top of page
Writer's picturePhuong Nguyen

Lửa ở trong mình

Updated: Oct 20, 2021

Chào bạn thương,


Chào mừng các bạn đến với series Podcast Lắng nghe những mầm xanh. Đây sẽ là một hành trình tái khám phá thiên nhiên cả trong và ngoài mình. Là hành trình quay về lắng nghe những hạt mầm đang cựa quậy nơi lòng đất tâm thức, chầm chậm trải qua những mong manh và tăm tối để chờ ngày mở vỏ, đội đất vươn lên, hướng về phía mặt trời. Và cũng là hành trình hiểu & thương toàn bộ mạng lưới sự sống mà mình là một phần không thể tách biệt trong đó.


Bạn có thể lắng nghe bản audio của nội dung này trên các kênh Podcast của Phương vào mỗi thứ Ba hàng tuần:

Tiếp nối những chia sẻ về nguyên tố ĐấtNước, trong bài viết này, Phương mời bạn khám phá lại Ngọn Lửa bên trong mình thông qua Tiêu hoá và Chuyển hoá. Sau đó, chúng mình sẽ còn đi đến phần kết nối Thân - Tâm tinh tế mà ngọn lửa bên trong mang lại. Từ đó, mình sẽ học cách chăm sóc không chỉ ngọn lửa tiêu hoá, mà còn thắp bừng lên ngọn lửa của nhiệt huyết, của sức sống trọn vẹn trong mình.


1. Lửa là gì bên trong mình?


Đất - Nước - Lửa - Khí là bốn yếu tố lớn (tứ đại) cấu thành nên vạn vật, bao gồm cơ thể của chúng mình. Có yếu tố thứ 5 của sự rỗng không nữa, nhưng tạm thời mình chưa bàn đến yếu tố này ở đây. Và thứ tự của các yếu tố nói trên cũng được sắp đặt theo thứ tự từ thô đến tinh. Tinh ở đây là tinh tế, khó nắm bắt và nhận biết hơn vì nó chuyển dần từ dạng rắn-lỏng sang các dạng vật chất thanh thoát hơn.


Nguyên tố lửa trong tứ đại
Tứ Đại Đất - Nước - Lửa - Khí

Khi nghĩ đến lửa bạn nghĩ đến điều gì, hình ảnh hay tính chất gì?

À, hẳn là sức nóng của nó đúng không nào? Tương tự như vậy: Ngọn lửa bên trong mình được thể hiện qua nhiệt độ và sức sống của cơ thể, vốn được tạo nên và duy trì phần lớn bởi quá trình tiêu hoá.

Đồng thời, quá trình đốt cháy của lửa giúp chuyển hoá vật chất thành năng lượng, nên lửa cũng là yếu tố đại diện cho quá trình Chuyển hoá tinh tế trong cả Thân và Tâm nữa.

Nào, mời bạn khám phá Lửa bên trong theo kiến thức của nền y học lâu đời nhất thế giới là nền Y Học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda.


1.1 Lửa tiêu hoá


Các nhà hiền triết cổ xưa nhìn cả thế giới như một tập hợp các trải nghiệm thiêng liêng, một biểu hiện của ý thức vô hạn. Và mặt trời trong vũ trụ cũng nằm trong cơ thể chúng ta. vầng măt trời bên trong đó gọi là Agni. Nếu mặt trời bên ngoài biến mất, mọi sự sống đều kết thúc. Cũng theo cách đó, Lửa trong ta - hay Agni - mà bị lụi tàn thì ta cũng chết. Bất cứ khi nào mà ánh lửa của Agni chập chờn, thì sức khoẻ của ta cũng lung lay. Khi ánh lửa đó vững bền, chúng ta cũng trở nên vững chãi trong cơ thể lẫn tâm trí.

Agni bao gồm các tiến trình sinh lý và sinh hoá mà từ đó, thức ăn được chuyển đổi thành sức sống, miễn dịch và năng lượng. Có thể nói rằng: Agni chính là lò sưởi của ngôi nhà cơ thể.

