Nếu đã từng cảm thấy ngán ngẩm, chán ghét những cuộc họp online liên miên khi làm việc tại nhà, bạn không cô đơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford vừa khai sinh một khái niệm mới thời đại dịch: “Zoom Fatigue” - kiệt sức vì Zoom, hay hiểu nôm na là trạng thái kiệt sức khi họp hành trực tuyến.
Zoom trong khái niệm trên là ứng dụng gọi video được sử dụng rộng rãi nhất trong mùa dịch. Tuy nhiên, không chỉ Zoom, các nền tảng trò chuyện video đều có những lỗi thiết kế khiến chúng ta kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần. Nhưng may mắn là, có những cách dễ dàng để hạn chế những tác động của chúng.
Do ảnh hưởng của Đại dịch Covid 19, ngày càng nhiều người sử dụng các nền tảng gọi video trực tuyến để kết nối với đồng nghiệp, gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại đại học Stanford đã cảnh báo: những cuộc gọi video có xu hướng làm chúng ta kiệt sức.
Được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của các hội nghị trực tuyến qua video trong thời gian gần đây, giáo sư Jeremy Bailenson, giám đốc sáng lập Phòng Thí Nghiệm Tương Tác Ảo Stanford (Stanford Virtual Human Interaction Lab), đã kiểm nghiệm những tác động tâm lý khi dành nhiều giờ mỗi ngày trên các nền tảng đó. Các cuộc họp trực tuyến đã tăng vọt, với con số hàng trăm triệu cuộc diễn ra hàng ngày, trong thời kỳ giãn cách xã hội. Nếu Google là từ đại diện cho công cụ tìm kiếm nói chung, thì Zoom đã trở thành danh từ thay thế cho các nền tảng họp trực tuyến.
Trong bài báo được thẩm định đầu tiên của Bailenson, xuất bản ngày 23 tháng 2 trên tạp chí Công nghệ, Tâm trí và Hành vi (Technology, Mind and Behavior), tác giả đã phân tách một cách hệ thống khái niệm Zoom Fatigue dưới góc nhìn tâm lý. Bailenson không nhìn nhận Zoom như một phương tiện kết nối, mà đánh giá Zoom trên các khía cạnh về kỹ thuật. Ông chỉ ra 4 hệ quả của những cuộc trò chuyện video kéo dài mà ông cho rằng góp phần gây ra cảm giác “Zoom fatigue” - kiệt sức vì họp hành trực tuyến.
Bailenson nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông không phải là hạ thấp bất kỳ nền tảng họp trực tuyến nào, ông đánh giá cao và sử dụng những công cụ như Zoom thường xuyên. Mục tiêu của Bailenson là chỉ rõ việc tiến hành các cuộc họp trực tuyến hiện nay gây kiệt quệ ra sao và đề xuất những thay đổi về giao diện; nhiều thay đổi trong số đó rất dễ để thực hiện. Hơn thế nữa, ông đưa ra những gợi ý cho người dùng và các tổ chức về việc làm thế nào để tận dụng các tính năng họp trực tuyến hiện tại theo cách đỡ gây kiệt sức hơn.
Bailenson khẳng định: “Họp trực tuyến là hoạt động tốt khi cần giao tiếp từ xa, nhưng hãy cân nhắc về phương tiện - chỉ vì bạn có thể sử dụng video không có nghĩa bạn bắt buộc phải dùng chúng”.
Dưới đây là 4 nguyên nhân chính vì sao cuộc gọi video khiến con người kiệt sức, theo nghiên cứu. Các độc giả cũng được mời tham gia một phần của nghiên cứu nhằm phát triển Thang đo mức độ mệt mỏi và kiệt quệ vì họp hành trực tuyến (ZEF Scale).
4 nguyên nhân gây kiệt sức vì Zoom
1. Giao tiếp gần bằng mắt quá nhiều gây căng thẳng
Cả thời lượng giao tiếp bằng mắt trong cuộc gọi video lẫn kích thước của khuôn mặt trên màn hình đều không tự nhiên.
Trong một cuộc họp thông thường, mọi người sẽ có điểm nhìn linh hoạt: nhìn vào người nói, ghi chép hoặc nhìn qua nơi khác. Nhưng trong cuộc gọi Zoom, tất cả các thành viên đều nhìn nhau, trong mọi thời điểm. Một cách phi ngôn ngữ, người nghe cũng được đối xử như diễn giả. Kể cả khi bạn không hề lên tiếng trong cuộc họp, vẫn có những ánh mắt hướng về phía bạn, và bạn cũng đang nhìn họ. Sự giao tiếp bằng mắt tăng lên rõ rệt. Bailenson nói rằng: “Sự lo lắng khi nói trước đám đông là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của con người. Khi bạn đứng lên và tất cả mọi người nhìn chằm chằm vào bạn, đó là một trải nghiệm rất căng thẳng.”
