Chào bạn thương,
Chào mừng các bạn đến với series Podcast Lắng nghe những mầm xanh. Đây sẽ là một hành trình tái khám phá thiên nhiên cả trong và ngoài mình. Là hành trình quay về lắng nghe những hạt mầm đang cựa quậy nơi lòng đất tâm thức, chầm chậm trải qua những mong manh và tăm tối để chờ ngày mở vỏ, đội đất vươn lên, hướng về phía mặt trời. Và cũng là hành trình hiểu & thương toàn bộ mạng lưới sự sống mà mình là một phần không thể tách biệt trong đó.
Bạn có thể lắng nghe bản audio của nội dung này trên các kênh Podcast của Phương vào mỗi thứ Ba hàng tuần:
Youtube: https://bit.ly/CCMS_YT
Apple Podcast: https://bit.ly/CCMS_Podcast_Apple
Spotify: https://bit.ly/CCMS_Podcast_Spotify
Những số đầu tiên của series, về các yếu tố Đất-Nước-Lửa-Khí và số mới nhất về Dạo bộ trong thiên nhiên đã được thiết kế để các bạn cảm nhận về thiên nhiên trong và ngoài mình. Tất cả đều cùng cấu tạo nên từ một chất liệu, không tách rời.
Còn trong các số tới, Phương sẽ mời các bạn đi sâu hơn vào Hành trình nội tâm trong những giai đoạn chuyển giao khó khăn.
"Là hành trình quay về lắng nghe những hạt mầm đang cựa quậy nơi lòng đất tâm thức, chầm chậm trải qua những mong manh và tăm tối để chờ ngày mở vỏ, đội đất vươn lên, hướng về phía mặt trời."
Và cụ thể trong bài viết này, Phương sẽ chia sẻ với các bạn về những chênh vênh cảm xúc mà mình từng gặp phải trong quá trình làm Sáng tạo. Phương sẽ bắt đầu với câu chuyện về hành trình sáng tạo của bản thân khi làm các nội dung Viral, rồi sau đó sẽ nói một chút về kinh nghiệm, các bài học rút ra sau những năm làm một nhà sáng tạo nội dung, đào tạo đội ngũ làm nội dung của riêng mình và dần mỗi ngày ý thức hơn về trách nhiệm của mình khi đưa các sản phẩm của mình ra trong thế giới này.
Phương nghĩ những chia sẻ đó sẽ đặc biệt hữu ích cho các bạn đang muốn bắt đầu một kênh Sáng tạo của riêng mình, cho dù đó là 1 kênh blog, youtube, podcast hay thậm chí là một cuốn sách, mở studio, mở xưởng thủ công, một dự án sáng tạo nào đó của riêng bạn. Phần nào đó, bạn sẽ biết câu trả lời của phương cho các câu hỏi hay gặp. Như khi bắt đầu điều gì đó của riêng mình, làm sao biết được...
Mình có thể tìm ra được động lực duy trì lâu dài hay không?
Mình có nên vạch định hướng lâu dài hay chỉ cần làm đến đâu hay đến đó?
Mình có thể kiếm sống từ điều này hay không?
Mình có thể nuôi thân như thế nào cho đến khi kiếm được tiền từ sản phẩm sáng tạo của mình ?
Ồ, có rất nhiều thứ để chia sẻ. Vì vậy có thể mình sẽ phải thảo luận với các bạn qua nhiều kỳ podcast và bài viết nữa.
Nhưng không sao. Mình cứ chầm chậm đi cùng nhau từng bước một đã nhé. Đầu tiên, thì Phương muốn nói đến:
Định nghĩa sáng tạo của riêng mình
Có thể có rất nhiều định nghĩa về Sáng tạo và nhận thức của Phương về quá trình này cũng thay đổi theo thời gian. Trong giây phút hiện tại, đối với mình thì:
Sáng tạo là quá trình mà thứ gì đó đã được tạo ra khi những phần "Sáng" được tụ lại một chỗ trong một thời điểm. Thông qua các kênh dẫn của cơ thể & tâm thức của bạn, năng lượng được tập trung lại dần dần và rồi sau một quá trình, sẽ biểu hiện thành một "sản phẩm" nào đó có thể nhìn được, nghe được, ngửi được, nếm được, chạm được và hiểu được, cảm được.
Phần "sáng" đó là năng lượng sống. Năng lượng sẽ được tụ lại qua sự chú tâm, sự tập trung có chủ ý. Là năng lượng sống của vũ trụ, dù nó là trong hay ngoài bạn. Kênh dẫn là cơ thể & tâm thức của bạn. Còn những cái như công cụ thì có thể coi là một phần nối dài của bạn, và vì thế cũng là một phần của kênh dẫn.
Nghe có vẻ hơi mông lung đối với bạn không? Ừ, nếu có ai đó nói với Phương như vậy cách đây 1 vài năm thì cũng chẳng hiểu gì. Thậm chí mình sẽ nghĩ "người này hippie bay bay làm sao ấy". Nhưng giờ thì trong giây phút này, Phương nghĩ vậy, Phương tin sẽ có người hiểu được hoặc cảm được. Và Phương cũng tin rằng với định nghĩa mở rộng này, tất cả chúng ta đều có thể chạm đến một nguồn lực sáng tạo vô hạn.
Bây giờ thì Phương sẽ kể cho các bạn nghe hành trình của mình đã nhé.
Hành trình sáng tạo của Phương
Mình vốn dĩ làm mọi thứ rất tự nhiên, rất bản năng và có nhiều phần của trực giác. Và đối với mình thì đôi khi đơn giản là làm một việc cũ mà theo một cách mới, không gò mình trong các định khuôn cũ đã là sáng tạo rồi. Mình cũng ít khi nghĩ đến việc mình có sáng tạo hay không sáng tạo, chỉ đơn thuần là tò mò với rất nhiều thứ chất liệu trên đời. Và đường đến với các sản phẩm đầu tay của mình là sách.