Đây là nơi mà thức ăn được "đun nấu" và dần biến đổi thành các tế bào và mô cơ thể, thành năng lượng cho chúng ta hoạt động.


Ngọn lửa tiêu hoá trong cơ thể

Thậm chí, hệ thống y học của Ayurveda còn nhìn nhận rằng việc duy trì một khả năng tiêu hoá tối ưu còn quan trọng hơn cả thành phần và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm mà chúng ta ăn. Bởi vì dù chúng ta có ăn đồ bổ đến đâu mà không có khả năng tiêu hoá - chuyển hoá của Agni, thì ta cũng đâu có thể hấp thụ được những giá trị dinh dưỡng đó. Thậm chí sẽ ngày càng chịu nhiều tật bệnh. Giống như là ta đang cố nhét thật nhiều củi vào 1 ngọn lửa yếu ớt, điều này chỉ khiến cho lửa nhanh lụi tàn.


1.2 Lửa chuyển hoá


Trong mối liên hệ chặt chẽ của Thân & Tâm, ngay cả tâm trí của chúng ta cũng được cung cấp bởi các vật chất tinh tế của thức ăn sau khi đi qua quá trình chuyển hoá của Agni. Sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, sự nhiệt tình và can đảm, sắc đẹp và khuôn diện, và đặc biệt nhất là tuổi thọkhả năng đề kháng bệnh tật cũng liên hệ trực tiếp với sức khoẻ của Agni. Chưa hết, nếu như Lửa chuyển hoá hoạt động mạnh mẽ, nó sẽ tạo nên trí tuệ lớn, khả năng lĩnh hội và học hỏi cao (nhờ hấp thu và xử lý được nhiều ý tưởng, khái niệm, hình ảnh từ bên ngoài rồi tạo nên hiểu biết sâu sắc bên trong). Những điều này có thể biểu hiện ra bên ngoài thông qua đôi mắt sáng, làn da khoẻ mạnh hồng hào và thái độ khao khát học hỏi, tiến bộ không ngừng.

Trong dòng đời con người, năng lượng của Agni sẽ mạnh nhất thường là vào giai đoạn thanh xuân, kéo dài từ suốt 18 đến 45 tuổi, có thể xê xích một chút tuỳ cách mà một người xây dựng lối sống có lành mạnh hay không.


Các bạn biết đấy, tuổi trẻ hay gắn liền với "bầu nhiệt huyết", "nhiệt tình" . Chữ "nhiệt" đó chính là diễn ra sức sống- năng lượng mạnh mẽ của ngọn lửa trong mình. Nhờ đó mà trong giai đoạn này, một người có sự cân bằng lành mạnh thông thường sẽ có rất nhiều sinh lực, tràn đầy nhiệt tình với cuộc sống. Nhiều dự án được sinh ra, nhiều thành tựu được đạt đến, hay sức sáng tạo rất dồi dào, khao khát luôn "bùng cháy".

Dĩ nhiên là sẽ có thăng - trầm, dao động năng lượng theo nhịp điệu của mùa trong năm, của ngày và đêm, hay các yếu tố ngoại cảnh khác. Tuy nhiên, thiên hướng chung là chúng ta sẽ đạt năng suất công việc và hoàn thành nhiều dự định nhất trong cuộc đời ở trong độ tuổi này.


Tuổi trẻ là khi ngọn lửa nhiệt huyết mạnh mẽ nhất

Bạn đang ở trong độ tuổi nào? Và bạn cảm thấy sức sống, mức năng lượng của mình có ổn định hay không? Và bạn có quan sát được mối tương giao giữa những điều đó với sức khoẻ của hệ tiêu hoá trong mình không?

Nếu bạn đang ở trong nhóm tuổi nói trên (18 - 45 tuổi) mà thấy mình có 1 vài hoặc tất cả các biểu hiện sau:

  • Tiêu hoá kém

  • Bài tiết không đều đặn và có nhiều xáo trộn đường phân

  • Tâm trạng trồi sụt thất thường

  • Dễ mất năng lượng rất nhanh sau khi ăn

  • Hay thường xuyên mất động lực, nhiệt tình

...đó là những dấu hiệu của việc Lửa trong bạn đang chập chờn. Và việc của bạn là phải chăm sóc lại cho ngọn lửa đó.