Một nguồn gây căng thẳng khác là: phụ thuộc vào kích cỡ màn hình bạn đang sử dụng, những khuôn mặt trong các cuộc họp trực tuyến có thể hiện lên quá lớn, khiến bạn không thoải mái. Thông thường, nếu là cuộc trò chuyện 1:1 với đồng nghiệp hay thậm chí người lạ trên video, bạn sẽ nhìn thấy khuôn mặt họ với kích thước tương đương không gian cá nhân bạn trải nghiệm với ai đó thân thiết.
Nếu khuôn mặt của một người gần tới vậy trong đời thực, bộ não của chúng ta sẽ cho rằng đó là một tình huống căng thẳng dẫn tới giao hợp hoặc xung đột. Bailenson nói: “Thực tế, khi bạn sử dụng Zoom trong nhiều giờ liền, bạn đang ở trong trạng thái hưng phấn quá mức.” Bailenson nói.
Giải pháp: Cho đến khi các nền tảng thay đổi giao diện của chúng, Bailenson khuyên bạn nên sử dụng tùy chọn Thu nhỏ toàn màn hình và giảm kích thước của cửa sổ Zoom so với màn hình để thu nhỏ kích thước khuôn mặt và sử dụng bàn phím rời để có thêm không gian cá nhân giữa bạn với màn hình cuộc họp.
2. Luôn trực tiếp nhìn thấy chính mình trong cuộc gọi video gây kiệt sức
Hầu hết các nền tảng đều có một ô vuông hiển thị hình ảnh của bạn trên camera trong suốt cuộc trò chuyện. Nhưng điều đó rất không tự nhiên. Bailenson nói rằng: “Trong đời thực, nếu ai đó lẽo đẽo theo sau bạn với một chiếc gương - khiến cho khi bạn trò chuyện, đưa ra quyết định, gửi và nhận phản hồi - bạn đều thấy mình trong chiếc gương đó, thì thật điên rồ. Không ai muốn làm chuyện đó cả.”
Bailenson trích dẫn các nghiên cứu chỉ ra rằng khi bạn nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình, bạn có xu hướng chỉ trích bản thân nhiều hơn. Nhiều người trong chúng ta đang nhìn bản thân qua cuộc gọi video nhiều giờ mỗi ngày. “Điều này đang vắt kiệt chúng ta. Nó gây căng thẳng. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy những hệ quả tiêu cực về mặt cảm xúc khi buộc phải nhìn hình ảnh phản chiếu của mình."
Giải pháp: Bailenson khuyến nghị rằng các nền tảng nên thay đổi cách truyền tải video mặc định cho cả bản thân và người khác, khi chúng ta chỉ cần nhìn thấy người khác mà thôi. Trong thời gian chờ đợi, người dùng nên sử dụng nút "hide self - view (ẩn tự xem), người dùng có thể truy cập nút này bằng cách nhấp chuột phải vào ô vuông hiển thị hình ảnh của chính mình.
3. Cuộc gọi video hạn chế đáng kể khả năng dịch chuyển
Khi trò chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại, chúng ta có thể đi lại và di chuyển. Nhưng với cuộc gọi video, hầu hết các camera đều được thiết lập cho 1 góc cố định, dẫn tới chúng ta hầu như phải ngồi yên một chỗ. Những cử động bị hạn chế một cách không tự nhiên. Bailenson khẳng định: “Ngày nay, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra khi chuyển động, nhận thức của chúng ta hoạt động tốt hơn”.
Giải pháp: Bailenson gợi ý rằng chúng ta nên suy nghĩ nhiều hơn về không gian nơi mình ngồi họp trực tuyến. Camera sẽ đặt tại vị trí nào, và những vật dụng khác như bàn phím rời có thể giúp tạo ra khoảng cách cho sự linh hoạt. Ví dụ: một chiếc camera rời đặt xa màn hình sẽ cho phép bạn đi lại và vẽ nguệch ngoạc giống như chúng ta thường làm trong các cuộc họp ngoài đời thực. Các nhóm cũng có thể thống nhất quy tắc về việc tắt video định kỳ cho mỗi người, để chúng ta đơn thuần được giải phóng bản thân và cho cơ thể nghỉ ngơi trong thời gian ngắn
4. Nhận thức phải hoạt động với cường độ cao hơn trong các cuộc gọi video
Bailenson lưu ý rằng trong tương tác mặt đối mặt thường ngày, giao tiếp phi ngôn ngữ diễn ra khá tự nhiên và mỗi chúng ta tự nhiên tạo ra và diễn giải các cử chỉ và tín hiệu phi ngôn ngữ trong tiềm thức. Nhưng trong các cuộc gọi video, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để gửi và nhận tín hiệu.
Trên thực tế, Bailenson nói, con người đã đưa một trong những điều tự nhiên nhất trên thế giới - cuộc trò chuyện trực tiếp - trở thành một hoạt động cần nhiều suy nghĩ: “Bạn phải đảm bảo rằng đầu của bạn được đóng khung ở giữa video. Nếu bạn muốn cho ai đó thấy rằng bạn đang đồng ý với họ, bạn phải gật đầu quá khích hoặc giơ ngón tay cái lên. Điều đó gây thêm gánh nặng cho hoạt động nhận thức và tốn nhiều năng lượng tinh thần hơn khi giao tiếp.”