Mình bắt đầu làm con mọt sách từ lúc biết đọc và vì mình đọc nhiều quá nên đến năm lớp 6, lớp 7 thì mình không thể không viết nên một thứ gì đó. Dĩ nhiên không có gì to tát. Một vài bài viết gửi tạp chí mà mình hay đọc. Một bài dự thi. Fanfiction của bộ tiểu thuyết mà mình hay đọc như Harry Potter chẳng hạn. Cũng có lúc thì viết fiction (truyện giả tưởng). Lúc đó thì chưa có MXH và mình chủ yếu là đăng bài trên các forum tập hợp những người có sở thích riêng. Đến cấp ba thì mình cũng có lượng độc giả nho nhỏ theo dõi truyện của mình, và mình sẽ muốn bay lên mây nếu như ai đó khen ngợi hay nói rằng họ vào forum chỉ để đọc truyện của mình.
Rồi sau này khi phong trào viết blog lên cao thì mình cũng lập blog, đi từ blog Yahoo qua đến Wordpress khi vào đại học. Thậm chí đến bây giờ, lượng người theo dõi kênh của mình cũng vẫn chưa bằng lượng người subscribe blog thời sinh viên, một blog mà mình thi thoảng mới đăng bài. Đôi khi chỉ là khoe vài thành phẩm mà mình đã làm ở đâu đó: Từ các bài viết đăng trên báo, phim ngắn, phim hoạt hình đơn giản, review truyện tranh...cho đến cả những thứ có vẻ nghiêm túc hơn như những phân tích về tương lai của giáo dục - công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, những suy ngẫm tản mạn về cuộc sống, về văn hoá uống cà phê... Nói chung nó là tập hợp của nhiều mảnh ghép nhỏ lẻ trong cuộc sống của mình.
Vô thưởng vô phạt vậy thôi cho đến khi mình có những bước ngoặt có thể tự hào: như là bộ phim hoạt hình đầu tiên mình làm đã giúp mình có được một chuyến đi thăm đất nước Ireland trong suốt 2 tuần, giúp mình được thăm trụ sở Google - lúc đó là công ty mà mình vô cùng ngưỡng mộ. Hay đến năm cuối Đại Học thì mình được phát hiện bởi 1 đàn anh làm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Anh đã đọc blog của mình và đưa ra một lời nhận xét quá hào phóng đến mức mình không thể tin được. Anh đã nói: "Đọc blog của em anh thấy như đọc Haruki Murakami vậy". Thực tế thì đến bây giờ mình vẫn nghĩ là anh đã phóng đại.
Thế nhưng nhờ có những lời khen hào phóng như vậy mà mình cũng nuôi được sự tự tin để làm cùng với anh trong một dự án xây dựng một kênh truyền thông mới, thử nghiệm những dạng thức đang viral trên thế giới mà Việt Nam gần như chưa có ai làm. Khái niệm viral content (nội dung lan truyền) cũng nảy sinh từ bệ phóng của Mạng xã hội. Khi FB, twitter trở thành những nền tảng mà nhà nhà ai cũng biết, thì cũng chính thức đánh dấu một thời đại mà được gọi là "báo chí công dân" -ai cũng có thể có sức mạnh như một kênh báo chí. Ai cũng có thể lên tiếng. Và nếu như tiếng nói có giá trị hữu ích hay khơi gợi cảm xúc đủ mạnh mẽ thì mức độ lan truyền dường như là vô hạn. Có thể nói rằng, con người giống như được trao cho một dạng quyền lực mới với vô vàn tiềm năng để thể hiện sức sáng tạo của mình, tiếng nói của mình.
Lúc đó, mình thực sự rất say mê với một biển các thông tin mới lạ được đưa đến thông qua MXH và các kênh báo chí sáng tạo của thế giới. Và mình đã nghiên cứu các kênh có độ lan truyền chóng mặt như Buzzfeed, Playbuzz, The Huffington Post, VoX...và đắm mình trong cả những nghiên cứu, nhận định của các kênh phân tích về truyền thông về những cuộc chuyển đổi trong nhận thức & hành vi của người dùng Internet. Hay miệt mài nghiên cứu những yếu tố làm nên tính lan truyền của 1 nội dung trên Internet, hay tạo nên lực thúc đẩy khiến người ta ấn nút Chơi, nút Chia sẻ. Lúc đó, năng lượng của mình đều tụ lại một chỗ trong các nội dung mình làm. Tập trung và say mê đến độ mà ngay cả bài luận tốt nghiệp mình cũng viết nhanh cho có để có thời gian làm điều mình say mê.
Và may mắn của mình lúc đó là với đòn bẩy công nghệ của một người anh khác trong nhóm, mình có thể đưa bất cứ một ý tưởng nào của mình lên web. Thậm chí là rất nhanh, tính theo ngày thôi, có thể có một nền tảng (Platform) mới được thành hình và nội dung có thể được biến hoá trên đó, cho dù nó có hình hay cả hình và thanh, ảnh động (GIFs), video hay infographics, trắc nghiệm tính cách (quiz) hay tắc nghiệm tính điểm, hay đơn thuần là mấy cái chuyện có vẻ rất tầm phào như thay avatar mặt mình vào một bộ khung cơ thể của người nổi tiếng.
