Trong số podcast “Sống chậm trên những cung đường”, mình chia sẻ về “Thực tập cắm rễ” (Grounding practices). Đây là những thực tập nền tảng cho bất cứ ai muốn thực tập sống chậm & cân bằng.
Nhưng trước khi nói đến “thực tập cắm rễ” thì cần biết cái gì là “rễ” thông qua một ẩn dụ nổi tiếng: “Cây đời” (Tree of life).Bài tập này giúp chúng ta:
Nhìn lại sự phát triển của bản thân trước đến nay mang tính hệ thống nhưng linh hoạt
Xác định những khía cạnh nào trong cuộc sống là quan trọng ở hiện tại
Định hướng sự phát triển có thể nảy nở trong tương lai tới
Nào cùng bắt đầu ^^
VẼ NÊN "CÂY ĐỜI" CỦA MÌNH
Nếu như ví sự phát triển của mỗi cá nhân như sự lớn lên của một cái cây, thì:
-Hoa, quả: là những thành tựu bên bên ngoài do những hành động & nỗ lực phát triển của mỗi người. Cho nên mới có câu công sức lâu nay đã đến ngày “đơm hoa kết trái”. Ví dụ: một ngôi nhà mơ ước đã thành hình, một dự án thành công, một sức sống tươi tốt...
-Những cành, nhánh: là các lĩnh vực trong cuộc sống đang quan trọng nhất mà bạn muốn tập trung phát triển lâu dài. Ví dụ: phát triển kỹ năng mềm, quản lý tài chính, xây đắp các mối quan hệ, chăm sóc sức khoẻ ...
-Gốc: Những thế mạnh tự nhiên đã hình thành lên cốt lõi của bạn và cho bạn nhiều niềm vui & sức sống nhất khi được tận dụng. Ví dụ: tính sáng tạo, kỹ năng tổ chức, trí thông minh cảm xúc, khả năng chánh niệm, …
-Rễ: Là những nguồn lực hỗ trợ đang có trong cuộc sống của bạn, có thể đang nuôi dưỡng cho sự phát triển ban đầu cũng như phát triển về sau của bạn. Ví dụ: Những mối quan hệ thân mật, gia đình, những cơ hội phát triển tại nơi làm việc ,các khoá học đang có, và dĩ nhiên là cả dòng tiền bạn có…
-Đất: là những giá trị, ý tưởng và niềm tin cốt lõi đang giúp bạn vững vàng và hỗ trợ bạn phát triển. Ví dụ: sự chính trực, từ bi, tính công bằng, sự bình thản…
Trong hầu hết các kỳ retreat, Phương đều cho các bạn làm bài tập này . Và thường thì chúng mình có một khoảng thời gian rất tuyệt vời để tự nhìn nhận lại bản thân. Nhìn lại càng sâu và hệ thống, hướng phát triển tiếp theo càng rõ. Khi nhìn cái cây của mỗi người, chỉ trong 1 trang giấy ta hiểu được họ từ "gốc rễ" ban đầu lẫn những khao khát sâu sắc bên trong.
Nếu muốn làm bài tập này, bạn hãy tự vẽ ra cho mình một cái cây. Vẽ đến đâu, xác định đến đó và ghi vào các từ khoá đến với bạn. Thông thường, cách tốt nhất là nên ngồi tịnh tâm & thư giãn trong tầm 10p và tự ngẫm lại về sự phát triển của bản thân từ trước đến nay.
Đây là một bài tập mang tính tự soi chiếu, nên tốt nhất bạn nên ngồi trong một không gian riêng tư, yên tĩnh và cho mình nhiều thời gian. Không có đúng-sai, xấu-đẹp, chỉ có bạn tự đặt câu hỏi cho mình, tự soi chiếu và tự đón nhận những câu trả lời chân thật đến từ bên trong. Cũng không cần đặt áp lực phải vẽ đẹp, phải "làm thế nào cho đúng". Cứ để cho mọi thứ thật tự nhiên như 1 dòng chảy đi từ tâm thức của bạn ra trang giấy.
VẬY THỰC TẬP CẮM RỄ LÀ GÌ?
Cũng như những cái cây, chúng ta đang ở trong một môi trường đầy biến động và khó lường. “Giông bão cuộc sống” có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Và những cái cây cắm xuống bộ rễ vững chãi nhất & biết liên kết nhất với đồng loại sẽ là những cây kiên cường nhất đi qua những cơn bão.
