Con người chúng ta là những sinh vật đầy cảm xúc, và thông qua thế giới của muôn màu cảm xúc mà tổ tiên chúng ta đã để lại cả một thế giới tinh thần và văn hoá phong phú. Thế nhưng trong nền văn hoá ám ảnh với tốc độ và hiệu suất ngày nay, nhiều loại cảm xúc đã được xem là tiêu cực, không chuyên nghiệp, kém phẩm giá hay “không phù hợp tại nơi làm việc”. Lý do chính là vì việc thể hiện và nói lên cảm xúc làm giảm tốc của chiếc băng chuyền sản xuất hiện đại.
Thế nhưng có một nghịch lý là càng đè nén và ngăn chặn, các cảm xúc càng âm ỉ và được nung nấu sâu bên trong mỗi con người. Những cơn sóng ngầm đó giống như chỉ chực chờ đến một ngày sẽ “tức nước vỡ bờ” thành những tranh cãi gay gắt, bức xúc và cuối cùng là nhiều cuộc tan vỡ.
Thế nhưng các phản ứng này thường chỉ là biểu hiện của một vấn đề sâu xa hơn những nhãn mác như “thái độ tiêu cực", “stress nơi công sở”, hay “mất cân bằng công việc và cuộc sống". Không chỉ ở trong các công ty, tập đoàn hoạt động vì lợi nhuận, các cảm xúc khó khăn này cũng tràn ngập trong cộng đồng những người hoạt động xã hội và khối phi lợi nhuận. Hoạt động của phần đông con người vẫn đang vận hành trên những nền tảng như vậy, lúc nào cũng chực đổ ụp xuống.
Mình đã tự đặt câu hỏi rằng: Vì sao con người nói chung, và những người làm Công tác Xã hội nói riêng - lại chất chứa nhiều nỗi đau đến vậy?
Một phần của câu trả lời được hiện rõ hơn sau một buổi của chuỗi Hoạt động Tái kết nối (Work That Reconnects) mà mình được tham gia. Trong Hành trình của chúng mình, có một giai đoạn là “Tôn vinh nỗi đau vì thế giới", một giai đoạn mà chúng ta có thể chia sẻ về những điều khiến mình lo lắng, buồn giận và tuyệt vọng. Giai đoạn này được coi là cần thiết để có thể lắng nghe & hiểu được nỗi đau bên trong, củng cố lòng trắc ẩn với chính mình và nhận ra tính phổ quát của những nỗi niềm này.
Chúng mình được dặn chuẩn bị trước về 4 vật phẩm đại diện cho 4 loại cảm xúc khó nhưng đang tràn ngập xã hội hiện nay:
Chiếc lá khô: tượng trưng cho Buồn đau
Hòn đá: tượng trưng cho Sợ hãi
Cành cây khô: tượng trưng cho Giận dữ
Chiếc tô: tượng trưng cho Trống rỗng/Thiếu hụt
Mỗi người có thể lần lượt cầm lên từng thứ vật tượng trưng đó, tạm dừng và lắng nghe xem điều gì đang cần được nói ra. Sau khi chúng mình chia sẻ thì ý nghĩa của từng vật tượng trưng được lý giải:
Có người đã chọn chiếc lá của Buồn đau. Và họ được giải thích rằng: Nỗi buồn là thước đo của Tình yêu. Khi chúng ta có càng nhiều tình yêu với cuộc sống này, chúng ta sẽ càng tiếc thương khi thấy nhiều thứ tốt đẹp đang dần mất đi: những cánh rừng, dòng sông, tiếng chim hót, những khúc hát ru con, những kết nối đã đứt, những nghi lễ và tri thức bản địa…”Phước cho những người biết tiếc thương”
Có người đã chọn hòn đá của Giận dữ, và nói về việc họ đã bức xúc lẫn thất vọng với một số người tìm đến công tác xã hội chỉ để được công nhận, hay về những đổ nát đang xảy ra trên thế giới. Trong nhiều trường hợp, Giận dữ có thể là biểu hiện của việc coi trọng tính Chính trực và Công lý.
Đối với những người cầm hòn đá và nói về điều khiến mình Sợ hãi, họ đang thể hiện sự tin tưởng và can đảm cần thiết để nói ra điều đó, nhất là trong một xã hội luôn ám ảnh bởi sợ hãi.
