top of page
Writer's picturePhuong Nguyen

Hiểu những cái giá khi thành công đến quá nhanh

“Chị phải chuẩn bị để lỡ thành công ập đến nhanh quá, chị đỡ không kịp đâu chị ạ.” Sáng nay, có đứa em ngồi tư vấn kỹ thuật web cho mình đã nói câu này với vẻ mặt rất nghiêm túc. Rồi sợ mình chưa tin, cô bé khẳng định: “Chuyện này có thật đấy chị ạ.”

“Ừ ừ, chị biết là thật. Vì nó đã xảy ra thật với chị mấy lần rồi, ngắc ngoải luôn.” Mình cười cười, nhớ lại một vài giai đoạn gọi là ‘thành công’ ngày trước, đã thấy ruột muốn quặn lên. Như kiểu ‘tái sang chấn’.


Câu chuyện ‘thành công nhanh quá đỡ không kịp’ ở đây nghe như một lời khoe khoang. Nhưng không phải đâu, vì mình chưa dám nói đến ‘thành công’ đầy ý nghĩa theo đúng mong muốn của trái tim. Thành thật mà nói mình không tự hào về những giai đoạn này như những giai đoạn vượt qua được khó khăn. Mình chỉ dám nói đến loại ‘thành công’ về tăng trưởng và con số cái đã. Vì đó cũng là một bài học mà mình đã từng học vài lần với giá đắt.

Để bớt lý thuyết khô khan, xin kể luôn 2 câu chuyện thực tế:

Câu chuyện thứ nhất:


Như đã mặt dày tự khoe trong vài bài viết trước cùng series, mình đã có kha khá thành tích từ giai đoạn sinh viên. Với trí tò mò ham học và bản tính táo bạo, mình đi một vòng thu gom một rổ thành tích học tập lẫn hoạt động xã hội, lãnh đạo tổ chức, thi thố, giao lưu quốc tế...Ra trường, mình lại tiếp tục giữ được đà với vị trí quản lý, mức lương cao và được trao cả cổ phiếu của một công ty công nghệ. Chưa kể là đã đi tập thể dục và ăn uống ngày một khoa học hơn nên bớt xấu, bắt đầu có người yêu. Nói chung, mọi thứ dường như viên mãn hết mức. Thế nhưng, khi mới tầm 22-23 tuổi, mình chưa hiểu nổi bản chất của những thứ đang đến với mình: tiền, quyền sở hữu 1 phần công ty nào đó, năng lượng sáng tạo, thậm chí sự trung thành đáng ngạc nhiên của nhân viên...


Chưa hiểu nên chưa trân quý. Tiêu tiền không kiểm soát, chủ quan, kiêu mạn, kém đầu tư ‘nguyên liệu sáng tạo’ cho chính mình. Những gì được dạy trong nhà trường không áp dụng được gì hết. Cũng chưa hiểu mình xíu xiu gì, nên khi thử thách đến thì chỉ biết bơi bơi theo bản năng. Stress mà không biết là mình đang stress. Cô đơn mà phủ nhận là mình đang cô đơn. Các cảm xúc khó khăn ư? Dường như không thể có đủ chỗ trống trong cuộc sống để mà ngồi xuống, nhìn vào.


Đến khi đang trên ‘đỉnh cao của stress’ thì bố mất. Một cú sốc trời giáng như vậy khiến mình muốn gục ngã. Ừ, ‘muốn’ thôi, nhưng vẫn cố kéo mình đi trên đà cũ được một thời gian khá dài. Thậm chí nhận thêm việc để khoả lấp chỗ trống vắng trong tâm hồn, mà cứ tự đánh lừa là bản thân cần làm hay thích làm.

Mình tự kìm nén các cảm xúc và ém nhẹm mọi khó khăn trong lòng rất lâu. Chỉ mãi đến khi đứa bạn thân lên thăm sau một năm mình chuyển về Đà Lạt, lúc hai đứa ngồi một mình ở bờ hồ, mình mới bật khóc nức nở.



May mà những năm tháng đó, sâu thẳm bên trong vẫn có ‘cái biết’ sáng suốt hơn luôn hoạt động ngầm và dẫn dắt mình đến nơi cần đến, gặp những người cần gặp. Nhưng đó sẽ là câu chuyện kể sau.