Các cử chỉ cũng có thể có ý nghĩa khác nhau trong bối cảnh cuộc họp video. Việc liếc xéo ai đó trong cuộc họp trực tiếp mang hàm ý rất khác so với việc một người trong cuộc gọi video nhìn ra ngoài màn hình khi đứa con của họ bước vào phòng làm việc tại nhà của họ.
Giải pháp: Trong những cuộc họp kéo dài, hãy dành cho mình khoảng thời gian "chỉ để chức năng audio" (audio only). Bailenson nói: “Điều này không chỉ đơn giản là bạn tắt camera của mình để không phải giao tiếp bằng cơ thể, mà hãy quay người khỏi màn hình, để trong vài phút, bạn không bị choáng ngợp với những cử chỉ những cử chỉ rất thực tế qua tiếp nhận của tri giác nhưng lại không có ý nghĩa xã hội gì lắm”.
Thang đo ZEF - đo lường mức độ kiệt sức vì Zoom
Nhiều tổ chức - bao gồm các trường học, các công ty lớn và các tổ chức chính phủ - đã liên hệ với các nhà nghiên cứu truyền thông của Đại học Stanford để hiểu rõ hơn về cách tạo ra các giải pháp tối ưu nhất cho các cuộc họp trực tuyến cụ thể của họ và cách đưa ra các bộ quy tắc. Bailenson - cùng với Jeff Hancock, giám đốc sáng lập Phòng thí nghiệm Truyền thông Xã hội Stanford; Géraldine Fauville, nguyên nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại VHIL; Mufan Luo; nghiên cứu sinh tại Stanford; và Anna Queiroz, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại VHIL - đã phản hồi bằng cách đưa ra Thang đo mức độ mệt mỏi và kiệt quệ vì họp hành trực tuyến (thang đo ZEF), để giúp đo lường mức độ mệt mỏi mà mọi người đang trải qua tại nơi làm việc do các cuộc gọi video.
Thang đo chi tiết được đăng tải trên một bài báo tại website SSRN, nghiên cứu sâu về cách đo lường sự kiệt sức từ công nghệ kết nối, cũng như nguyên nhân gây ra cảm giác này.
Thang đo là một bảng câu hỏi gồm 15 mục, được cung cấp miễn phí và hiện đã được thử nghiệm qua năm nghiên cứu riêng biệt trong năm qua với hơn 500 người tham gia. Nó đặt câu hỏi về sự kiệt sức chung của một người, về thể chất, về mặt xã hội, về cảm xúc và về động lực. Một số câu hỏi mẫu bao gồm:
Bạn cảm thấy kiệt sức như thế nào sau cuộc gọi video?
Bạn cảm thấy khó chịu như thế nào sau khi tham gia cuộc họp video?
Bạn có xu hướng tránh các tình huống xã hội nhiều đến đâu sau cuộc họp video?
Bạn cảm thấy cạn kiệt cảm xúc như thế nào sau cuộc họp video?
Tần suất bạn cảm thấy quá mệt mỏi để làm những việc khác sau cuộc họp video?
Hancock cho biết kết quả từ thang đo có thể giúp thay đổi công nghệ để giảm các tác nhân gây căng thẳng.
Ông lưu ý rằng con người đã từng ở trong tình huống tương tự trước đây. “Lần đầu tiên chúng ta có thang máy, chúng ta không biết liệu chúng tôi có nên nhìn chằm chằm vào nhau hay không trong không gian đó. Gần đây, tính năng chia sẻ xe đã làm nảy sinh câu hỏi về việc bạn có nói chuyện với tài xế hay không, hay nên ngồi ở ghế sau hay ghế phụ, ”Hancock giải thích. “Chúng ta đã phải phát triển các phương pháp để làm cho nó phù hợp hơn. Giờ đây, chúng ta đang ở trong thời đại đó với các cuộc họp video trực tuyến và việc hiểu các cơ chế sẽ giúp chúng ta hiểu cách tối ưu để thực hiện mọi việc cho các tổ chức khác nhau và các loại cuộc họp khác nhau”.
“Hy vọng rằng công việc của chúng tôi sẽ góp phần khám phá gốc rễ của vấn đề này và giúp mọi người điều chỉnh phương pháp họp video trực tuyến của họ để giảm bớt cảm giác kiệt sức khi họp hành trực tuyến” Fauville, hiện là trợ lý giáo sư tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển, nói thêm. “Điều này cũng có thể thúc đẩy các nhà thiết kế nền tảng họp video trực tuyến nhận lấy những thách thức mới, suy nghĩ lại về một số mô hình đã được xây dựng trên.”
Nếu bạn muốn đo lường mức độ kiệt sức của chính mình khi họp hành trực tuyến, bạn có thể thực hiện khảo sát tại đây (bằng tiếng Anh) và tham gia vào dự án nghiên cứu.
Bài này quả thực đúng và rất hữu ích luôn em gái :) tks em