Trở về từ Tâm Tang Thầy tại chùa Từ Hiếu, lòng mình hôm nay vẫn còn nao nao bồi hồi. Không chỉ vì đã được Đảnh lễ trước Kim Quan của Thầy, mà còn được hoà vào không khí trang nghiêm thành kính của những người học trò đổ về từ khắp mọi nẻo đường. Trong suốt tuần qua, hẳn là đã có rất nhiều câu chuyện vĩ đại & cảm động về cuộc đời Thầy được chia sẻ trên MXH. Tuy nhiên, mình lại muốn chia sẻ những câu chuyện nho nhỏ về những học trò của Thầy mà mình đã gặp. Bởi vì dù gì, cách sống của học trò chính là những minh chứng sống động nhất về sự Tiếp Nối Thầy. Sau đó, còn có câu chuyện về mối lương duyên đưa mình đến với Thầy.
Hôm Thầy tịch, mình đang tham gia một khoá tu tại Khánh Hoà. Thế rồi khi nghe tin Thầy, mình lập tức hướng về Huế thay vì quay trở lại Đà Lạt. Thế nhưng vì không có chuyến bay thẳng, mình phải bay từ Cam Ranh ra Đà Nẵng, rồi lại từ Đà Nẵng bắt xe ra Huế. Nghe thì hơi lòng vòng một tẹo nhưng nhờ vậy mà được các anh chị em Tăng Thân tại Đà Nẵng tiếp đón và chở đến Huế. Dù chỉ tá túc tại đó chưa đầy 1 ngày, mình ngạc nhiên vì sự chăm sóc chu đáo, thân tình của các anh chị mà hầu hết là lần đầu quen biết. Bữa trưa đầu tiên, chị Thảo quay sang hỏi : “Em có ăn kiểu thực dưỡng không? Ăn như thế này hơi nhiều gia vị với em phải không?”. Mặc dù mình nói rằng khi di chuyển như thế này mình không muốn kén cá chọn canh gì, nhưng bữa tối hôm đó đã được chu đáo đặt tại một nơi có cách nấu thanh đạm hơn mà lại là cây nhà lá vườn tự trồng. Bữa tối được ngồi cùng Tăng Thân hôm đó mình không hiểu rất nhiều câu chuyện đang diễn ra, nhưng cứ mỗi lần thấy mình tròn mắt lắng nghe là lại có người kiên nhẫn giải thích lại về các chi tiết mọi người đang nói. Thấy các anh chị trò chuyện với nhau thân thiết không khác gì người nhà, quan tâm nhau đến từng chi tiết nhỏ, trao tặng nhau đồ tự làm đến tận khuya... khiến mình thấy quá sức ấm áp.
Sáng hôm sau khi di chuyển đến Huế, anh Trình quay sang hỏi “Em không cần đến quá sớm phải không? Mình cùng nhau đến đèo Hải Vân ngắm mây chút nhé!”. Thấy mình tròn mắt ngạc nhiên, anh nhẹ cười: “Mình cần đi trong thư thả”. Câu ấy của anh như có Thầy trong đó. Mình được kéo về với bước chân và hơi thở, thấy lòng nhẹ nhàng.
Thế là chúng mình đã có dịp rẽ vào Hải Vân Quan, cùng ngồi ăn bánh mì và pate chay mà ngắm mây sớm bao phủ chung quanh. Sau đó đi tham quan chung quanh và chụp ảnh cùng nhau, vui lắm!
Năng lượng nhẹ nhàng thanh thản đó tiếp tục được nuôi dưỡng trong suốt mấy ngày sau đó. Mặc dù số lượng người đổ về chùa ngày càng đông, mọi người đều theo đúng theo di huấn của Thầy: “Tâm tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. ” Không ồn ã với lễ nghi không cần thiết, cũng chẳng cầu kỳ với cờ quạt, trống kèn, vòng hoa phúng điếu. Dưới hình thức của một khoá tu im lặng, mọi người có thể tham gia cùng nhau thiền ngồi, thiền hành, ăn cơm im lặng, Sám Pháp Địa Xúc. Thầy đã nói rằng ở đâu có những hoạt động như vậy, là nơi đó có Thầy. Mỗi người đều đeo trên ngực áo lời nhắc “Đến đi thong dong.”