Mình còn nhớ rất rõ cảm giác như được lướt trên một cơn sóng sáng tạo rất lớn, không có gì cản trở, không có giới hạn. Rồi mình làm một chuyện mà khiến cho mấy anh sếp của mình ngạc nhiên là chủ động kết nối thêm cho sếp các đội thiết kế, đề nghị tuyến thêm đội làm nội dung...rồi tự bày lại cho các bạn ấy quy trình mẫu rồi cứ thế nhận đầu việc gửi về, ráp nối và làm thành một dây chuyền sáng tạo riêng. Nội dung được đưa đến ùn ùn và tự mình ngồi biên tập lại, ráp nối ảnh với nội dung và đẩy nội dung ra liên tục. Những hiệu quả lan truyền đầu tiên được ghi nhận cũng rất nhanh vì lúc đó các kênh phân tích riêng như từ tài khoản Google Analytics, FB insights hay các kênh đo lường của các bên thứ ba về tốc độ lan truyền, độ phủ sóng cũng đã được tận dụng hết. Rồi là team của mình cũng được làm việc với công cụ đo lường riêng từ dữ liệu được kéo về ...và với những gì mà dữ liệu giúp mình quan sát được một cách khách quan thì các sáng tạo sau có khả năng lan truyền cao hơn sáng tạo trước.
Thực ra thì câu chuyện này cũng không hoàn toàn màu hồng, Mặc dù quá trình sáng tạo rất trơn tru nhưng người sáng tạo lại có rất nhiều bấp bênh cảm xúc các bạn ạ. Mình cũng nhớ rất rõ mặc dù lúc đó mỗi lần làm và nghiên cứu nội dung lan truyền rất vui, nhưng có rất nhiều khoảnh khắc khác trong cuộc sống mà khi mình dừng lại, mình cảm nhận thấy không có nhiều ý nghĩa. Cũng có một chút lo lắng về tương lại sau khi ra trường nhưng vì sếp mình đã đặt hàng mình làm full time, với mức lương tự quyết cho chính mình nên mình cũng không đến mức hoang mang về công việc. Thế nhưng mình thấy bản thân đâu đó khá bấp bênh, không hiểu được nhiều về bản thân mình. Có lúc thấy như trầm cảm, không muốn làm bất cứ điều gì và cũng không muốn nói chuyện với ai. Có những ngày nhìn bát bún để trước mặt mà ăn uống rất nặng nhọc. Mình lúc đó trông như một hacker nhí vậy: đi đâu cũng ôm máy tính, ngồi một mình tại vô số quán cà phê và tự đắm chìm trong một thế giới riêng. Có giao tiếp nhưng hoàn toàn thấy đơn độc, cô đơn.
Mình cũng có những cái mà người ta gọi là "cú sốc khi ra đời" khi chia tay người yêu đầu tiên, rồi là có những lựa chọn khó khăn giữa offer công việc mới lương gấp 5 lần lương ở công việc cũ đi kèm cổ phiếu, hay ở lại công ty cũ vì tình nghĩa. Thực sự tính từ lúc sinh ra đến lúc ra trường thì đó là lựa chọn khó khăn nhất mà mình từng có. Đứng giữa hai hướng đi, mình đã chọn minh bạch. Mình thậm chí đã forward các thư trao đổi của mình với cty có offer tốt đến cho sếp của mình ở cty cũ. Và mình biết là vì mình nặng tình nghĩa, nên chỉ cần anh nói rằng em hãy ở lại đi, thì mình sẽ ở lại.
Thế nhưng, mình rất kinh ngạc về cách phản ứng rất cao thượng của anh. Trong một buổi tối ngồi nói chuyện thẳng thắn với nhau, anh đã nói: "Em đã học hết bài học ở đây rồi. Các anh không thể dạy cho em bất cứ một điều gì khác nữa. Thế nên em cần học ở phía bên cty kia. Lương cao, những người ở đó cũng có tầm kinh nghiệm ở cấp quốc tế. Đó là lựa chọn không thể tốt hơn được nữa. Các anh không còn xứng đáng với em. Anh đã nói chuyện với các anh khác để họ có thể thoải mái với chuyện để em đi. Các anh còn phải tự hào vì đã là bệ phóng tốt cho em."
Anh còn đưa cho mình 1 quyển sách, trong đó kẹp 1 phong bì có 10 triệu đồng tặng mình và bảo rằng đó là tiền hỗ trợ mình chuyển vào Nam, đi theo một cuộc chơi mới lớn hơn. Trên xe của anh, vang ra một bài Pháp thoại của một thiền sư. Mình chỉ biết nín lặng.
Khi về đến phòng trọ, mình đã khóc rất nhiều. Anh thấy anh không xứng đáng với mình còn mình thì thấy mình chẳng xứng đáng với sự cao thượng của anh.
Thế nhưng rồi mình cũng bị cuốn đi theo những làn sóng mới. Cứ làn sóng sau thì cao hơn làn sóng trước.
Ngay sau đó, mình đã phải tức tốc từ Hà Nội vào Sài Gòn và làm một loạt những chuyện mình vô cùng bỡ ngỡ như là mở một văn phòng nhỏ, tuyển một đội mới, săn đầu người làm sáng tạo cho công ty ,làm quy trình mới, lo thủ tục giấy tờ, và bắt đầu làm việc với các đối tác...Ở trường ĐH có ai kịp dạy cho bạn những kỹ năng kiểu vậy không? Dĩ nhiên là không rồi!
Mình phải đi học gấp các kỹ năng cơ bản của một người làm quản lý. Học đến đâu làm đến đó. Thậm chí thấy mình phải liên tục bơi trong các đợt sóng cao dần cao dần...mà không biết bao giờ thì dừng lại được. Không có biển chỉ dẫn nào về hướng đi cả.
Ồ, khi kể lại câu chuyện này mình có rất nhiều cảm xúc các bạn ạ. Vui, buồn, hồi hộp, tức giận, sợ hãi, hoang mang, lúng túng, chênh vênh...đều có đủ cả.
Nhưng vì đây là podcast tập trung vào quá trình sáng tạo, mình sẽ chỉ nói về khía cạnh sáng tạo thôi đã.