Nào, giờ thì chúng mình cùng nhau học cách Chăm sóc lại cho ngọn lửa trong mình nhé.


2. Chăm sóc cho Lửa ở trong mình


Có rất nhiều lời khuyên dinh dưỡng và sách về các nguyên tắc ăn uống, bổ sung thực phẩm bổ dưỡng, thải độc, thức ăn và đồ uống lên men để chăm sóc cho hệ tiêu hoá...Đó là những khía cạnh quan trọng mà Phương cũng đã có bài viết hay video hướng dẫn rồi. Nhưng hôm nay, mình mời các bạn khám phá cách chăm sóc cho tiêu hoá thông qua các khía cạnh khác cũng quan trọng không kém, là những khía cạnh cầu nối giữa những yếu tố trong ta và ngoài ta. Cụ thể sẽ bao gồm:

  • Theo mùa trong năm

  • Theo thời gian trong ngày

  • Theo độ tuổi sinh học

Những khía cạnh này tạo ra những biến đổi tự nhiên về năng suất và cường độ của Agni trong ngày, trong năm và cả cuộc đời chúng ta. Trong podcast này, Phương sẽ giải thích nhanh gọn thôi và nếu bạn quan tâm thì có thể xem các bài đính kèm trong mô tả podcast hay các video về dinh dưỡng - sức khoẻ trên kênh Youtube Chầm Chậm Mà Sống nhé.


2.1 Biến đổi theo mùa


Đối với Biến đổi theo mùa, thì bạn không cần phải nhớ các chi tiết loằng ngoằng phức tạp như là xuân-hạ-thu-đông phải ăn gì. Đơn thuần là hãy cứ quan sát thời tiết, mùa màng đang biến chuyển trong năm và ăn các nông sản nở rộ trong mùa đó. Thực sự thì đây là một trong những quy tắc tối quan trọng của việc sống thuận tự nhiên. Nhất là khi hiện giờ chúng ta có nhiều loại hoa quả nhập khẩu đi từ những nơi rất xa, được trồng từ các điều kiện thiên nhiên khác hẳn nên mang năng lượng không phù hợp với cơ thể của chúng ta.


Chúng ta đang ở trong mùa thu đúng không? Hay ở một số vùng thì là mùa mưa. Bạn thấy mùa này dễ thương đúng không nào? Cái nắng nóng, oi bức của ngọn lửa bên ngoài (tức mặt trời) dịu hơn, mưa nhiều hơn, chung quanh tựa như dịu dàng hơn.


Bên trong chúng mình, Trạng thái của Agni cũng được cải thiện và hoạt động hiệu quả, cân bằng hơn nhờ vào sự tích tụ năng lượng của 2 yếu tố nước-lửa trong mùa hạ. Nếu như trong mùa hạ chúng mình sẽ có xu hướng thèm đồ mát lạnh để làm dịu sức nóng bên ngoài lẫn bên trong, thì trong mùa thu này cơn thèm sẽ dần dịu lại.

Để phù hợp với đặc tính mùa này, chúng ta có thể ăn những thứ:

  • Có vị ngọt, hơi đắng, the ...thay cho các thức ăn mặn, chua và hăng.

  • Có đặc tính mát, nhẹ, ngọt dịu, thậm chí hơi lạnh chút

hoa trái mùa thu - chăm sóc ngọn lửa trong mình

Ví dụ cụ thể nhé: táo, đào, dâu, quýt ,cam, ổi, lựu, hồng chính là trái cây của mùa này. Nhà Phương thì đang được hưởng rất nhiều ngọt ngào từ những cây hồng xum xuê của hàng xóm đem tặng. Nếu dư nhiều nữa mẹ Phương còn ủ để tặng các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Lâm Đồng.


Với đậu thì mùa này ăn đậu xanh, đậu lăng là tốt nhất . Mà thực ra thì Phương thấy đậu xanh ăn mùa nào cũng tốt. Nhà mình trồng nhiều loại đậu, và hai mẹ con cứ hái xuống ăn dần, ăn cả vỏ chứ không chỉ tách hạt.


