Năm 2016, mình từ chối cơ hội làm CEO cho một công ty sản xuất nội dung giải trí sắp được thành lập. Không phải do vấn đề tiền bạc hay cơ hội kém hấp dẫn, mà là do...cái ăn.
Mình còn nhớ rõ đó là những ngày mình mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn và mới mở văn phòng được chưa lâu. Tuy nhiên, kết quả công việc tốt cùng sự tăng trưởng liên tục khiến mình tự tin và cởi mở với cả những cơ hội mới đến. Một nhà đầu tư mời mình đến văn phòng công ty ông đang làm chủ tịch, đưa mình đi tham quan các phòng ban, và giải thích cho mình quy cách hợp tác. Đó là một công ty đã có tiếng tăm trên thị trường, còn mình cũng không nghi ngờ gì về tiềm năng kinh doanh của công ty con sắp thành lập cả. Theo lời đảm bảo, công ty sẽ được cấp vốn đầu tư ổn định ít nhất 2 năm đầu từ công ty mẹ, việc của mình là theo quy trình.
Mọi việc có vẻ êm xuôi và đáng lẽ chỉ còn khâu ký kết chính thức. Thế rồi trước khi chia tay, ông mời mình đi ăn trưa tại nhà hàng gần. Khi menu được đưa đến, ông nhướng mày thắc mắc khi mình yêu cầu món chay. Mình giải thích rằng thi thoảng mình mới ăn chay, còn lại thì sao cũng được vì hoàn cảnh công việc không cho phép.
Vị này nghe thế tỏ ra nhẹ nhõm, liền bảo: “Còn trẻ thì cứ làm mọi thứ đơn giản hết mức đi, để dồn hết vào phát triển năng lực trong công việc.” Nói rồi, ông bắt đầu phàn nàn về 1 ai đó trong đội ngũ của mình là người ăn chay trường. “Có khi cả tập thể lại phải tìm cho được chỗ mà có bán món chay chỉ vì một người. Đáng lẽ một người phải vì tất cả, sao lại để tập thể phiền hà như vậy vì mình!?”
Sau đó, thấy mình vẫn chăm chú lắng nghe, ông tiếp tục phàn nàn về 1 người khác. Lần này là vì người đó có giới tính trong nhóm LGBT...Mình cởi mở nghe cho hết những lý lẽ của ông, thế nhưng càng nghe mình càng cảm thấy người này hẹp hòi. Nếu về lâu dài làm việc cùng ông, mình chắc chắn cũng sẽ rơi vào một nhóm thiểu số nào đó khiến ông không vừa mắt. Không biết tiềm năng công việc thực sự thế nào, nhưng mình biết chắc chắn mình sẽ không muốn phải làm việc với người gây cảm giác ngột ngạt đến vậy. Thế là mình nhắn tin từ chối ngay sau khi trở về.
Sau chuyện đó, mình tự hỏi nếu như một anh chàng nào đó có thể khiến sếp gai mắt chỉ vì là người ăn chay trường, thì với mình - lúc đó bắt đầu có xu hướng ăn chay - sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào với lựa chọn của mình sau này?
Nhưng trước hết, để mình kể cho bạn nghe câu chuyện dẫn dắt mình đến với việc ăn chay. Nó không liên quan gì đến tôn giáo. Ban đầu, mình tìm hiểu mọi thứ cũng chỉ để “tối ưu hiệu quả công việc". Làm thế nào để tối ưu? Trước hết mình phải khoẻ. Bên cạnh việc đến phòng tập yoga từ 5-6h sáng trước khi đến văn phòng, mình còn đăng ký học các môn về dinh dưỡng-sức khoẻ, tài chính và latte art (đứng bét lớp).
Hồi đó, hầu như chỉ có bố mẹ bỉm sữa và người cao tuổi mới đi học và số lượng người dạy đếm trên đầu ngón tay. Mình cũng quá bận rộn để theo các lời khuyên sức khoẻ một cách hoàn hảo. Thế nhưng vì thói quen đọc nhiều, mình ghi nhớ và tổng hợp được kha khá các “hướng dẫn chuẩn”. Vì vậy mà cứ men một cách “tiệm cận" với điều chuẩn mà làm. Cơ bản nhất luôn là tăng thực vật, cố gắng ăn toàn phần, nhà làm thay vì tinh chế, đóng gói sẵn.
