Chào các bạn,
Chào mừng các bạn đến với Thình lình ngạc nhiên - chuỗi trò chuyện với cảm hứng bốn mùa - Dành cho những người muốn kết nối với nhiên nhiên, cải thiện sức khỏe thông qua việc tái khám phá lại nhịp điệu tự nhiên bên trong chính mình.
Podcast được phát sóng mỗi thứ 3 hàng tuần trên:
Youtube: https://bit.ly/CCMS_YT
Apple Podcast: https://bit.ly/CCMS_Podcast_Apple
Spotify: https://bit.ly/CCMS_Podcast_Spotify
Hãy truy cập vào những đường link trên để nghe bản audio của bài viết này, và những tâm sự về cuộc sống mỗi tuần của Phương nhé.
Các bạn ơi, vừa qua quả là một khoảng thời gian thật nhiều biến động bên ngoài đúng không? Có thật nhiều lý do để một người có thể cảm thấy căng thẳng và lo âu, hay bị ảnh hưởng bởi không khí căng thẳng và lo âu chung quanh mình. Vì vậy, hôm nay Phương sẽ hỗ trợ các bạn giảm stress phần nào thông qua 3 cách:
1. Giới thiệu 1 cuốn sách hữu ích
2. Bàn về vấn đề stress eat - ăn uống vì căng thẳng và giải pháp cho các bạn đang gặp vấn đề này
3. Gói quà mùa hạ to đùng :)
Thời gian qua, Phương tự hỏi mình rằng:
Nếu như mình là các bạn sinh viên chuẩn bị ra trường hoặc vừa mới ra trường trong thời điểm này, thì mình sẽ cảm thấy ra sao? Mình sẽ cảm thấy căng thẳng, lo âu ở mức độ nào? Sẽ có ai trợ giúp cho mình và mình có thể trợ giúp cho ai hay không?
Bởi vì chắc chắn rằng, các bạn trong độ tuổi sinh viên sẽ là một trong những nhóm dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Ít nhất là khi Phương nhớ về mình trong thời điểm chuẩn bị ra trường, Phương thấy mình như vậy: cũng rất bấp bênh về cảm xúc, dễ trồi sụt tâm trạng và có giai đoạn còn có nguy cơ trầm cảm nữa.
Các bạn dễ tổn thương vì các bạn chưa kịp “bước sang ngưỡng cửa thực tế cuộc đời" thì cuộc đời đã tự tràn sang ngưỡng cửa đó như một trận bão. Các bạn cũng chưa kịp tiết kiệm hoặc mới tiết kiệm được rất ít trong khi thị trường lao động thì sẽ còn nhiều biến động. Chắc hẳn các bạn cũng chưa kịp hiểu và rèn luyện về các kỹ năng quản lý cảm xúc. Chưa hoàn toàn hiểu mình và rất dễ ảnh hưởng và kích hoạt ngòi nổ cảm xúc bởi các tác nhân từ bên ngoài.
Nhưng như một đồng xu có hai mặt, các bạn cũng thật là may mắn!
Các bạn có thể “bình thường hoá" những gì đang diễn ra với lý do như sau: Giai đoạn nào loài người chúng ta cảnh trải qua những cơn bão! Trong suốt chiều dài lịch sử, con người chúng ta có bao giờ ngơi việc đối diện với chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị... đâu!
Có chăng là chúng ta đang may mắn hơn rất nhiều so với thế hệ đi trước khi sống trong thời đại mà nhà sử học Yuval Noah Harari đã nhận xét rằng “Là thời kỳ hoà bình kéo dài nhất từ trước đến giờ trong lịch sử loài người!”.
Cứ nói chuyện với ông bà bố mẹ của thế hệ đi trước về những gì họ đã trải qua, thì việc chúng ta đang trải qua hiện nay vẫn chỉ bé như cái mắt muỗi! Chúng ta có nhiều phương tiện hơn, đa dạng nguồn lực hơn, chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin và có thể tự giáo dục mình bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Một bạn trẻ thời nay với chiếc smartphone trên tay có thể tiếp cận được một lượng thông tin mà đến cả tổng thống Mỹ 20 năm về trước có khi cũng phải ganh tị.
Chưa kể là với tiến bộ công nghệ thông tin hiện tại, các bạn cũng có thể học tập & lấy bằng ngay tại nhà, thậm chí là bằng cấp của các trường Đại Học hàng đầu thế giới.