Trong giai đoạn mới đó, sáng tạo đối với mình không hoàn toàn tự do theo sở thích nữa. Nó đi kèm với những trách nhiệm cực kỳ nghiêm túc: giữ đà tăng trưởng, quản lý đội nhóm và tài chính, thủ tục hành chính cho đến deal giá với đối tác (các công ty games, hot girl nhiều scandal, hoạ sỹ truyện tranh...) và thậm chí là giữ cho được nhân viên mà được công ty khác săn đón mời mọc. Và mình may mắn là nhân viên đã chọn ở lại cùng mình, dù mình không cạnh tranh với các công ty khác bằng mức lương quá cao.
Dần dần, mình bị đặt trong rất nhiều thế tiến thoái lưỡng nan với các áp lực lớn. Và mình không còn sức để làm sáng tạo nữa. Mình có một đội ngũ làm sáng tạo theo định hướng của mình, nhưng giờ thì mình mất định hướng. Mình không biết phải làm gì cho hay nữa, và mọi sức sống trong mình cứ khô cạn dần khi mình không còn trực tiếp làm nội dung nữa. Nhưng lúc đấy thì mình không hoàn toàn ý thức được bởi vì bên ngoài thì mọi chuyện vẫn khá tốt. Vẫn có những nội dung lan truyền lớn với hàng triệu, thậm chí chục triệu người chơi và tương tác hàng tháng, Vẫn nhận được các offer cao hơn nữa với các chức danh to hơn nữa ở các cty khác. Vẫn chăm chỉ ngày ngày đến công ty và chăm chỉ làm tiếp sau khi về nhà nếu công việc cần đến mình.
Thế nhưng bạn biết đấy, chăm chỉ có cái giá của nó. Cứ mỗi lần thu nhập của mình cao lên hay được săn đón nhiều hơn với các chức danh hấp dẫn hơn, thì căng thẳng trong mình cũng dâng lên cao tương đương. Và khi mà căng thẳng, lại không thể nào sáng tạo được nữa. Không sáng tạo được thì cảm thấy rất tự ti, bất an. Thậm chí, mình trở nên ám ảnh, hồi hộp, sợ hãi, cực kỳ mất kiên nhẫn với người khác...đến mức không còn là chính mình. Ánh sáng bên trong mình cứ yếu dần, yếu dần...cho đến ngày bố mình mất.
Và đó là câu chuyện của riêng mình tính đến giai đoạn giữa năm 2016. Sau đó, mình may mắn là đã dừng lại được con tàu cao tốc đó sau khi bố mất. Đã chuyển đến Đà Lạt. Đã chia tay công ty cũ một cách nhẹ nhàng, không bên nào trách bên nào. Và mình như bắt đầu lại từ đầu với việc học lại cách sống mới.
Và 1 năm sau thì Chầm Chậm Mà Sống ra đời.
Những mong manh và tăm tối trong "lòng đất sáng tạo"
Các bạn biết không, đây là lần đầu tiên mình mở lòng để kể kỹ hơn về giai đoạn cũ của mình. Một giai đoạn mà cái đà tiến của nó nhanh đến mức mà có quá nhiều thứ phải nén lại bên trong vì không kịp xử lý. Nó khiến mình phải mất 3-4 năm sau đó để giải nén, hồi phục và khơi dậy sự tự tin về mặt sáng tạo của mình trở lại. Và kênh của mình được đặt tên là Chầm Chậm Mà Sống cũng vì vậy. Nó là lời nhắc nhở cho chính mình: rằng mình được quyền chậm lại, được quyền cảm nhận cuộc sống bên ngoài công việc và các áp lực phải liên tục có gì đó sáng tạo. Được quyền sống. Được là mình. Với tất cả những vết thương, những mong manh của cảm xúc. Của những vùng tối tăm trong tâm hồn.
Và cái tiến trình này nó thật. Nếu so với những con số cũ, thu nhập cũ, cái đà của con sóng cũ thì cái dòng chảy mà mình đang thả mình vào trong đó nó chậm và nhẹ như là những gợn lăn tăn của hồ nước khi gió thổi qua thôi.
Ồ, dĩ nhiên là cũng có nhiều lúc hoang mang chứ. Những lúc hoang mang thường là do mình bị lẫn lộn.
Mình nghĩ rằng không chỉ mình mà hầu hết mọi người sẽ ít nhiều gắn thu nhập với giá trị bên trong con người mình. Có một câu trích dẫn ở đâu đó mình đã đọc nói rằng:
Your self worth is not your net worth - Giá trị tự thân của bạn không phải là sở hữu ròng của bạn.
Điều đó rất đúng, nhưng thường thì là chúng ta công nhận nó đúng ở bình diện ý thức thôi. Còn trong vô thức, chúng ta vẫn đang lẫn lộn hai điều này. Công bằng mà nói, lẫn lộn cũng đúng thôi.
Hầu hết chúng ta đã lớn lên trong một nền văn hoá cổ xuý tiêu dùng, một nền kinh tế đòi hỏi tăng trưởng không ngừng.
Xem nhiều hơn là tốt hơn. Xem nhanh hơn là hiệu quả hơn. Xem lớn hơn là vĩ đại hơn.
Trong khi đó, quá trình sáng tạo đòi hỏi thời gian và một số điều kiện mà chúng ta không thể kiểm soát.
Bạn có thể chẳng cần đam mê lớn, bạn chỉ cần tò mò như một đứa trẻ. Xuất phát từ sự tò mò, bạn có khát khao tìm hiểu. Từ khát khao tìm hiểu, bạn có thêm hiểu biết và hứng thú. Từ hiểu biết & hứng thú, bạn có động lực thực hành & thử nghiệm. Từ thực hành & thử nghiệm, bạn có những kinh nghiệm & bài học từ lúc thành công và lúc không thành công. Từ những kinh nghiệm & bài học, bạn thấy mình trưởng thành & phát triển.