Câu chuyện thứ hai:


Câu chuyện không đơn giản như mô tuýp “đến một nơi để chữa lành và từ đó sống an ổn", hay “chuyển sang công việc mới ý nghĩa hơn và từ đó hạnh phúc" như nhiều bạn đang ngầm mong đợi. Sự thay đổi môi trường sống, công việc, hay quan hệ với ‘ai đó’ có thể là những nhân duyên quan trọng trên hành trình. Nhưng không có cái gì ngoài ta có thể trở thành ‘liều thuốc bách bệnh’. Ta phải tự mình đi thu nhặt hết những bài học cần học trên trường đời.


Khi mình chuyển sang nghề Health Coach, mình bắt đầu vỡ vạc ra nhiều điều về bản thân lẫn cuộc đời hơn. Tuy nhiên trong suốt những năm đầu tiên, mình có ít sự vững vàng và quyết đoán. Đi trên một hành trình hoàn toàn mới đòi hỏi mình phải làm lại từ đầu. Trước đây, làm nội dung giải trí nào ra thì mấy triệu người xem là chuyện bình thường. Bây giờ, ‘nội dung’ phải có tính chuyên môn và thực sự hữu ích. Cũng không có văn phòng, đội ngũ, nhà đầu tư, công cụ phân tích dữ liệu như trước, mình lọc cọc làm từng bài viết sức khoẻ.



Cứ tưởng là sẽ đi lên từ từ thôi, ai dè sau nửa năm thì lại vô tình làm ra...nội dung viral. Cuộc đời thật lắm bất ngờ. Chính mình - dù đã từng làm nội dung viral trước đó - cũng không thể ngờ được là nội dung mà mình nghĩ chỉ thuần tuý mang tính thông tin khô khan lại được quan tâm đến thế.


Sau 1 buổi, thấy một album ảnh đã có vài ngàn lượt shares, tưởng nhìn lộn. Sau vài ngày, nội dung đó phủ khắp mạng xã hội. Page tăng lượt likes, follow gấp 4-5 lần chỉ sau 1 tuần. Cùng lúc đó là hàng loạt những điều khiến mình choáng sốc: những bình luận công kích & mỉa mai chuyên môn lẫn tư cách cá nhân, những inbox tấp nập của người lạ lẫn bạn bè, những cuộc gọi của các hãng liên quan, đề nghị hợp tác quảng cáo... Sau đó, những người bạn có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông đưa ra một loạt đề nghị: nào là chuẩn bị tinh thần có thể bị kiện ra toà, nhớ kiểm tra thông tin và hình ảnh quá khứ để ‘thủ tiêu’ những cái cần giấu đi trước khi bị bới móc, và cả chúc mừng vì ‘haters make us famous' (người ghét bỏ ta giúp ta nổi tiếng). ‘Fan’ thì đi bênh vực ‘thần tượng’, tự giúp mình chiến đấu với những người ghét bỏ mình. Người thì có ý tốt muốn ‘giúp mình kết nối và học hỏi’ thêm với chính người đang công kích mình, để ‘anh em hiểu nhau hơn’...Sau đó, là một loạt các chiêu trò bắt nạt ảo khác mà giờ mình cũng chẳng kể hết nổi.


Mình lâm vào tình trạng không biết làm gì, đành tắt máy đi dạo mấy đêm liền. Rồi sau đó thi thoảng ngoi lên thì chỉ dám hé mắt đọc vài bình luận. Rồi lại phải viết đủ thứ cập nhật, đính chính, đưa thêm thông tin...để thoả mãn công chúng các bên.


Mình khá chắc chắn là với bất cứ ai từng ‘được’ đột ngột chiếu spotlight mạng xã hội vào mặt như mình đều hiểu ‘độ nóng’ của nó. Khi người ta được nấp sau một cái nick mạng và với họ mình cũng chỉ là một ‘cái page’, người ta có thể cư xử tàn nhẫn hơn rất nhiều so với trong ‘đời thực’, khi ta có thể nhìn trực tiếp vào mặt nhau.