Các bạn có thể sản xuất ra ối thứ hay ho trong thời gian rảnh rỗi với các công cụ công nghệ hoàn toàn miễn phí/giá rẻ mà trước đây chỉ có các kênh truyền thông lớn mới có thể tiếp cận & sở hữu.
Các bạn cũng có thể vẫn làm ra tiền nếu linh hoạt trang bị cho mình những bộ kỹ năng đầy sức sáng tạo mà có thể làm việc cho nhiều ngành khác nhau, không phụ thuộc vào bát cứ một nơi chốn làm việc nào.
Các bạn cũng có thể trau dồi kiến thức từ cả biển thông tin đang được mở ra ngoài kia, của rất nhiều các khoá học online.. nếu các bạn biết tận dụng thời gian này để trau dồi nội lực..
Các bạn biết không, mặc dù Phương không hề có cỗ máy thời gian để trở về với mình 7 năm về trước khi mình còn là sinh viên sắp ra trường, Phương vẫn biết rằng mặc dù mình chắc chắn sẽ trải qua những thời kỳ bấp bênh đó, căng thẳng đó...nhưng mình vẫn ổn. Mình ổn cho dù mình ra trường vào năm 2014 hay năm 2019, 2020, 2021...không phải bởi vì mình giỏi giang hơn người. Mà vì mình đã luôn lựa chọn thái độ phản ứng tích cực và không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mình chưa bao giờ đóng vai trò nạn nhân của hoàn cảnh cả. Và nhìn lại bản thân mình 7 năm về trước, mình mỉm cười với những khó khăn khác thường mà mình đã đối mặt và cảm thấy biết ơn những khó khăn đó. Nếu như phải trả lời cho câu hỏi “Giả sử như mình tốt nghiệp ra trường vào đúng giai đoạn đại dịch bùng phát, mình sẽ làm gì?”, thì Phương biết chắc chắn rằng bản thân mình sẽ tận dụng thời gian này để làm 3 chuyện:
Nhìn lại mình (hồi đó mình có giữ 1 cuốn sổ để ghi chép hàng ngày về chính mình)
Tranh thủ học để trang bị thêm 1 kỹ năng gì đó mà hỗ trợ làm việc từ xa, không phụ thuộc vào địa điểm (thực ra ngày đó Phương đã học online rất nhiều và làm việc từ nhà trọ mình ở, vì cộng tác với các công ty ứng dụng công nghệ…)
Tìm địa chỉ học về các cách nâng cao sức khoẻ, hay học thiền tại nhà (nhiều khả năng sẽ là 1 trong những người đầu tiên đăng ký các khoá học sức khoẻ và các khoá thiền)
Tuy nhiên, Phương cũng biết rằng bản thân mình có thể cũng sẽ bị choáng ngợp bởi lượng thông tin ngồn ngộn đang đổ ra trên thế giới internet. Và ở độ tuổi còn trẻ thì bản thân mình và các bạn đồng trang lứa có thể chưa kịp phát triển những bộ lọc thông tin chất lượng. Chúng mình như miếng bọt biển, hấp thu hầu hết mọi thứ được đưa đến. Mà nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn, đặc biệt đối với thông tin.
Vì vậy, Phương sẽ giúp bạn hệ thống hoá dần dần và chọn lọc ra những nguồn thông tin & trợ giúp tốt nhất nhé.
TRỢ GIÚP SỐ MỘT: BẠN NÊN ĐỌC CUỐN SÁCH NÀO TRONG THỜI ĐIỂM NÀY?
Nếu chỉ được chọn 1 cuốn sách để giới thiệu cho các bạn trong thời điểm này, Phương sẽ chọn cuốn “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl, một bác sĩ tâm thần và tác giả về các sách tâm lý trị liệu kinh điển , và cũng là người đã sống sót qua cuộc khủng bố người Do Thái trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2. Ông không chỉ xoay sở để sống sót cho chính mình, mà còn tìm cách trị liệu tâm lý cho những người cùng cảnh ngộ ngay trong những trại tập trung mà ông được thuyên chuyển qua.
Mặc dù bối cảnh của Viktor đã sống có vẻ khác xa bối cảnh của chúng ta hiện nay - đúng ra là chúng ta may mắn hơn ông rất rất nhiều - nhưng về tính chất thực sự thì không khác gì nhau cả. Đó là đã là con người, chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với những khổ đau không thể tránh khỏi. Thời nào cũng vậy, thế hệ nào cũng vậy...
