Một người thầy của mình đã nói: “Tôi không nghĩ người ta thực sự ‘đi tìm ý nghĩa cuộc sống’. Cái người ta thực sự đi tìm là trải nghiệm ‘thực sự được sống’ ”.
Đối với mình, kết luận này khá hợp lý. Và một trong những phương tiện giúp mình trải nghiệm cảm giác ‘thực sự được sống’ là Viết. Đây là một điều mà mãi sau này mình mới cảm nhận được - sau khi đã thử nghiệm nhiều dạng viết và cùng lúc đó là trải nghiệm qua nhiều chiều kích của việc ‘được sống’.
Mình tạm thời chia ra 5 giai đoạn sống gắn liền với việc Viết:
1. Viết vì lực thúc đẩy tự nhiên:
Vì là mọt sách từ lúc mới biết chữ, mình đã thu nạp một lượng thông tin khá lớn từ sách báo, tạp chí. Một cách tự nhiên, có ‘đầu vào’ nhiều thì sẽ có ‘đầu ra’. Mình đã viết bài dự thi trên báo, viết fiction, fanfiction từ những lực thúc đẩy rất tự nhiên bên trong. Khi mà những bài văn ở trường luôn bị nắn bóp theo đúng ba-rem chuẩn mực, thì cái đứa trẻ giàu trí tưởng tượng trong mình tìm cách vẫy vùng thông qua một thế giới mà nó không bị chỉnh sửa. Thậm chí, mình đã mơ đến việc một ngày nào đó sẽ viết được một cuốn truyện (hay cả 1 bộ truyện) để đời với một thế giới sáng tạo riêng như Harry Potter, Chúa tể những chiếc nhẫn. (Bây giờ, mình vẫn tin tưởng rằng chuyện đó là có thể).
Nhưng trước khi làm được những điều to lớn, mình cũng trân trọng quá trình hữu cơ này: chỉ từ 1 giải thưởng nho nhỏ, những theo dõi & ủng hộ của ‘bạn đọc’ thuở đầu đã đủ để mình biết là trong mình có một cái mầm mới nhú đang lớn lên từng ngày. Tạm gọi đó là giai đoạn phát huy thiên hướng tự nhiên.
2. Viết để khám phá thế giới:
Khi lên đến Đại học, mình bắt đầu viết hầm bà lằng thập cẩm: viết bài cho báo giấy lẫn báo mạng, tạp chí lẫn trang tin chuyên đề, blog, facebook notes. Chưa kể là khi bắt đầu làm các dự án hay đi thực tập, mình tập toẹ với những kỹ năng liên quan đến viết khác như viết email, viết đề xuất và báo cáo, bài PR, thư ứng tuyển, xin tài trợ, bài truyền thông v.v...
Nhưng dù là viết về đề tài gì, mình đều thấy thực chất đây là hành trình để mình khám phá thế giới, học cách quan sát và ghi nhận các hiện tượng trong cuộc sống. Để viết ra một cái gì đó đủ giá trị để bạn đọc bỏ thời gian dòm vào, toà soạn gửi nhuận bút, nhà tài trợ chịu liếc qua... thì bắt buộc mình phải ‘làm bài tập’ trước đó. Mình phải tìm hiểu kỹ càng về đối tượng, quan sát, đặt câu hỏi, nghiên cứu, phỏng vấn...rồi tổng hợp lại thành một góc nhìn mới mẻ từ những thông tin đó. Cái mầm viết lách ban đầu đã bắt đầu biết leo giàn và vươn về phía ánh nắng. Đây là giai đoạn khám phá để hình thành nên thế giới quan của mình.
3. Viết để kiếm sống:
Thời đại học sắp kết thúc cũng là lúc sếp mình - một nhà báo, nhà nghiên cứu truyền thông - đặt vấn đề: “Anh cần em làm toàn thời gian cho anh. Em cần lương bao nhiêu?”. Mình ngây ngô đề nghị một mức lương vừa đủ sống, và vui vẻ với việc chính thức bắt đầu tự kiếm sống từ việc viết. Chính xác thì ngoài kỹ năng viết ra, còn vô số các kỹ năng khác mà mình đã-đang và sẽ trang bị thêm cho bản thân để có thể duy trì chi phí sống. Thế nhưng, viết luôn là một kỹ năng chủ đạo, đứng ở vị trí trung tâm trong mọi cuộc trao đổi và phối hợp giữa người và người. Trong giai đoạn này, mình dần phải học cách ‘uốn éo ngòi bút’ sao cho viral, sao cho phù hợp với sự kiên nhẫn càng ngày càng tiêu biến đi của số đông, và cuối cùng là sao cho khớp với mục đích cuối của các doanh nghiệp là tối ưu việc tăng trưởng và lợi nhuận.
Có những lúc, mình sẽ không coi đây là việc ‘viết’ nữa. Nó chỉ là sản xuất ra các ‘copy’ hợp lý, hoà cùng với rất nhiều yếu tố khác như thiết kế hình ảnh, giao diện & trải nghiệm người dùng...để cuối cùng là thúc đẩy người ta làm một hành động nào đó.