Còn mình và một người khác đã chọn Cái tô rỗng của Thiếu hụt, và ngạc nhiên khi chứng kiến bản thân nói ra nhu cầu về một khoảng trống, dù là về chiều kích không gian, thời gian hay một trạng thái Rỗng lặng nơi tâm thức. Để có thể tạm dừng, chiêm nghiệm, soi rọi lại những gì đã trải qua và nuôi dưỡng lại bản thân mình. Vật này cũng tượng trưng cho việc buông đi những điều không còn phù hợp với mình nữa. Cho dù về mặt đồ đạc vật chất, hay những nhu cầu tâm lý như phải cố gắng làm hài lòng người thân hay phải duy trì một hình ảnh tự tạo. Cần phải tự làm rỗng thì mới có đủ không gian cho cái mới nảy sinh.
Dù một người chia sẻ về điều gì, cũng nhận được sự đồng cảm của tất cả vì cảm xúc đó là có trong tất cả những người còn lại. Ai cũng thấm thía những buồn đau đó, những mất mát, bức xúc và căm hờn, những trống rỗng lẫn tiếc thương…trong quá trình cố gắng tạo ra thay đổi cho chính mình và thế giới mình đang sống. Nhưng giờ đây, không ai bị phán xét hay chỉnh sửa về những điều mình cảm thấy. Những phản hồi sẽ chỉ là:
“Tôi đang nghe bạn" (I hear you)
“Tôi đang thấy bạn” (I see you)
“Tôi cảm nhận được bạn” (I feel you)
“Tôi ở đây cùng bạn" (I'm with you)
Dường như các cảm xúc khác nhau với những tên gọi khác nhau đang hoà quyện làm một. Nhưng nó không còn bi thương nữa, mà trở thành năng lượng được giải phóng.
Câu hát của Lê Cát Trọng Lý vọng ra khắc khoải:
“Thế hệ tôi, phút chốc vui phút chốc buồn, cười một mình khóc cũng một mình…
Anh chị tôi, nghèo tiếng cười nghèo câu ca, nghèo chút nắng qua cơn mê dài
Nghèo giấc ngủ nghèo cả bình minh giàu nỗi buồn đêm ngày chinh chiến
Nghèo tất cả trừ tiền ra
Ôi nghèo tất cả trừ tiền ra…”
Câu hát của Lý chạm rất sâu vì nó nói lên một sự thật không mấy thuận tiện của thế hệ hiện nay và cả mai này: Số đông chúng ta rõ ràng là đang nghèo đi nhiều hơn là giàu lên. Chúng ta có thể đang “giàu" lên về mặt tiền bạc vật chất, thế nhưng chỉ cần mở rộng tầm mắt thêm một chút nữa thôi ta sẽ thấy mình đang mất đi quá nhiều:
Ta đang mất rừng khắp nơi và cả những hàng cây trong đô thị. Nghĩa là ta đang mất đi những hơi thở trong lành cho lá phổi, mất những bóng mát và màu xanh làm dịu mắt lẫn hồn, mất đi những nguyên liệu quý giá nhất để nuôi dưỡng, nương trú và chữa lành: từ thuốc ăn, thảo dược, quần áo, nhà cửa cho đến trang sách và nhạc cụ làm thành bài ca…
Ta đang mất đất. Nghĩa là ta đang để khô cạn đi những dưỡng chất hữu cơ và mạch nước ngầm đã làm nên sự sống trong ta, mất đi thế giới vi sinh thiết yếu cho tiêu hoá & miễn dịch, mất đi liều thuốc chữa lành kỳ diệu ngay dưới đôi chân mình, mất đi không chỉ phương tiện tạo sinh kế mà còn cả truyền thống gia đình và cộng đồng gắn liền với những mảnh đất…
Ta đang mất ánh nắng. Dù nắng chẳng chạy đi đâu, nhưng bởi ta đang tự ngăn che mình với nắng khi xây lên những chiếc hộp bê tông rồi nhốt mình trong đó. Ta từ chối đón nhận toàn bộ dải quang phổ tự nhiên vào ban ngày để nhìn vào ánh sáng xanh nhân tạo của thiết bị cả ngày lẫn đêm. Nghĩa là ta đang mất đi không chỉ Vitamin D cho sự vững chắc của bộ khung cơ thể, ta mất đi cả yếu tố hàng đầu giúp tinh thần vươn cao, cho giấc ngủ được yên ổn. Khi từ chối nắng, ta cũng từ chối luôn việc nhận tín hiệu điều hoà nhịp sinh học, để rồi sống như một cơn mê dài mà ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày. Từ chối cho bản thân và bố mẹ, con cái mình được chạy chơi dưới nắng, được nhìn lên từng áng mây trôi trên trời xanh trong.