Viktor đã đưa ra một chân lý như sau:
“Tất cả mọi thứ có thể bị tước đoạt khỏi một con người trừ 1 thứ: Quyền tự do cuối cùng của con người - Đó là quyền lựa chọn thái độ với bất kỳ một hoàn cảnh nhất định nào."
Đây là một cuốn sách có đủ cả những câu chuyện thực tế, triết lý và cả bằng chứng thực nghiệm của tác giả dưới tư cách của một bác sĩ tâm thần. Bạn có thể đọc nó và giữ lại cho mình những điều cảm thấy thấm thía và lay động nhất, chiêm nghiệm thêm và tái định hình lại hoàn cảnh hiện tại. Bạn cũng có thể thử 1 hoặc 2 hoặc cả 3 con đường mà theo Liệu pháp ý nghĩa (Logotherapy) mà nhờ đó con người sẽ nhận ra Lẽ sống của chính mình.
Thực tế thì, không chỉ thời điểm này mà bất cứ thời điểm nào cũng là thời điểm tốt để đọc cuốn sách này. Bởi vì thời điểm nào con người chúng ta cũng khao khát tìm được lẽ sống của mình. Và tìm được rồi thì sẽ tìm cách đưa ra những lựa chọn để sống thuận theo cái lẽ sống đó.
TRỢ GIÚP SỐ HAI: HIỂU VỀ STRESS EAT - ĂN UỐNG ĐỂ GIẢI TỎA CĂNG THẲNG?
Các bạn có để ý rằng: ăn uống thực chất là một hoạt động mà chúng ta thường làm để giải tỏa cảm xúc không kém gì đáp ứng nhu cầu thể chất không?
Thực tế thì Phương có thể khẳng định rằng 99,9% con người chúng ta đều ít hay nhiều, sớm hay muộn ăn để giải toả cảm xúc, giải toả căng thẳng. Dù chúng ta hầu hết là không ý thức được. Chúng ta không chỉ ăn rất nhiều khi có tin vui, muốn “ăn mừng", ăn theo lễ lạt hội họp, mà còn ăn nhiều khi stress, mệt mỏi, cô đơn và nhìn chung là muốn giải toả cảm xúc. Cho nên mới có khái niệm gọi là “thức ăn xoa dịu tinh thần" - comfort food. Hẳn là mùa này, hầu hết chúng ta đều có phiên bản comfort food của mình đúng không?
Bản thân Phương cũng phải thú nhận với các bạn rằng: chính mình cũng có nhiều lúc ăn uống chỉ để giải toả. Bởi vì mình cũng là con người mà! Mình cũng có những lúc rất buồn, rất giận, rất mệt mỏi chứ!
Dạo gần đây, bản thân mình chợt nhận ra rằng dạo này mình hay thèm đường bột và đồ ngọt nói chung: từ những phiên bản lành mạnh của trái cây, rau củ, bánh mì đen cho đến các phiên bản kém lành khác như là bánh kẹo, kem, chè, chocolate...Quan sát thì thấy những cơn thèm đỉnh cao luôn xảy ra đúng lúc mình đang có áp lực phải hoàn thành cái gì đó sớm. Như là làm podcast cho kịp lịch ra mắt hàng tuần chẳng hạn =)) .
Và khi Phương hỏi thăm dò về cách giải tỏa căng thẳng trong thời điểm này trên facebook cá nhân, các bạn khác cũng đã share ngay hình ảnh của 1 rổ trái cây, hay 1 cốc chè...tựu chung là đồ ngọt, nhiều đường. Bởi vì khi chúng ta ăn đường, vùng não liên quan đến phản ứng tưởng thưởng được kích hoạt, khiến ta thấy rất dễ chịu và thấy tâm trạng được xoa dịu ngay lập tức. Giống như là đã phần nào đẩy lùi stress vậy đó!
Mặc dù là đó chỉ là phản ứng nhất thời và sẽ qua rất mau, chúng ta vẫn dễ mắc nghiện cảm giác được xoa dịu, được tưởng thưởng đó. Thậm chí còn có thể lầm lẫn nó với cảm giác hạnh phúc nữa. Đôi khi thì cũng hạnh phúc thật. Nhưng là loại hạnh phúc gì? Hạnh phúc phụ thuộc sự tăng giảm của hoá chất trong não, hay hạnh phúc kiểu viên mãn một cách bền vững?
