, muối biển loại còn giữ khoáng chất. Bột mì trắng nên thay bằng bột mì nguyên cám. Gạo trắng thay bằng gạo lứt hoặc gạo chà xơ. Trong mùa virus này ai ăn nhiều đường và thực phẩm tinh chế, đóng hộp thì nhanh nhiễm bệnh nhất vì đường bỏ đói các vi sinh có lợi mà lại cung cấp quá nhiều thức ăn cho vi sinh gây hại. Thực phẩm tinh chế còn chứa nhiều thành phần hoá chất từ đậu nành và ngô biến đổi gen, gây suy yếu hệ miễn dịch với vô số các hoá chất, chất gây dị ứng (thường có khuyến cáo nhỏ tí trên bao bì), và “calories rỗng” khiến bạn vừa béo vừa yếu.
Mời bạn đọc thêm:

Treo hành, tỏi lên nào:
Họ nhà hành, tỏi vốn siêu nổi tiếng với quyền năng chống virus, vi khuẩn, nấm gây hại rồi nên khỏi nói nhiều nữa nghen. Nếu không dùng hành được thì có thể ăn poaro hay hẹ. Ăn sống-chín đều lợi. Chúng cung cấp nhiều chất xơ lẫn prebiotics làm mạnh đường ruột nữa. Nên mục tiêu là thêm chút ít vào các món ăn của mình mỗi ngày nhé! Cho căn bếp xinh đẹp thì mình hay mua cả dây hành, tỏi rồi lấy dây thừng treo lên trông rất là xinh và mỗi lần dùng cứ rút ra cái rẹt thôi.

Tô màu gian bếp:
Trước đây, mình có nhắc đến “Chế độ ăn cầu vồng”. Vì sao nên ăn đủ màu? Thứ nhất là vì mỗi nhóm màu tượng trưng cho các dưỡng chất riêng biệt. Ăn đủ màu thường đồng nghĩa với ăn đủ chất. Thứ hai nữa là gian bếp của bạn khi có màu sắc phong phú của rau củ tô điểm thì trông sẽ tươi sáng hơn hẳn, nhìn vào cũng muốn hừng hực khí thế để sáng tạo các món hơn là chỉ có vài quả dưa chuột lăn lóc phải không nè…Đừng quên rằng rau chính là thức ăn mà các bạn lợi khuẩn cực kỳ yêu thích và giữ vững tuyến phòng thủ miễn dịch của chúng ta nhất đó! Không ăn được thì uống ép rau nhá!

Đừng quăng prebiotics vào sọt rác!
Khi chế biến, sai lầm lớn nhất của số đông chúng ta là hay loại bỏ các phần ăn được theo thói quen mà không biết chính chúng mới là thức ăn yêu thích mà các bạn lợi khuẩn đường ruột mong đợi. Đừng bỏ đi những phần thân rau hơi dầy và có vẻ khó nhai như thân súp lơ xanh, thân cải kale, cuống măng tây, lá củ cải…Bạn có thể tách riêng ra và xào trước, hay nấu kĩ trước rồi mới bỏ các phần khác vào nhé.

Rủ người thân làm các thực phẩm giàu kiềm tính:
Bình thường máu của chúng ta có độ pH ở mức 7.365, hơi kiềm một chút. Cơ thể chúng ta lại luôn có xu hướng axit hóa do những hoạt động của cơ thể như hô hấp, trao đổi chất hay tập thể dục. Khi ăn quá nhiều thực phẩm khiến cơ thể tạo axit (đạm động vật, đường, thực phẩm tinh chế) sẽ khiến máu nhiễm axit và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: mệt mỏi, gây tâm lý căng thẳng, bệnh tật như gút và ung thư. Và lại còn như mở cửa chào đón các loại virus gây bệnh nữa! Bổ sung kiềm tính thì ăn như mục 3,4 ở trên mình nói. Và đặc biệt các món như mơ muối lâu năm tạo cân bằng cực kì mầu nhiệm. Mình thì năm nào cũng hí hửng hóng mùa mơ để mua về và làm. Năm nay hai mẹ con rủ nhau làm cả chục kí mơ.
Dù cho thêm ra-bớt vào cái gì trong gian bếp thì tình thương của người làm bếp mới là quan trọng nhất đúng không nè!
Bày các nguyên liệu ra làm cùng nhau, nghe kể chuyện ngày xưa và tám đủ chuyện ngày nay để thắt chặt tình thân trong một nhà bạn nhé!
Comments