Ta đang mất những nền văn hoá bản địa. Nghĩa là trong quá trình ‘mang văn minh đến buôn làng', ta đã tước đoạt đi nét đặc sắc rạng rỡ của nhiều kiểu văn mình khác biệt, tước đi tri thức về những hệ sinh thái và cây cỏ đặc thù, tước đi những không gian văn hoá mà giờ chỉ còn tồn tại trong những bản trường ca, tước đi tầm vóc và sức sống thực sự của bao thế hệ…
Làm sao mà người ta không buồn, không tiếc thương? Dù cho không phải lúc nào ta cũng trực tiếp nghĩ về khủng hoảng sinh thái hay những nền văn hoá đã mất, có những phần bên trong ta luôn cảm nhận được mất mát và đứt gãy. Nếu chưa từng cảm thấy gì, liệu ta có thực sự đang sống với một trái tim nhạy cảm, biết yêu và biết kính thế giới xung quanh?
Như một người bạn của mình đã diễn đạt: “Mỗi lần nhìn thấy một cái gốc trơ trọi tại nơi mà vốn đã từng là một cái cây xanh mát, anh thấy như thể ai đó đã cứa rất sâu vào tay chân mình".
Đó không phải là một lối nói văn vở, mà là sự thật khoa học: Tay chân chúng ta và những cái cây, cùng bao sinh vật khác cũng đều làm từ nguyên liệu tìm thấy trong Đất. Nhìn xuống cấp độ của các hạt vi tế nhất thì có khác gì nhau? “Người ta là hoa của Đất" là vậy.
Vậy cho nên nếu chưa từng cho phép, bây giờ chúng ta nên biết buồn, biết giận, biết sợ và biết khao khát những gì đang THỰC SỰ THIẾU (không phải cái thiếu mà quảng cáo nói). Chỉ cần ĐỪNG hành động dựa trên thúc đẩy của những cảm xúc đó. Hãy quan sát chúng trong mình và nếu được thì thể hiện chúng trong một không gian an toàn, nơi có những người khác chứng kiến mà không phán xét. (Như trong các Vòng tròn chia sẻ)
Sau này mình mới biết hoạt động nói trên “Mạn-đà-la Sự thực" (Truth Mandala), vì đó là không gian cho phép Sự thực bên trong được nói ra. Sự thực cũng như Oxy - khi được nói ra nó sẽ cho ta thêm sức sống. Nếu không được phép được nói ra và được chứng kiến một cách không phán xét, thì những tầng năng lượng đến từ những cảm xúc khó sẽ hạ thấp xuống mức độc hại và bào mòn sức sống. Chúng sẽ biểu hiện thành các tình trạng đầy hối tiếc, rối loạn, trầm cảm và bất lực.
Rút cục thì, chúng ta không thể tạo ra thay đổi bên ngoài một cách bền vững từ những tầng nội lực thấp, có tính bào mòn từ bên trong. Những gì ta đang đón nhận và nghe-thấy-cảm-hiểu từ thế giới bên ngoài là sự phản ánh cho những gì ta đang có bên trong.
Cảm xúc khó không phải lúc nào cũng cần phải được “xoa dịu" hay “quản lý". Trước khi có bất cứ một nỗ lực thay đổi nào, hãy cho phép chúng được “nhìn sâu", được cảm nhận trọn vẹn. Và tin tưởng rằng một khi đã được chiếu ánh sáng nhận thức vào chúng, chúng sẽ tự động chuyển hoá.
Như lời kết được nói lên khi Mạn-đà-la Sự thực được khép lại:
Nỗi Buồn đau được nói lên trên những chiếc lá khô là ngang với Tình yêu.
Khi lắng nghe nỗi Sợ hãi, chúng tôi cũng nghe thấy sự Tin tưởng và Can đảm cần có để nói ra điều đó.
Khi chúng tôi nghe thấy Giận dữ, chúng tôi cũng nghe thấy niềm đam mê Công lý
Và chúng tôi đã thấy cách chiếc tô rỗng đang tạo không gian cho những điều mới.
Kết nối lại với những cảm xúc bên trong mình qua Podcast Năng lực lắng nghe cảm xúc:
Comments