Về ngắn hạn thì công nhận là dễ chịu thật đấy các bạn ạ. Khi nghỉ ngơi giữa giờ làm việc vất vả mà được ăn vài viên chocolate hay bát chè, que kem thì ai chả thấy sung sướng hết cả cõi lòng. Và đối với các bạn đang chuyển giao từ công sở về nhà, góc làm việc chỉ cách cái tủ lạnh vài bước chân thì chắc sẽ bị cám dỗ hơn đúng không =)) Cũng có nhiều người trong chúng ta thực tế cũng không ham ăn quà vặt, nhưng do khi đi làm văn phòng quen order đồ ăn ngoài về cơ quan nên thành ra chưa biết nấu ăn. Bây giờ mà vừa phải làm việc, vừa phải học lại cách nấu ăn thì đúng là một thử thách mới đấy!
Các giải pháp Quản lý cân nặng trước hết phải là các giải pháp Quản lý cảm xúc. Chúng ta cần nhìn cho rõ những gì diễn ra bên trong mình, ghi nhận nhu cầu nào đang cần đáp ứng và chọn giải pháp thực sự cho mình.
Nếu không thì về lâu dài, chúng ta sẽ trở thành những con nghiện hết. Chưa nói đến các vấn đề sức khoẻ như bệnh mãn tính, thì đường còn gây ảnh hưởng xấu cực kỳ đến sức khoẻ tinh thần và khả năng quản lý cảm xúc nói chung:
Ngay cả đối với người trẻ khoẻ mạnh, thì hình ảnh chụp não cũng cho thấy mức đường huyết cao cũng gây suy giảm khả năng xử lý cảm xúc
Các nghiên cứu lớn cũng đều cho thấy chúng ta tiêu thụ đường càng nhiều, càng có nguy cơ trầm cảm và mắc các chứng rối loạn tâm thần.
Chưa kể mức đường huyết cao còn gây gại đến cả mạch máu và não bộ, gây suy giảm khả năng học tập, trí nhớ, tốc độ vận động và các chức năng nhận thức khác.(4)
Ở đây, Phương không muốn phân tích quá chi tiết vì nói thì dễ hơn làm. Các bạn là người rất thông minh, các bạn nhiều khả năng là biết rồi. Phương chỉ chia sẻ 1 vài cách cơ bản mà bản thân mình làm thấy hiệu quả, hay khi mình hướng dẫn cho học viên thấy hiệu quả. Không ai giống ai cả, nên tuỳ hoàn cảng mà các bạn áp dụng cho mình nhé.
Thở: Đi ra ngoài trời và “cho não ăn" bằng cách thở vài hơi thật sâu. Đưa tâm trí từ trạng thái “chiến đấu/bỏ chạy" về trạng thái thư giãn.Như Phương thì mùa này công việc cực kỳ bận rộn nên làm việc cả về đêm, nên Phương thi thoảng thì cũng không thể cưỡng lại...ăn đêm. Mà ăn đêm thì gây đảo lộn đồng hồ sinh học các bạn ạ, nên là mình phải bổ sung thêm vài cách đối phó khác nữa.
Crowd out - không biết dịch từ này thế nào nhưng là 1 cách mà các Health Coach đều phải thuộc lòng để giúp khách hàng. Crowd=đám đông, out=loại ra. Tức là thay vì kiêng khem, thì cứ bổ sung thật nhiều những thứ lành mạnh và tạo cảm giác no đủ (như khoai lang, các loại hạt béo, …) thì tự khắc sẽ không còn cảm giác thấy trông trống trong dạ dày, và cơn thèm cũng giảm xuống.
Trang bị sẵn đồ ăn vặt lành mạnh để khi ngã lòng thì còn đỡ tiêu thụ bừa bãi. Món yêu thích nhất từ trước đến giờ của Phương là granola - là một món hay dùng để ăn sáng hay ăn nhẹ giữa bữa, bao gồm: yến mạch, các loại hạt, mật ong hoặc chất tạo ngọt khác như đường nâu, trái cây khô… thường được nướng cho đến khi nó là giòn tan và có màu vàng nâu. Cũng là món có vị ngọt, nhưng vì được trộn với nhiều loại hạt khác nên khá là lành mạnh.