Mình bắt đầu mua các bộ dụng cụ làm bếp căn bản: một bộ nồi inox, 1 nồi áp suất, 1 chảo, 1 bếp từ, vài con dao thái...và để một góc trong căn phòng trọ. Mỗi khi có thể, mình sẽ đi siêu thị để khuân vác về một đống rau tươi lẫn chế biến sẵn để về tự sơ chế. Thú thực là suốt 1-2 năm đầu, mình nấu chả ra làm sao và rau có chứng nhận sạch thì hiếm và đắt. Nhưng mình cố gắng nấu ít nhất 1-2 bữa một ngày và chạy vòng dài đến nơi có rau sạch, sẵn sàng trả giá khá cao cho rau hữu cơ hay những thứ rõ ràng về nguồn gốc.
Thế rồi, một chuyện lạ lùng xảy ra: Trong một chuyến công tác ở Hàn Quốc, mình đang đi bộ về nhà thì chứng kiến một toà nhà cao tầng đang bốc cháy ngùn ngụt. Toà nhà như một ngọn đuốc khổng lồ giữa lòng thành phố, và rõ ràng là xe cứu hoả và máy bay trực thăng của toàn thành phố phải tập trung về đó để dập lửa. Sau một hồi đứng đó chứng kiến một cách bàng hoàng và bất lực với những người dân khác, mình đành về nhà. Mình hỏi cô chủ nhà về vụ cháy thì được biết rằng toà nhà đó còn đang có các em thiếu nhi đang học. Cô xót xa nói không biết các em sẽ ra sao... Sau một hồi đi lại lo lắng, bản năng thúc đẩy mình cầu nguyện lần đầu trong đời. Và không biết từ đâu ra, mình tự hứa rằng nếu như không ai chết trong vụ cháy, mình nguyện sẽ ăn chay trong 2 tháng.
2 tháng nghe thì ngắn, nhưng đó là một thử thách với mình tại thời điểm công việc lúc nào cũng bận rộn. Thế rồi sáng hôm sau, mình được cập nhật rằng đã không ai chết... Mình không nói với bất cứ ai về lời cầu nguyện trong đầu, nhưng đã âm thầm giữ lời hứa. Khi về đến Sài Gòn, mình nghĩ: Nếu như phải ăn chay trong thời gian dài mà không muốn bị kiệt sức, thì mình phải học kỹ hơn về ăn uống!
Thế là mình nghiên cứu kỹ về dinh dưỡng cho người ăn chay. Rồi dần dà, chính mục đích này đã mở ra cho mình các khía cạnh khác của thực phẩm như:
Dinh dưỡng và tác động lên sức khoẻ con người
Khẩu vị
Phòng bệnh
Chữa bệnh
Tác động lên môi trường
Ảnh hưởng của tôn giáo
Truyền thống và thói quen trong gia đình, dân tộc
Cơ địa
Lối sống, v.v...
Hết hai tháng đó và trong guồng quay công việc, mình không còn ăn chay chặt chẽ được nữa. Nhưng một số điều tìm hiểu được đã chầm chậm thấm vào bên trong mình. Có những điều khi đã biết, nó sẽ khiến xu hướng sống của ta không thể đảo ngược. Việc lựa chọn ăn gì có liên đới đến toàn bộ các khía cạnh khác trong cuộc sống của không chỉ mình, mà cả thế giới! Đó chính là thời điểm mà mình gặp nhà đầu tư nọ. Và sự từ chối của mình không phải chỉ đi từ nỗi sợ phải làm việc với người hẹp lượng, mà nó có hiểu biết đằng sau đó.