Muốn thay đổi hoa trái, phải thay đổi gốc rễ. Với con người, rễ là mọi loại nguồn lực. "Cắm rễ” là làm sao để những nguồn lực bạn đang có giúp bạn được sống đúng với những giá trị, ý tưởng và niềm tin căn bản của mình (“hút dưỡng chất từ đất” lên). Qua mỗi ngày.
Bí quyết của việc “cắm rễ” nằm ở chỗ chúng ta nuôi nấng những nguồn lực này như thế nào hàng ngày?
Chúng ta chỉ lo nuôi những nguồn lực ngắn hạn hay có thể phóng tầm nhìn xa để nuôi bộ rễ tương ứng cho hướng phát triển cao nhất của mình ?
Chúng ta có đề phòng rủi ro hay đợi đến khi giông bão ập qua mới bật khóc vì bộ rễ quá nông của mình?
Mình dùng từ “thực tập” (practice) vì từ này hàm nghĩa rằng: Sức mạnh bộ rễ không phải chỉ nằm ở những điều có sẵn, mà là từ nỗ lực bản thân qua thời gian. Ngay cả với những thứ "có sẵn" rồi mà không nuôi nấng thì cũng khô cạn mà thôi!
Chúng ta đều đang trên tiến trình làm cho mọi thứ mỗi ngày tốt hơn 1 chút, đơn thuần bằng cách làm thường xuyên những điều nhỏ thôi. Và ngay cả khi có thành tựu to rồi, ta vẫn thực tập để gia cố bộ rễ, không ngừng chuẩn bị cho tương lai đầy biến động.
Thực tập này rất linh hoạt, nhiều dạng thức ở "bề ngoài". Nhưng 2 điều kiện quan trọng không đổi đó là:
Bạn duy trì sự chú tâm vào hoạt động mình đang làm, và không tranh thủ làm bất cứ điều gì khác khi làm nó.
Bạn làm cho nhu cầu của chính mình, không vì ai cả.
"Mỗi hành động là một nghi lễ, mỗi từ nói ra là một lời cầu nguyện, mỗi bước đi là một cuộc hành hương, mỗi nơi chốn là một đền thờ, mọi thứ đều cao cả, mọi thứ đều linh thiêng và chính điều đó sẽ không làm chúng ta lạc khỏi những gì ở đây và bây giờ. " - Charles Eisenstein.
CÁC DẠNG THỰC TẬP CẮM RỄ
Xây dựng và duy trì những thói quen không thể thiếu (Ví dụ: luôn thở thư giãn & tập thể dục mỗi buổi sáng, luôn gấp quần áo gọn gàng trong ngăn tủ)
Tuân thủ một thời khoá biểu hợp lý, cân bằng và có kỷ luật cao (Ví dụ: luôn dậy trước 6h sáng, nghỉ trưa ngắn thay vì xem điện thoại…)
Kết nối với bản thân trong một khoảng thời gian của ngày (Ví dụ: viết nhật ký 3 điều lành, ghi nhận lại cảm xúc đã có trong ngày, ghi lại những gì cảm thấy trân trọng…)
Kết nối với những mối quan hệ quan trọng (Ví dụ: luôn dành 1 khoảng thời gian ăn cơm cùng gia đình và hỏi về ngày của họ, vui đùa cùng lũ trẻ ngoài thiên nhiên; hoặc “Thực tập Làm Mới” mỗi khi gặp khó khăn trong mối quan hệ…)
Sự chăm sóc bản thân đơn giản nhất mỗi khi cơ thể đưa ra tín hiệu cần (Ví dụ: mang theo bình nước đặt trước bàn làm việc để không quên uống, buông thư mỗi tối trước khi đi ngủ, tập thể dục mắt sau mỗi giờ làm việc bên máy tính…)
Một thực tập cân bằng thân-tâm nào đó đang giúp cải thiện sức khoẻ (Ví dụ: thiền, Yoga, viết sáng tạo, làm vườn, đi dạo ngắm mặt trời lặn mỗi chiều, tụ họp với cộng đồng chung niềm tin…)
Lưu ý : dù thực tập cắm rễ có thể bao gồm thói quen, vẫn có ý nghĩa sâu xa hơn thói quen. Bản thân “thói quen” thường mang tính tự động và không nhất thiết có nhiều ý thức đặt vào trong đó. Còn "thực tập cắm rễ” là khi bạn ý thức sâu sắc về việc mình đang làm, chú tâm vào nó và cho nó những điều chỉnh thực sự linh hoạt để đạt được mục đích sâu sắc đằng sau. Nó cũng không cố định như thói quen, mà có thể được điều chỉnh dạng thức qua thời gian.