Nếu không cảm thấy thoả mãn với những lựa chọn lành mạnh và bạn cảm thấy chỉ có thể thoả mãn với kem, với bánh ngọt, và một món ăn nào đó trở thành ám ảnh tội lỗi trong đầu bạn: hãy để mình ăn. Chỉ có 2 lưu ý:
Ăn TRƯỚC khi cơn thèm trở nên quá mạnh đến mức bạn sẽ bung xoã. đó là khi lúc đóý chí của bạn sẽ hoàn toàn gục ngã và lúc đó sẽ ôi thôi, bạn sẽ ăn như thể chưa bao giờ được ăn và rồi sẽ thấy cực kỳ tồi tệ sau đó do cảm giác nhồi nhét quá tải và cả tội lỗi nữa. còn nếu bạn ăn trước đó thì bạn sẽ biết dừng lại ở 1 điểm mà cơ thể bạn còn chịu được và toà án lương tâm sẽ có phán quyết nhẹ nhàng hơn.
Ăn chầm chậm và từ từ cảm nhận. Bạn hãy gác phán xét qua 1 bên và cho mình nhấm nháp, cho mình thưởng thức trọn vẹn, thậm chí coi đó như 1 bài thiền tập. Và nếu bạn làm vậy, bạn sẽ dần cảm nhận được độ ngon THỰC của món ăn. Có thể rất thoả mãn trong vài miếng đầu nhưng những miếng sau thì không còn ngon đến thế, và bạn sẽ dừng lại được.
Hoặc cũng có thể bạn sẽ thấy rằng, khi ăn chậm bạn bắt đầu quan sát được cơ thể rõ hơn, nghe được hơi thở của mình và cả sự thả lỏng bên trong mình nữa. Và bạn nhận ra rằng mình thực sự đang sống. Và bạn sẽ thấy đủ sau vài miếng.
TRỢ GIÚP SỐ BA: TỔNG HỢP NGUỒN LỰC GIẢM STRESS VÀ RỐI LOẠN TÂM LÝ
Nếu chúng mình ý thức được rằng ăn uống nhiều khi chỉ để giải toả căng thẳng, nên cách triệt để nhất là ghi nhận và chữa trị căng thẳng cho chính mình phải không nào?
Gói quà mùa hạ kỳ này chính là sự trợ giúp, san sẻ thứ 3 mà Phương dành cho các bạn. Món quà này hơi bự và đồ sộ à nha! Tuy nhiên, bạn không cần phải xem hết, sử dụng hết mà hãy lưu giữ lại dưới dạng tra cứu và chia sẻ cho bạn bè, người thân đang rất cần.
Đó là tổng hợp tất cả các nguồn lực về cách giải toả căng thẳng và các rối loạn tâm lý trong giai đoạn khó khăn này: XEM BÀI TỔNG HỢP TẠI ĐÂY.
Tổng hợp này bao gồm cả những đường dây nóng trợ giúp khi có những căng thẳng cấp tính (ý nghĩ tự tử, lo âu hoảng loạn…), địa chỉ khám chữa bệnh, cho đến tất cả các nguồn trợ giúp mang tính giáo dục phòng ngừa khác như giáo dục cảm xúc, trị liệu thông qua nghệ thuật, chữa lành từ thiên nhiên, thiền định….dưới dạng sách vở, phim tài liệu, trang thông tin online, các cộng đồng hỗ trợ v.v…
Nó là nguồn thông tin cực kỳ đa dạng do đóng góp từ rất nhiều bạn bè, anh chị em đã giúp team Nam Phương tổng hợp lại. Tụi mình là người nhặt lại, bỏ giỏ, gói thành 1 món quà thật to để trao tặng bạn.
À mà bạn cũng có thể đóng góp đấy nhé:
Nếu bạn tâm đắc với những nguồn hỗ trợ nào, hãy cho chúng mình biết qua bình luận.
Còn nếu không, bạn chỉ cần nhận trợ giúp này cho chính mình, và chia sẻ đến những người chung quanh nữa. Rất có thể, bạn sẽ giúp được bạn bè, người thân của mình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời họ đấy!
Mong bạn biết rằng mọi thứ đều có thể là liệu pháp nếu được làm trong tỉnh thức. Và bất cứ ai cũng có thể là một nhà trị liệu nếu biết có mặt trọn vẹn cho nhau.
Phương chúc cho bạn vững vàng, nhiều hy vọng và niềm tin yêu tích cực. Chúc mắt bạn vẫn thấy được vẻ đẹp trong những điều bình dị nhất, chúc tai bạn vẫn nghe được nhịp đập của trái tim, và chúc cho tim bạn vẫn đập nhịp nhàng với giai điệu của thiên nhiên mùa hạ.
Mong cho các bạn có ngày thật vui và đêm thật yên.
Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào thứ Ba tuần sau!
(4) Nguồn thông tin tham khảo: https://www.verywellmind.com/how-sugar-affects-the-brain-4065218