Nếu nói về vị hơi the the hoặc đắng đắng nhẫn nhẫn mà lại rất bổ thì phải kể đến cải kale, lá bồ công anh, hành hẹ, và những loài rau mọc dại cũng rất tốt như cúc áo, ngải cứu và cả mơ lông nữa. Vườn nhà Phương có rất nhiều ngải cứu mọc dại nên hai mẹ con thường xuyên ăn món trứng ngải cứu. và món này cũng khiến nhắc mình nhớ về Hà Nội nữa, vì thời sinh viên một trong những món mình thích ăn khi ngồi vỉa hè là món trứng ngải cứu, ăn không với tương ớt hoặc kẹp với bánh mì. Ôi chao là nhớ!


2.2 Biến đổi trong ngày


Đối với biến đổi theo nhịp điệu của ngày & đêm, thì các bạn có thể tham khảo lại phân tích trong podcast Điều chỉnh đồng hồ sinh học theo chu kỳ ngày đêm. Trong đó, Phương có nói về 2 dạng tín hiệu có ảnh hưởng lớn nhất đến nhịp điệu sinh học chính là Ánh sáng mặt trời và Thời gian ăn.

Những chú ý quan trọng nhất :

  • Các bữa ăn chỉ nên trong 1 khoảng thời gian từ 8-12 tiếng đồng hồ thôi, tức là khoảng tầm từ 6-8am cho đến 6-7pm tối. Agni hoạt động tốt nhất trong khoảng thời gian này và đặc biệt có sức chuyển hoá năng lượng mạnh mẽ trong tầm 10am-2pm. Không biết bạn thế nào, nhưng P thấy đúng là năng lượng của số đông chúng ta sẽ dần sụt giảm sau 2pm.

  • Trong 3 bữa một ngày, bữa trưa là bữa mà bạn có thể ăn nhiều nhất chứ không phải bữa sáng. Và sau 6pm thì lửa tiêu hoá sẽ yếu dần. Đó là theo phân tích của Ayurveda về trạng thái của Agni.

Tuy nhiên, bạn cứ quan sát cơ thể của mình và cả hoàn cảnh sống, rồi điều chỉnh linh hoạt nhé.


2.3 Biến đổi theo độ tuổi sinh học


Các bạn từng xem phim Xuân-Hạ-Thu-Đông rồi lại Xuân chưa? Phim làm về vòng lặp cuộc đời của con người, cũng là vòng lặp của nghiệp quả mà người đó tạo ra khi bị dẫn dắt bởi những ham muốn bản năng con người. Tuổi trẻ là thời điểm mà khao khát và nhiệt tình lên đến đỉnh cao, trong tất cả mọi khía cạnh quan trọng như Công việc lẫn Tình yêu, tình dục.


Một cậu bé tu luyện cả tuổi thơ với người thầy ở nơi thanh vắng, giữa hồ nước đẹp như tranh thuỷ mặc. Thế nhưng, tất cả những quang cảnh tĩnh tại, thanh cao đó không có sức hút với cậu bằng một cô gái trẻ. Và với bầu máu nóng của tuổi xuân, cậu đã bỏ hết tất cả để đi theo cô gái và chỉ trở về tìm thầy mình khi đã phạm lỗi lớn. Đó chính là một minh hoạ của việc Ngọn lửa bên trong có thể thiêu đốt chúng ta như thế nào thông qua sự thèm khát, ham muốn mà không được nhận diện và chế ngự.


Vậy thì có thể nói rằng, bầu nhiệt huyết tuổi trẻ đó cũng có mặt trái của nó và nó cần được giữ ở một mức độ cân bằng: không mạnh phừng phừng và nung đốt chính mình, nhưng cũng không yếu ớt chập chờn khiến ta thấy như mình không có sức sống.


Lời khuyên chung nhất cho những người đang trong độ tuổi thanh xuân đơn thuần là hãy học cách ăn uống lành mạnh, thanh nhẹ, ít gia vị nóng. Những loại rau thơm có thể ăn kèm với mỗi bữa ăn như rau mùi, bạc hà hay thì là...sẽ giúp cân bằng lại sức nung đốt của ngọn lửa bên trong.