Cần giải thích thêm về bối cảnh rằng lúc đó, lượng người quan tâm đến các khía cạnh môi trường đã bắt đầu có dấu hiệu tăng. Ăn chay thì có tác động lên môi trường ít hơn nhiều so với ăn thịt, nên lượng người ăn chay cũng tăng lên ở các quốc gia phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, những vấn đề đó có rất ít người quan tâm. Lý do thường được viện vào là: Việt Nam có mặt bằng chung thu nhập còn thấp. Số đông còn bận lo cơm áo gạo tiền... hơi đâu mà bận tâm đến chuyện môi trường thế giới!
Khi người ta nói “có Thực mới vực được Đạo”, thường hàm ý đến việc phải đảm bảo tài chính rồi mới có thể tìm cầu đến các thứ sâu xa hơn về tinh thần, hay tác động xã hội và môi trường. Việc ăn chay cũng được coi là liên quan đến đi chùa, ngày rằm... hay chuyện của giới tu tập, của người già đi chùa...
Thế nhưng như mình đã nói ở bài viết trước, trải nghiệm thực của bản thân của mình đủ để mình biết rằng đó chỉ là cái cớ đầy hời hợt, nông cạn. Nếu không muốn thì dù không có cớ về tài chính, ta sẽ có cớ khác thôi.
Từ 2016-2018, mình chọn trở thành “flexitarian" - tức là người có xu hướng ăn chay trong hầu hết hoàn cảnh, nhưng có thể uyển chuyển trong nhiều trường hợp. Ví dụ như nếu đi ăn với hội ăn mặn, thì thay vì đòi ăn chay tịnh hoàn toàn thì cứ tự “lựa cơm gắp rau" ra từ một đĩa xào cùng thịt, hay ăn chút mắm cũng chẳng chết.
Đến năm 2019 khi chứng kiến rừng Amazon bị thiêu trụi để có đất chăn nuôi gia súc, mình chuyển thành người ăn chay trường. Đến giờ khi nghĩ lại, mình cảm thấy biết ơn với những duyên đã dẫn dắt mình. Dù cho ban đầu mình lựa chọn do hoàn cảnh thúc đẩy, thì việc ăn chay trong nhiều năm qua đã cho mình vô vàn lợi ích khác. Sức khoẻ tốt, da đẹp, dáng gọn, năng lượng dồi dào, cảm xúc ổn định, có thêm niềm vui & những người bạn chung giá trị, và cả lòng biết ơn vô ngần với sự sống.
Tuy nhiên, cần phải nói lại rằng ở đây, không phải mình đang khuyên bạn hãy ăn chay ngay lập tức. Cũng không phải là bạn cần từ chối tất cả những ai có thành kiến với cách sống của bạn. Càng không phải là về việc bạn cần phải có Đạo muốn theo rồi mới lựa chọn cách ăn uống theo sau đó. Bạn hoàn toàn có thể có những thử nghiệm ăn uống của mình, rồi quan sát kết quả thử nghiệm xem thế nào thì giúp bạn sống hạnh phúc hơn, phát triển tích cực hơn?
Bài học mình đúc kết cho chính mình là: “Có Đạo rồi vực cái Thực theo sau".
"Đạo" ở đây không phải là tôn giáo, là niềm tin mù quáng. “Đạo" với mình là một con đường phát triển, dù chưa biết cái đích cuối ra sao, nhưng đã có những giá trị rõ ràng không thể bị vi phạm. Như nó đã giúp mình thanh lọc được các mối quan hệ, không phải tiếp xúc nhiều với những người hẹp lượng. “Đạo” của mình là đạo của tình thương và hiểu biết: đi theo hướng nào mà có thể khiến Trái Đất giảm bớt gánh nặng, muôn loài bớt khổ dù chỉ một chút thì là đang đi đúng đường. Đi theo hướng nào mà thấy càng ngày càng thấy đang tự thương được chính mình, thấy thân khoẻ - tâm an thì là đang đi đúng đường.
Ban đầu thấy lắm thử thách đấy, nhưng càng đi thì càng thấy có nhiều người cũng đi như mình vậy. Mình không nhất thiết phải đi trong cô đơn. Và cứ thong thả mà đi, sẽ thấy con đường này trải đầy khám phá thú vị.
Commentaires