Mình cùng các anh chị em khác đã vào bếp để phụ giúp phần nào. Ngay cả ở nơi mà thông thường sẽ ồn ào và nhiều tranh cãi lặt vặt nhất, mình cũng thấy rất nhẹ nhàng. Dù phải chuẩn bị hàng ngàn suất ăn mỗi ngày, không có ai quá cuống vội, ồn ào, nổi nóng... như những khu bếp lớn mình từng tham gia. Từ thanh niên trẻ cho đến các di U70, U80 đều tham gia làm nhiệt tình và hỏi han nhau như trong một gia đình lớn. Mọi người cùng khẽ khàng chia sẻ về Sư Ông như một người Ông lớn của gia đình chung - vừa kính cẩn mà vừa rất gần gũi ấm áp.
Các anh chị em nhẹ nhàng trò chuyện hỏi han, rồi cùng sắp xếp hỗ trợ lẫn nhau. Vì xung quanh Từ Hiếu các chỗ trọ đều đã kín người, mình ngỡ là phải tự túc ra xa xa. Thế nhưng, các chị giúp mình được chia sẻ phòng với một người nữa ngay gần đó. Chủ nhà trọ cũng tạo điều kiện tối đa, cho phép các học trò của Thầy được tự động chia sẻ phòng với nhau. Từ những khu nhà trọ như vậy, từ 4.30-5.00 mỗi sáng sẽ có một đoàn Phật tử lặng lẽ di chuyển đến chùa tham gia thời khoá.
Buổi tối đầu tiên sau khi tham gia xong thời khoá, mình được chở đi ăn chè Huế. Ngồi bên bờ sông, chúng mình hỏi mỗi người đã có duyên đến với Thầy như thế nào. Ai cũng được nghe đến Thầy từ lâu, nhưng ai cũng phải trải qua một hành trình riêng để đến được một điểm mà cảm thấy thấm thía.
Câu hỏi đưa mình về với ký ức trong các chuyến đi với rất nhiều bước ngoặt ngẫu hứng, không tính trước.
Năm 2018 sau khi sang Ấn Độ lấy chứng chỉ Giáo viên Yoga, mình rời tu viện và đi du lịch bụi ở vùng Bắc Ấn. Thế là dù không hề có tính toán gì từ trước, nhưng mình đã “gặp” Sư Ông ở khắp mọi nơi.
Khi được hỏi về “một nơi có thiên nhiên đẹp đẹp để đi”, một người bạn học đã gợi ý cho mình đến McLeod Ganj (Dharamshala) nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và các con dân Tây Tạng lưu vong đang sinh sống. Sau khi xem qua vài bức hình với núi tuyết hùng vĩ, mặt hồ phẳng lặng, và những tu viện thâm trầm đứng dưới những hàng tuyết tùng, mình lập tức lên đường. Sau khi đã ở đó vài ngày, bỗng một buổi chiều đang tính ra ngoài đi ăn thì mình được một anh thanh niên người Tây Tạng “bắp gặp”. Anh cười nói với mình tự nhiên như đã quen nhau từ lâu, rồi hỏi mình có muốn đến chơi với một vị sư bạn ảnh không? Thế là mình tiếp tục ngẫu hứng đi theo anh về đến căn phòng nhỏ của vị sư này. Anh bảo cứ ngồi chơi với Sư đi, anh sẽ lo đi nấu ăn cho mọi người cùng ăn. Hoá ra, vị sư đang học Tiếng Anh và cũng cần người thực tập cùng. Thế rồi, mình nhìn thấy cuốn “Pebble Meditation” (Thiền Sỏi) đề tên Thích Nhất Hạnh đặt trên mặt bàn gần đó. Mình liền hỏi có phải sư có đọc sách của Thầy không, Sư gật đầu bảo: “Có, rất dễ hiểu!”. Và Sư thú nhận là tiếng Anh của Sư chưa đủ để hiểu sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma nên đọc sách của Thầy - thường có cấu trúc và từ ngữ dễ hiểu hơn nhiều.