Nhưng vì lúc đó bản lĩnh và sự khôn ngoan của mình chưa theo kịp được với tốc độ tăng trưởng của nội dung mạng, mình tiếp tục lâm vào một dạng stress khác. Ngay cả khi sự việc đã nguội và cư dân mạng đã chuyển qua bàn luận về một vụ việc nóng sốt khác, người duy nhất còn tàn dư đầy tổn thương là mình.


Đến mức vài tháng sau, khi mình tổ chức các lớp học và bán ‘cháy vé’, mình cũng lâm vào tình trạng hoang mang vì tưởng tượng sẽ có ‘anti-fan’ đến học để làm bẽ mặt mình. Chẳng là từ thời sinh viên, mình đã chứng kiến những sự việc tương tự như vậy từng xảy ra với một người trẻ khác. Nhưng chứng kiến thôi thì quên rất mau, chỉ đến khi ở trong tình trạng tương tự mới thấy thấm thía. May mắn cho mình là chuyện đó không diễn ra, hàng loạt lớp học diễn ra suôn sẻ. Nhưng thành công quá nhanh lại đẩy mình phải chạy liên tục để theo kịp cái guồng quay tự tạo, còn chả vui nổi với tăng trưởng các kênh và doanh thu từ lớp học. Mình chỉ thấy...kiệt sức và trống rỗng.


Thế là mình nghỉ hẳn vài tháng. Mình đã đi Ấn Độ học yoga, du lịch bụi, và cũng để tìm câu trả lời cho nhiều câu hỏi. Một trong những câu hỏi đó là: Có cách nào thành công mà cùng lúc đó vẫn cân bằng và hạnh phúc không? Hành trình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này sẽ hẹn ở dịp khác.

---

Quay trở về với cuộc đối thoại sáng nay cùng lời khuyên chân thành của cô em nọ. Em đang làm marketing cho một diễn giả nổi tiếng hiện nay, và nhận định của em dựa trên việc chứng kiến diễn giả này cùng đội ngũ đã trải qua điều tương tự.

Mình đồng ý với nhận định sau đó của em: “Khi mình chưa có mức độ tăng trưởng như ý, mình có thể thấy được nhiều điểm hay. Mình có thể kịp chuẩn bị ‘cơ sở hạ tầng’ và làm quy trình rõ ràng, để khi có thứ ào ào chảy đến thì mình mới sẵn sàng. Nếu không, chỉ riêng việc ngồi xử lý yêu cầu và vá lỗi cho những lủng củng trước đó của mình thôi là đủ kiệt sức chị ạ.”


Mình gật gù. Và nếu cần phải bổ sung thì mình nghĩ ngoài việc chuẩn bị cho ‘cơ sở hạ tầng’ và quy trình, cái quan trọng không kém là chuẩn bị chính mình.


Cho nên bài học trong vấn đề này mình rút tỉa được là như sau:

  • Khi lên kế hoạch, đừng chỉ lên kế hoạch để thành công cho bằng được, mà còn chuẩn bị cho cả những tình huống thành-công-quá-mức. Nếu không, việc chạy cho kịp cái guồng tăng trưởng sẽ khiến ta chịu đủ phiền não, suy giảm sức khoẻ, thậm chí đến bờ vực...’ đánh mất mình’.

  • Hiểu cả cái lợi & hại của thành công nhanh chóng rồi, thì cho mình yên tâm và kiên nhẫn với cái tốc độ ‘phát triển chậm’. Cuối cùng, ta sẽ nhận ra ‘nhanh’ hay ‘chậm’ đôi khi có lằn ranh rất mong manh vì nó tuỳ thuộc vào điểm nhìn của ta đang zoom in hay zoom out trên trục thời gian. Có lúc tưởng là cần nhanh, nhưng hoá ra lại cần giảm tốc. Có lúc tưởng đang ỳ ạch, nhưng có thể đấy là những bánh lăn cuối cùng trước khi con tàu lượn siêu tốc bò đến đỉnh dốc, chỉ sợ khi lao xuống lại không kịp thắt chặt dây an toàn.

  • Dù ‘nhanh’ hay ‘chậm’, cần hiểu đó là tốc độ do tâm trí tạo ra. Nó chưa chắc đã phản ánh sự thực. Vì vậy, cái lâu dài ta cần hiểu là cơ chế hoạt động của tâm mình.

97 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page