Và chính quá trình trưởng thành & phát triển đó mới đưa đến đam mê thực thụ. Một loại đam mê mà theo mình là còn có thể bền bỉ hơn loại đam mê sẵn có của số ít những người mà được cho là đã có sẵn đam mê.
Và sau đó, một cách tự nhiên, bạn sẽ được tưởng thưởng. Cho dù sự tưởng thưởng đó đến dưới biểu hiện của tiền, của danh, của những sự công nhận & khen tặng, hay của sự biết ơn & lòng tin người khác trao cho bạn... mọi thứ đều sẽ đến một cách xứng đáng với những gì mà bạn bỏ ra.
Đối với mình, những thành công đến có vẻ sớm lúc ban đầu đó thực ra cũng không phải là sớm. Nó là kết quả tựu thành của hàng ngàn giờ viết lách, chụp ảnh, làm phim, đọc sách, vẽ vời, nhảy nhót, va chạm và nhúng mình vào tất cả các chất liệu mà mình được tiếp xúc...kể từ lúc mình biết đọc, biết sắp xếp từng chữ thành một câu.
Ngay cả sau này, khi mình bắt đầu nghề nghiệp mới và được coi là có được những thành công nhanh chóng, thực ra chẳng có gì nhanh hay chậm cả. Có lúc mọi thứ trông như những con sóng lớn, thì thực tế nó chỉ là biểu hiện của hàng ngàn giờ rèn luyện khác. Của hàng ngàn những dịp sai rồi sửa, đập đi xây lại từ đầu. Đôi lúc nó rất đau đớn các bạn ạ.
Có lúc mọi thứ chậm rãi và trông như chẳng có gì xảy ra cả. Nhưng mình biết đâu đó dưới lòng đất tâm thức, quá trình sáng tạo vẫn đang được ấp ủ như những mầm cây nhỏ. Rất mong manh, rất dễ tổn thương. Mầm cây ấy cần bóng tối trước khi sẵn sàng mở vỏ. Mầm cây ấy cũng nương tựa rất nhiều vào dưỡng chất được đưa đến nuôi dưỡng mảnh đất tâm, cũng cần độ tơi xốp của những quãng nghỉ xả hơi, cũng cần nguồn nước tưới tẩm vỗ về của những lời động viên tin tưởng, và nhiều nhiều nữa những điều kiện khác mà thường không thể quan sát hết được, cũng không thể nào kiểm soát được.
Và rồi với tốc độ của riêng nó - không nhanh mà cũng chẳng chậm - khi điều kiện hội tụ đủ thì mở vỏ, bất chấp cái biểu hiện đầy mong manh mà đội đất vươn lên, hướng về phía mặt trời.
Chỉ khi đó, chúng ta - người làm vườn cho chính mảnh đất sáng tạo của mình - mới có thể thốt lên rằng: Ah, sản phẩm của tôi đây rồi! Bao công sức đã có chút kết quả rồi!
Ngay cả khi đó, thì mầm cây đó vẫn rất mong manh. Chẳng may mà bị chà đạp xuống thì cơ hội sống sót cũng sẽ giảm xuống rất nhiều!
Mình đã gặp nhiều mầm cây bị gãy như vậy. có một lần mình được mời đi ăn tối bởi mộ người chị làm trong ngành xuất bản. Giờ thì chị ấy đã làm quản lý cấp cao, đi du lịch khắp thế giới. Nhưng khi nghe chị kể chuyện, mình thấy rất thương cho cái hạt mầm sáng tạo của chị ấy . Chị kể rằng khi còn trẻ, chị cũng từng là cây viết đạt giải thưởng quốc gia. Và hồi đấy giải thưởng lớn đến nỗi số tiền chị nhận được còn giúp chị mua được cả nhà cả xe. Thế nhưng rồi, trong một vài dịp được tiếp xúc với các cây đa cây đề trong làng văn chương, có người đã phê bình cách viết của chị ấy chẳng ra gì. Và chị nói rằng: thế là cái mầm ấy bị chột. Mỗi lần viết lại sợ, rồi dần dần chẳng viết nữa.
Dĩ nhiên rằng không câu chuyện nào giống câu chuyện nào, và có thể ở đây chẳng ai là nạn nhân của ai cả. Và hạt mầm này đã thui chột không có nghĩa là hạt mầm khác không thể mọc lên.
Thậm chí y như một khu rừng tự nhiên, khi một gốc cây cổ thụ ngã xuống thì từ phần gốc bị gãy ngang sẽ mọc lên những hạt mầm mới. Và chính thân cây đã đổ xuống dưới đất trở thành chỗ trú ngụ, chỗ nuôi dưỡng và phát tán nhiều dạng sống mới.
Những thứ chết đi luôn luôn mở đường cho những dạng sống mới được sinh sôi, trong vô vàn các biểu hiện khác. Đó là quy luật tự nhiên. Tương tự như vậy: năng lượng sáng tạo chính là năng lượng sống, chẳng của riêng ai, nó chỉ chảy qua các kênh dẫn phù hợp.
Vậy thì, câu hỏi tiếp theo mình muốn đặt ra là:
Làm thế nào để trở thành một kênh dẫn cho năng lượng sáng tạo chảy qua?
À đây là một câu hỏi lớn, cho nên mình cũng không dám tham vọng trả lời được câu hỏi 1 cách trọn vẹn. Và với thời lượng có hạn của podcast, mình trước hết xin chia sẻ về những điều mà mình - tại thời điểm này - cảm thấy rằng nó cần được nói đến trước hết.
Và đó là Top 3 niềm tin giới hạn đã ngăn cản năng lượng sáng tạo đến với chúng ta.
Niềm tin giới hạn #1: "Mình không phải là tuýp người sáng tạo"
Niềm tin này thường hình thành từ những lời khuyên can, uốn nắn của gia đình, thầy cô, thậm chí là từ bạn bè thân thiết.