ăn uống thanh nhẹ để chăm sóc ngọn lửa trong mình

Về khía cạnh tinh thần thì lời khuyên là bạn hãy cho phép mình được sống hết lòng với đam mê của bạn - nếu bạn đã có. Agni chính là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy bạn, cho bạn thêm sức sống.

Còn nếu bạn thấy rằng mình chưa từng tìm thấy một điều gì gọi là đam mê cháy bỏng ư? Đừng vội vàng, hãy cứ quan sát sức khoẻ và năng lượng của chính mình. Ghi nhận những xu hướng và mẫu thức của nó và tạo ra những điều chỉnh nhỏ để từ từ Agni đạt trạng thái cân bằng. Rồi bạn sẽ dần nhìn thấy nguồn năng lượng tự nhiên của mình đang hướng về đâu, theo những cách rất trực giác, rất bí ẩn, không cần qua một bộ lọc của phân tích nào.


3. Loại thải và buông bỏ


Giờ thì Phương xin được nói thêm chút xíu về vòng lặp của quá trình Tiêu hoá. Sau khi bạn nạp năng lượng thông qua thực phẩm, nó sẽ được tiêu hoá/chuyển hoá thành năng lượng và dưỡng chất nuôi dưỡng Thân - Tâm của mình. Bước tiếp theo sau đó là Loại thải những gì không cần thiết. Nhưng đôi khi sẽ có những ứ đọng, bế tắc của những gì chưa được xử lý hết.

Cơ thể sinh học của chúng mình bài tiết qua đường phân, nước tiểu, mồ hôi... và khi có vấn đề tiêu hoá thì thường cũng có nhiều cặn bẩn ư, thậm chí là phân đóng trong thành ruột.


Còn về mặt cảm xúc, tinh thần thì sao? Bất cứ một trải nghiệm nào, một cuộc gặp gỡ hay trao đổi nào của chúng ta với đời và với người đều để lại những ấn tượng và cảm giác nhất định. Có những thứ tưởng như ta đã lướt qua rồi nhưng thực chất vẫn để lại dấu vết trong tâm. Thậm chí, rất nhiều điều mà ta chưa xử lý hết vẫn đang chồng chất bên trong và tạo ra những vết sẹo vết hằn của tâm. Tạo ra giận hờn, oán trách, khổ đau khi ta cứ nhai đi nhai lại những trải nghiệm không vui.


Học cách buông bỏ là tiến trình mà tất cả chúng ta cần phải học. "Buông bỏ" có thể chỉ là lời nói suông, vô nghĩa nếu như ta cứ lặp đi lặp lại một cách lý thuyết để cố gắng thuyết phục mình chấp nhận ngậm ngùi những điều không như ý đã xảy ra.

Dấu hiệu của buông bỏ thực sự là khi ta bắt đầu nhìn thấy những sự kiện không may trong quá khứ như những món quà của cuộc sống. Nhìn lại mà thấy biết ơn, thấy buồn cười, thấy nhẹ nhõm, thấy không còn trách móc, thậm chí còn thấy thương người mình từng oán hờn...đó là mình buông bỏ được rồi đó!


Chăm sóc ngọn lửa trong mình - học cách buông bỏ

Điều này cần có thời gian và sự tu dưỡng nữa. Phương không biết nói gì hơn là chúc cho chính mình và cho các bạn có đủ can đảm để không bao giờ trốn tránh ngổn ngang trong lòng mình, nhìn vào nó thật rõ và chuyển hoá nó.

Và đó là những gì chúng ta có thể làm để chăm sóc cho ngọn lửa trong mình.


Tới đây, Phương gửi tới bạn một lời mời: cùng lắng nghe và cảm nhận sâu hơn Ngọn lửa trong mình, và thắp sáng hơn nữa ngọn lửa của sự sống, bầu nhiệt huyết và trí tuệ, qua một bài Thiền Dẫn. Bạn có thể thực hành cùng Phương qua bản audio trong Podcast dưới đây:


364 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page