Ví dụ: cùng là "pha & uống cà phê" nhưng nếu như bạn đơn thuần làm nó vì không thể thiếu caffeine thì đó chỉ là thói quen. Bạn có thể vừa uống vừa lướt điện thoại. Còn nếu bạn pha & uống mà đặt mục tiêu không nghĩ ngợi gì, cho nó thật nhiều sự chú tâm thì đó là "cắm rễ".
NHỮNG CÂY ĐỜI XANH TƯƠI
Đây cũng là thực tập Phương đã gieo cho học viên trên Hành trình Thân khoẻ Tâm an. Thực tập này đã trở thành một trong những bài giảng lắng đọng, nhiều cảm xúc nhất trên Hành trình. Chúng mình đã cùng vẽ nên cây đời xanh tươi, và để lại những dòng chia sẻ rất đẹp:
Em Thuỳ: Khi vẽ cảm thấy cho phép mọi thứ tuôn ra, có gì viết đó. Vẽ xong thì thấy nguồn lực dồi dào và có sẵn hết rồi thấy mừng và chỉ việc tưới tẩm ‘thái độ’ đúng là ổn . Mừng là trong bộ rễ có cộng đồng nhà mình - Bộ lạc Thân khoẻ Tâm an nữa
Mỹ Thiên: Mình xác định khá rõ về "con người mình muốn trở thành" ít nhất trong 5-10 năm nữa. Mình thấy việc hiểu bản thân cũng là một sự may mắn.
Mình tin vào sự dồi dào của đất mẹ. Nhiệm vụ là tích cực gieo trồng và tưới tắm cho cây xanh tươi, quả ngọt thôi.
Một vài cây đời xanh tươi của Bộ lạc Thân khoẻ Tâm an
Trong nguồn cảm hứng về thực tập cắm rễ, chị Hằng Mun còn dành tặng Bộ lạc một bài thơ rất đỗi dịu dàng. Xin chia sẻ cùng mọi người tại đây:
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA THỰC TẬP CẮM RỄ
Bạn làm nó hàng ngày, thiếu là không chịu được :)
Đơn giản và không mất nhiều thời gian hay đòi hỏi điều kiện phức tạp, gần như có thể “mang theo” đến bất cứ đâu
Nó giúp bạn được quay trở về với con người chân thật nhất, yêu thương nhất của mình
Bạn có thể làm ở hầu như bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào với những điều chỉnh đơn giản.
Không bắt buộc, nhưng thường là thực tập nuôi dưỡng cả thân & tâm.
MỘT SỐ VÍ DỤ & CÁCH SỬ DỤNG THỰC TẬP
Ví dụ 1: Yoga & thiền mỗi sáng như Phương có kể trong podcast. Khi bận dịch chuyển hay mệt mỏi thì có thể linh hoạt điều chỉnh theo khung thời gian.
Ví dụ 2: Người thực tập là Thái Hà - coachee đã đi cùng Phương trong 2 đợt coach 1:1. Hà giữ cân bằng khi cực kỳ bận rộn bằng việc uống một cốc nước ấm. Khi uống, Hà sẽ hoàn toàn chú tâm cảm nhận sự di chuyển của dòng nước trong cơ thể. Việc này đơn giản nên làm được nhiều lần trong ngày, vừa khiến bạn Hà vừa bổ sung đủ lượng nước vừa giúp bạn “về nhà” với cơ thể mình.
CREDIT:
Bài tập gốc được chia sẻ bởi chị Giang (nhóm Vòng Tròn Bạn Hữu) với 4 bộ phận Rễ, Đất, Gốc, Cành. Health Coach Nam Phương hệ thống hoá và phát triển thêm để chia sẻ trong các trại hè, nghỉ dưỡng...với mục đích khuyến khích mỗi cá nhân tự soi rọi và không nhằm mục đích thương mại.
Thực chất, “Cây đời" (Tree of life) không phải là độc quyền của bất cứ tổ chức nào mà là hình tượng phổ quát xuất hiện trong vô số thần thoại trên thế giới. Có liên quan đến hình tượng “Cây thiêng” (Sacred trees) trong các truyền thống tôn giáo, triết học và cả các bộ thần thoại hiện tại như Trò chơi vương quyền, Biên niên sử Narnia…
Comments