Hoặc chẳng biết từ đâu ra. Dù cho không ai cấm cản hay bàn lùi, thì cũng rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy tự ti rằng mình không có sức sáng tạo. Thường thì nó là sự bó khuôn hạn hẹp gắn liền với định danh mà ta xây dựng cho mình.
"Tôi là người nghiêm túc, thực tế" hay "Tôi là người rất logic, rất lý trí, là dân kỹ thuật", vân vân và mây mây...dẫn đến việc bạn coi "sáng tạo" là một thứ gì đó hết sức xa lạ, chả liên quan gì đến mình hay công việc của mình. Nó không phải là hình ảnh mà bạn thường có về mình. Gây xao nhãng và tốn thời gian, chả được lợi ích thực tế gì. Nó phải là nghệ thuật hay điều gì đó mà ngược lại với ngành học ngành làm của bạn.
Nhưng thực ra đây là một niềm tin vô cùng hạn hẹp, và thậm chí là ngăn bạn không chạm được đến rất nhiều lợi ích thực tế là đằng khác. Dù bạn có coi mình là "dân sáng tạo" hay không, thì năng lượng sáng tạo vẫn ở khắp mọi nơi. Nhưng với niềm tin giới hạn này, thì chưa nói đến sáng tạo trong cái định khuôn của "nghệ thuật", mà trước hết là nó ngăn bạn đến với niềm vui.
Để Phương kể cho bạn 1 câu chuyện:
Mới tối qua thôi, có hai người bạn đến thăm Phương vào buổi tối sau khi đi tập nhảy hiphop- breakdance về. Một trong số đó là một người bạn Phương coi là rất sáng tạo vì bạn chụp hình và dựng clip rất đẹp, làm thiết kế web và còn sáng tạo ra cả những boardgame của riêng mình nữa. Thế nhưng, Phương đã rất ngạc nhiên khi nghe bạn nói là đây là lần đầu tiên bạn DÁM đi tập nhảy . Trước đó, bạn chưa bao giờ cho bản thân mình được phép nhảy mặc dù rất thích. Có một phần lý trí trong bạn đã cấm bạn không được nhảy. Và khi mà cuối cùng bạn cho phép mình thử, thì bên trong bạn như có một đứa trẻ rất hạnh phúc và phấn khích trước giờ được bố mẹ dẫn đi chơi vậy.
Ờ mà nếu các bạn hỏi mình cái chuyện đi nhảy thôi cũng được tính là sáng tạo á? Ừ, dĩ nhiên rồi. Đó là khi mà năng lượng được hội tụ lại trong cơ thể bạn, và nó biểu hiện thành những động tác, những động tác nối nhau thành một bài nhảy. Mới đầu tập thì như robot, nhưng khi đã nhuần nhuyễn các động tác rời rạc rồi thì mọi thứ nối tiếp nhau thành dòng chảy. Lúc đó, tâm trí của bạn không lang thang nhiều mà đi theo dòng chảy của nhạc điệu và chuyển động cơ thể.
Lúc đầu thì có thể bạn chỉ nhảy theo một khuôn khổ có sẵn, nhưng với đủ sự luyện tập bạn bắt đầu tạo ra những chuyển động riêng của mình.
Và để mình trích lời của 1 người bạn thứ hai , vốn đã tập hiphop lâu năm thì:
"Cho dù là cùng một động tác/một bài nhảy, thì cái chất riêng của mỗi người nó vẫn được nhận biết. Nhìn một cái là biết đó là ai".
Cho nên, chúng ta có thể yên tâm rằng dù chúng ta có muốn hay không, dù chúng ta có sử dụng cùng chất liệu với người khác, công cụ giống như những người khác, thì những gì chúng ta làm ra vẫn sẽ khác nhau. Vẫn có cái chất riêng. Riêng nhiều hay ít mà thôi.
Lợi ích thực tế của việc này là giúp giải phóng rất nhiều căng thẳng, và thậm chí là phát triển não bộ nữa. Jim Kwik, chuyên gia huấn luyện trí não hàng đầu có một câu nói kinh điển thế này: "When your body moves, your brain grooves" (Khi cơ thể chuyển động, thì não cũng hoạt động trơn tru".
Nếu bạn cũng thấy mình ở đâu đó, lúc nào đó giống như người bạn kia của mình, thì hãy biết rằng mình bạn luôn có thể nới lỏng mình ra khỏi bất cứ định danh hay một hình ảnh quá khứ nào, kể cả đó là thứ mà bạn đã mất công xây đắp rất lâu trong quá khứ. Bạn có thể tự hỏi mình rằng:
Hình ảnh cũ, định danh cũ có đang giới hạn mình thử những điều mới, những điều mà mình thực ra rất tò mò và mong muốn tìm hiểu hay không?
Liệu mình có thể thực sự mất gì khi cho phép mình được vui đùa, nhảy nhót, vẽ vời, thơ thẩn như hồi mình còn bé hay không?
Có điều gì quan trọng hơn việc được là chính mình đâu! Vì vậy, Phương cầu chúc cho tất cả chúng mình mỗi ngày đủ can đảm để cho phép mình sống đúng theo con tim mách bảo.Bởi vì khi mà mình phải cố gắng giữ gìn một hình ảnh nào đấy, về cuối mỗi ngày, mình sẽ cảm thấy rất chán và trống rỗng.
Kết quả của việc làm hài lòng tất cả mọi người là ai cũng thích mình, ngoại trừ chính mình.
Niềm tin giới hạn #2: "Cái này chưa thể gọi là sáng tạo!"