Mấy ngày sau, khi leo đỉnh Triund ở đây xong, mình muốn tiếp tục thử một môn thể thao mạo hiểm nên di chuyển tới Bir - nơi đã từng đăng cai tổ chức giải Dù lượn (Paragliding) cấp quốc tế. Lúc đó, tâm thế của mình rất đơn giản: Đến chơi dù lượn cho biết thế nào! Thế rồi khi đã hoàn thành mục tiêu bay nhảy, mình đi loanh quanh thăm thú và rẽ vào một nơi rất ít người đến là Học Viện Lộc Uyển (Deer Park Institute). Vốn đã từng là một tu viện Tây Tạng, nhưng khi mình đến thì Lộc Uyển đã được chuyển thành một Học Viện vắng vẻ, thanh tao với những dãy tường vàng nhạt in trên nền trời xanh trong. Nhìn ngắm những hình vẽ thiên nhiên đất trời, những thông điệp về Thiên nhiên, cả những dãy phòng dài dành riêng cho mục đích tái chế...mình được chạm đến lúc nào không hay. Và đó là lần đầu tiên, mình thấy lòng thực sự muốn ở lại một nơi đến thế.
Học Viện vắng vẻ đến kỳ lạ, thế nhưng qua bảng thông báo mình biết trong 1-2 ngày, sẽ có một vị sư người Nhật sẽ đến dạy một khoá thiền tại đây. Cơ hội đây rồi! Mình liền quyết định sẽ tham gia khoá thiền vì nghĩ rằng chỉ có cách đó mới có thể có cớ được ở lại nơi đây. Hôm trước trong 1 bài viết khác, mình đã kể ngắn gọn về việc một người không quen biết chỉ trong 15 phút nói chuyện đã tài trợ cho mình một chuyến xe đi lấy giấy phép. Đó chính là Giám đốc tại Học Viện này. Dù lúc nói chuyện với chú, vẻ ngoài giản dị và cách không ngại ngùng ngồi bệt xuống các bậc thang bên cạnh mình khiến mình tưởng chú là chú Bảo vệ. Trong lúc đợi khoá thiền diễn ra, mình xin chú được vào Thư viện, và hỏi chú gợi ý cho mình vài cuốn sách để tìm hiểu căn bản về Đạo Phật. Cứ ngỡ chú sẽ giới thiệu sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ai dè chú giới thiệu cho mình 2 cuốn thì một cuốn là “Đường xưa mây trắng” (Old path white clouds) của Sư Ông.
2 ngày sau, khi nhà sư Nhật dẫn đoàn đến, mình được tham gia một khoá thiền thật kỳ lạ. Khoá thiền đó là sự phối trộn giữa các bài tập Yoga, các nghi lễ kiểu Tây Tạng, thực hành Chánh niệm Hơi thở (Anapanasati), Thiền Trà và đến tối thì luôn đọc một bài tưởng niệm Đức Phật mà được ghi chú là bản dịch của Làng Mai.
Trong khoá, nhà sư Nhật đã chia sẻ về con đường tu học của Thầy. Hoá ra Sư cũng đã “du học” ở nhiều nơi, khám phá tư tưởng của nhiều bộ phái khác nhau để đối chiếu. Thế nhưng, không phải ngay từ đầu Sư có ý định đấy mà chỉ đơn thuần thực tập theo đúng những hướng dẫn trong truyền thống bộ phái của mình. Sư nói: “Họ chỉ bảo tôi ‘Ngồi đi’. Và không hướng dẫn điều gì khác.” Cách đó đối với người Á Đông thì có thể ổn, nhưng với các thanh niên trẻ phương Tây thì không thể áp dụng nổi.