Nếu như có nhiều người không tin rằng mình có thể sáng tạo, thì ngay cả với những người đã làm ra sản phẩm sáng tạo nào đó rồi vẫn có thể tự ngăn cản mình đưa sản phẩm ra ngoài thế giới. Thường đó là lúc mà ta nhìn vào những sản phẩm đầu tiên của bản thân mình và cảm thấy tồi tệ và nham nhở. Cảm thấy nó ở mức quá thấp so với một chuẩn nào đó.
"Vẽ xấu vậy thì có ai thèm xem đâu?!"
"Thơ mình chẳng có vần vèo gì cả , chắc không được gọi là thơ đâu nhỉ?"
"Cái này đưa ra chắc bị dân chuyên cười vào mặt!", "Mình mà thể hiện trước mặt họ thì thành múa rìu qua mắt thợ mất!"
Những điều này sẽ khiến cho những cơn sợ hãi, nghi ngờ cuộn lên trong bụng và bóp nghẹt con tim của chúng ta. Rồi giết chết sáng tạo.
Đôi khi, chính mình cũng bị kẹt trong kiểu suy nghĩ như vậy. Trước khi làm podcast này thì cũng có một suy nghĩ rằng "mình là ai mà có thể viết về sáng tạo nhỉ?", "mình chẳng có chuyên môn sâu trong bất cứ một lĩnh vực sáng tạo gì: vẽ không, nhảy không, thơ không..."
Thế nhưng sau đó mình nhận ra rằng đó chỉ là những suy nghĩ tự bó hẹp mình, coi Sáng tạo chỉ là những môn kiểu như cầm-kỳ-thi-hoạ dành cho dân năng khiếu.
Mình tự nhắc mình quay trở về với định nghĩa sáng tạo mở rộng mà mình đã chia sẻ trước đó. Và mình bắt đầu nhớ đến những ví dụ mở rộng khác của những con người sáng tạo. Ví dụ như mình có người bạn làm nông và sáng tạo của bạn là trồng cây theo hình dáng mạn đà la, với những vòng tròn đồng tâm đây mềm mại và màu sắc rực rỡ thay vì theo khuôn mẫu thường thấy là sẽ trồng theo luống thẳng hàng.
Một vài người quen khác của mình thì sáng tạo với vật liệu rác thải: họ có thể nhặt những gì người khác vất đi rồi đem về chỉnh sửa, bố trí lại và làm nó trở nên duyên dáng lạ thường. Cho nó một vòng đời mới, một sức sống mới.
Với định nghĩa mở rộng, thì ai cũng có thể làm sáng tạo. Và quan trọng nhất là, chúng mình không nhất thiết phải áp những điều mình làm ra với cái chuẩn của những người làm nghề. Trừ khi mục đích của bạn là làm nghề, thì hiển nhiên là bạn sẽ cần một số cái chuẩn để hướng tới lúc ban đầu. Nhưng rồi cuối cùng đó cũng là điều có thể buông bỏ được.
Khi mới bắt đầu, mà mình cứ kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự so sánh và đánh giá thì mình sẽ tự ti và không dám đưa ra bất cứ điều gì mà mình tạo được. Khi không đưa ra thì không ai có thể nghe, có thể thấy. Không ai có thể hiểu và bày tỏ được một lời động viên nào đối với bạn.
Đôi khi mọi người có vẻ vô tâm, nhưng đôi khi mọi người cũng cởi mở hơn bạn tưởng. Mình may mắn được kết bạn và biết những người đã có thành tựu trong nghề của họ. Thế nhưng khi được nhìn những nét vẽ nguệch ngoạc, những điệu nhảy hồn nhiên, những vần thơ không theo nhịp điệu nào...họ cũng rất thật lòng mà khen ngợi những nỗ lực ban đầu đó. Thậm chí họ xúc động, hào hứng và trân quý vô ngần những tâm hồn trong trẻo, chân thật, mộc mạc của những người mới bắt đầu. Họ trở về với cái tâm của người mới bắt đầu, học từ những người mới bắt đầu khác.
Niềm tin giới hạn #3: "Mình có thể sống được với cái này hay không?"
Người ta thường tư duy theo cái khuôn có tháp nhu cầu kiểu Maslow. Theo đó thì khi con người được đảm bảo được các nhu cầu cơ bản của cơm áo gạo tiền rồi thì mới có thể mưu cầu đến những thứ khác.
Mà khổ cái là: Người ta hay gắn các hoạt động sáng tạo với cái gì đó vô ích, chẳng mang lại lợi ích kinh tế, hay xa xỉ, hay quá mơ mộng thiếu thực tế. Và với dụng ý được cho là tốt, là yêu thương bạn, những người chung quanh có thể đưa ra rất nhiều câu hỏi mang tính quan ngại kiểu: "Có làm được ra tiền hay không?", hay thậm chí cấm cản vì coi một số bộ môn sáng tạo-biểu đạt như một cái gì đó rất sai lệch, hư hỏng, chỉ dành cho những đứa bay bổng, "chân không chạm đất".
Trừ khi một số ít người trong chúng ta được lớn lên trong một môi trường cởi mở, khuyến khích thử sai và sáng tạo, còn hầu hết số còn lại thì ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường đã được định hướng về việc sau này cần phải làm gì đấy mà đảm bảo công ăn việc làm ổn định. Tốt nhất là thi vào các khối A,B,C,D chứ liệu đừng có mà mơ mộng quá nhiều đến các lựa chọn kiểu E,F,G,H...
Lên đến đại học thì càng tệ hơn: sẽ luôn có một câu hỏi là ra trường sẽ làm gì? mấy cái sở thích sáng tạo mình đang có liệu có khiến mình viển vông hay không?
Mình nhớ câu chuyện của một người bạn thời Đại học. Bạn ấy là người mình đã rất ngưỡng mộ về khả năng chụp ảnh đẹp, làm đồ thủ công khéo, thế nhưng vì mẹ bạn nhất quyết khăng khăng con mình cần phải làm cái gì đấy nó "đảm bảo thực tế" hơn nên đã gây áp lực cực kỳ lớn lên bạn. Rút cục, bạn bỏ chạy khỏi nhà, và phải tạm nương náu cho yên thân. Thế nhưng dần dần mình chẳng thấy bạn làm sáng tạo nữa. Có những tổn thương chung quanh bạn lớn đến nỗi mà đến tận bây giờ, mình cũng không dám hỏi thêm vì mình biết rằng mỗi lần mà động phải vết thương đó, là bạn sẽ xù lên như một con nhím. Sẽ muốn trốn cả thế giới. Mà cùng lúc đó, bạn cũng chẳng thể nào tự tin vì trong công việc của mình, bạn chưa biết đến khi nào thì mới đạt đến mức chuẩn "ổn định" mà mẹ bạn áp lên.
Nhưng kể như thế không có nghĩa rằng mình khuyên các bạn rằng hãy cứ nhắm mắt nhắm mũi mà làm điều mình thích đi, đừng lo lắng chuyện tiền bạc gì cả. Không, chẳng có câu trả lời nào đúng/sai cả. Nếu như chúng ta cố gắng phân định theo hướng: có tiền ổn định rồi mới dám sáng tạo hay sáng tạo rồi mới có tiền? thì cũng giống như cố gắng nghĩ xem "con gà có trước hay quả trứng có trước?"
Đối với một số người, đúng là khi có một mức tài chính tương đối ổn định rồi thì một phần khá năng lượng sẽ được chuyển từ trọng tâm kiếm tiền sang trọng tâm sáng tạo ra cái gì đó khác biệt. nhưng theo mình thấy thì số này cũng không nhiều, bởi vì không phải ai cũng có thể định ra được mức nào thì là "ĐỦ".
Còn với một số người khác, bắt buộc sẽ phải sống với tối thiểu vật chất để dồn hết cho công việc sáng tạo của mình. sẽ nghèo tiền bạc một chút để đổi lấy sự giàu có trong đời sống tâm hồn Và đến một ngày, sản phẩm của họ được ghi nhận và bắt đầu có thể bán được.
Và cũng có nhóm người chọn câu trả lời ở giữa: họ chấp nhận làm một công việc để nuôi thân và trong thời gian còn lại có thể có trong ngày, thì họ tập tành một chút những điều họ thích. Như thể là sống đến hai cuộc sống khác nhau, cho đến khi họ cảm thấy sẵn sàng rẽ hẳn sang hướng đi mới.
Mình không đánh giá ai với bất cứ sự lựa chọn nào. Đối với mình thì dù lựa chọn như thế nào thì, miễn sao mình luôn có thể nhìn lại cách mình sống một ngày mà không thấy nuối tiếc gì nhiều là được.
Và mình cũng tin tưởng nhất vào thành quả của quá trình luyện tập bền bỉ. Mỗi ngày, nếu như mình có thể cam kết rèn luyện mình trong một khung giờ cố định, hay một thời lượng cố định không thay đổi...dù cho cảm thấy có hứng, có mood hay không. Rồi mỗi ngày đều tạo ra một sự cải tiến nho nhỏ nào đấy. Dù là cải tiến nhỏ đến đâu mà có tính liên tục, thì dần dần sức mạnh hội tụ lại sẽ rất lớn.
Thậm chí, cải tiến đấy có thể chẳng cần nằm trong sản phẩm, nó có thể ở việc mình biết cách xây dựng môi trường làm việc gọn gàng khoa học đến đâu. Hay có biết cách thả lỏng mình và tận hưởng quá trình luyện tập của mình đến mức nào. Vậy đấy. Tiền bạc hay sáng tạo đi chăng nữa: Cứ tích tiểu thì thành đại.
Một số người sẽ có dòng chảy của tiền đến rất lớn. Một số người thì hưởng được những nguồn tiền nho nhỏ, đủ để duy trì như một sở thích.
Thế nhưng, chỉ có mỗi người mới có thể tự biết rằng đằng sau dòng chảy của tiền đó, họ có hạnh phúc hay không, có được là mình không, có thực sự thấy mình phát triển không?
Điều đó thì còn cần nhiều tự vấn.
Podcast là một trong những kênh sáng tạo của mình. Và hiện tại thì mình cũng chẳng xác đinh nó như một kênh để kiếm tiền gì cả. Như các bạn có thể đã biết, mình chỉ lấy thu nhập từ các khoá học và dịch vụ khai vấn. Mình chưa nhận tiền quảng cáo của các hãng bao giờ dù cũng nhận được khá nhiều lời mời hay là các thư hỏi báo giá.
Nói thế cũng không có nghĩa là mình coi việc nhận quảng cáo là xấu đâu nhé. Chẳng qua, nguồn tiền đó không phù hợp với chủ ý của mình đằng sau công việc sáng tạo. Và mình có rất nhiều niềm vui trong việc sáng tạo ra các nội dung phục vụ việc chữa lành, việc xây dựng lối sống thuận tự nhiên . Bộ lạc chúng mình đã cùng nhau làm thủ công, làm thơ, rồi chơi với lá...và từ đó mình nhận ra mình còn có thể hỗ trợ cho các bạn khác trong lớp học được chơi với các nguyên liệu sáng tạo và biểu đạt, được đến gần hơn với con người chân thật của mình thông qua sáng tạo.
Nếu như bạn muốn xem các sáng tạo của chúng mình, thì Phương cũng để đường link đến Gallery của bộ lạc chúng mình ở đây. Biết đâu thông qua việc tiếp xúc với những nguyên liệu đó, một hạt mầm mong manh mà mạnh mẽ trong bạn sẽ bắt đầu quá trình mở vỏ đấy.
Chúc cho bạn có ngày thật vui và đêm thật yên.
Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
Comments