Bước ngoặt xảy đến khi Sư có dịp sang Mỹ, và mặc dù vốn đã tu học từ lâu, đấy là lần đầu tiên Sư được biết đến Chánh Niệm (Mindfulness) qua sách của Sư Ông. Có điều gì đó trong Sư vỡ ra: Đây mới thực là điều tôi tìm kiếm! Thế nhưng cũng phải băn khoăn giằng xé mất một thời gian giữa các truyền thống tu học, cho đến khi Sư có dịp thấy Sư Ông trực tiếp. Sư bồi hồi kể: “Lúc được thấy Thầy bằng xương bằng thịt, tôi đã biết đây là người đã có Đại Ngộ thâm sâu. Chính vì thế, tôi không còn chần chừ mà cương quyết rời bộ phái của mình để đi học hiểu lại từ đầu.”
Và từ đó, Sư đã “vác ba lô lên và đi” tu học với nhiều thầy tại nhiều truyền thống khác nhau, đi từ Thiền Tông sang Nguyên Thuỷ, từ Nguyên Thuỷ sang cả Mật Tông... Khi mình hỏi thế hiện giờ Sư thuộc tông phái nào, Sư cười nói: “Tôi không còn phân biệt tông phái! Tôi chỉ đơn thuần là một vị sư thôi”. Mình hỏi tiếp về người mà Sư chịu ảnh hưởng lớn nhất trong các vị thầy, không ngần ngừ lâu, Sư nói: “Đó là thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi đang chọn cách giảng dạy giống của Thầy.”
Đến đây, mình chợt giật mình với nhân duyên kỳ lạ này. Tại sao mình là người Việt Nam, mà phải lòng vòng sang tận Ấn Độ, vào tu viện Tây Tạng, học với thiền sư Nhật rồi lại được dẫn về với người thầy cũng có gốc rễ từ Việt Nam?
Mình không thể ngó lơ được nữa. Chiều hôm đó, mình đã lên youtube nghe một bài giảng của Thầy. Thầy đưa ra những ví dụ đơn giản nhất như đám mây, chén trà...để giảng về tương quan vạn vật không thể tách rời. Về sự thật vạn vật đều không sinh không diệt.
Nước mắt rơi lã chã lúc nào không hay. Lòng bùi ngùi cảm động đến lạ lùng.
Và đó là cách rất kỳ lạ mà nhân duyên dẫn dắt mình đến với lời dạy của Sư Ông. Khi trở về Việt Nam sau chuyến đó, mình mới thực sự nghiêm túc với việc thực tập Thiền hàng ngày. Từ đó, con đường mình đi cứ ngày một sáng sủa hơn. Rất lắm lúc, nghĩ đến Thầy là mình lại bùi ngùi cảm động sâu sắc và từ đó mà lại có động lực đi tiếp con đường riêng.
Đến thời điểm hiện tại, khi nghe tin Thầy tịch mình thấy lòng rất thanh thản. Thanh thản vì Thầy đã thực sự đến đi thong dong trong kiếp sống này và vẽ nên một đường tròn trọn vẹn. Thanh thản vì được chứng kiến Tăng thân thực hành theo đúng Di huấn đẹp đẽ của Thầy qua bước chân hơi thở của mỗi người. Thanh thản vì mình đã thấy mình đã được để lại quá đủ điều kiện để hạnh phúc.
Ngẫm lại 29 năm qua, cứ mỗi lần chịu cất bước ra khỏi giới hạn cũ của chính con người mình và hành xử dễ thương, cởi mở, mình luôn được dẫn dắt đến đúng điều mình cần. Như lời thầy dạy:
“Trong thời thanh xuân, mình đã có tư tưởng - lời nói - hành động đã đi luôn hồi rồi. Nó đang có mặt ở trong vũ trụ, trong thế giới. Nếu mình nói những câu nói dễ thương, những hành động dễ thương, có tư tưởng từ bi - là mình đang được tiếp nối đẹp đẽ...Chứ không phải chết rồi mới đi luân hồi.”
Vậy nhọc công tính toán quá nhiều làm chi? Thôi, cứ thong dong từng bước.
Comments