Và đây là một nghịch lý: Khi người ta làm đủ tốt một chuyện gì đó, người đó có thể được thăng lên một vị trí cao hơn mà ở đó người ta không còn được làm cái chuyện mà mình từng rất yêu thích nữa. Thời gian, năng lượng...sẽ được đổ dồn vào việc gấp gáp bổ sung các kỹ năng cần thiết khi đi lên một vị trí mới. Với mình trong giai đoạn đó, mình phải học gấp kỹ năng quản lý nhóm, quản lý tài chính, cách duy trì sức khoẻ (3Đ: ăn đúng-tập đủ-thiền đều), cách đọc hiểu dữ liệu (vẫn ngu đến tận bây giờ)...và rồi tự tìm cách làm việc với các đối tượng như hoạ sĩ truyện tranh, ca sĩ, KOLs, studio games và cả các đối thủ.
Nó cũng có cái hay ho thú vị riêng. Mình thấy như đang trong một tiến trình tự-huấn-luyện với sự tập trung cao độ vào mục tiêu trước mắt. Dĩ nhiên, như bao hành trình kiếm sống khác, có nhiều cái giá phải trả cho sự ám ảnh về tăng trưởng. Cái cây sự sống bên trong được thử thách liên tục, nhiều lúc bị cắt tỉa , uốn chỉnh cho ra hình dáng ‘bonsai’ cho hợp mắt và bán được giá cao.
Đây là giai đoạn mà việc viết đã giúp mình tồn tại và phát triển theo đúng nhu cầu thị trường. Và dù không vui như trước, mình biết ơn giai đoạn này đã cho mình đủ kỹ năng, tài chính và cả kinh nghiệm sống để chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp theo.
4. Viết để kể chuyện, bộc lộ và chữa lành:
Khi học về các thiên hướng não bộ và tâm lý con người, mình biết về những cuộc ‘độc thoại nội tâm’. Con người hay tự trò chuyện trong đầu, lúc thì phê bình phán xét chính mình lúc thì suy tư, ngờ vực, khi thì càm ràm lảm nhảm...Đây là hiện tượng rất bình thường, nhưng nếu những cuộc hội thoại này bị đi vào thiên hướng quá tiêu cực (như tự xỉ vả mình ‘không đủ tốt’ trên mọi mặt trận, hay tự dằn vặt về lỗi lầm đã qua) thì sức khoẻ tinh thần sẽ đi xuống rất nhanh. Sau khi bố mình mất, mình cũng trải qua nhiều thời kỳ day dứt. Trong suốt những năm mình đối diện với mất mát và tổn thương, viết đã cứu mình.
Từ chuyện viết cho riêng mình qua trang giấy buổi sáng (morning pages), nhật ký biết ơn, viết ‘xổ não’; cho đến những câu chuyện trên hành trình chữa lành, đến những bài học, kinh nghiệm sống...mà mình chia sẻ trên các kênh. Mình bắt đầu quay trở lại với những trải nghiệm chân thực hơn, không còn phải làm ‘bonsai uốn éo’. Mình nhìn rõ được những ngổn ngang bên trong, sắp xếp lại cảm xúc, lý giải về các trải nghiệm đã qua, tổng hợp lại những điều mới mẻ...tựu chung, những trang viết đã trở thành một ‘bản ghi chép cuộc sống mới’.
Càng viết, mình càng được tái khám phá lại những khía cạnh tốt đẹp bị ngủ quên bên trong. Càng viết, lại càng ghi nhận được những khoảnh khắc bình dị và sâu lắng. Mình được chữa lành lúc nào không hay. Đây là giai đoạn cái cây được cho phép mọc ‘thuận tự nhiên’, và nó chầm chậm sắp xếp lại thành hình dáng khác.
5. Viết để trao lại giá trị và ý nghĩa:
Không phải đợi đến khi bản thân trở nên hoàn hảo, ta mới có thể tạo giá trị thông qua các trang viết. Song song cùng với hành trình chữa lành, mình đã viết về những trải nghiệm đã qua và mới đến. Viết về lỗi lầm, bất an và tổn thương...đã đưa mình quay về với những giá trị ban đầu. Viết về các ‘bí kíp sức khoẻ’ đã giúp mình dần dần khôi phục. Viết về những lựa chọn sống mới. Viết về những ý nghĩa mình khám phá được thông qua những điều nhỏ nhoi. Viết về các cuộc gặp gỡ với các vị thầy, các cộng đồng, những con người trên khắp thế giới. Viết về hành trình vươn lên liên tục trên những chiều kích khác: hành trình khám phá sức mạnh nội tại, hành trình học cách yêu thương và sống trong tình yêu, hành trình trải nghiệm sự sống mỗi ngày thêm sâu và trọn vẹn.
Đây là giai đoạn mà cây đã tạo xong hình dáng cơ bản ban đầu và đang tiếp tục phát triển. Thế nhưng, sự phát triển không còn được thể hiện quá nhiều trên mặt đất nữa. Nếu có khả năng nhìn xuyên qua lớp đất, mới thấy cái rễ của nó đang vươn ra hút nhiều chất dinh dưỡng và ‘đan rễ’ với các cây khác như thế nào. Nó không còn đứng một mình. Khi vươn xa hơn mong muốn phát triển cho riêng mình và đóng góp cho hệ sinh thái chung, nó mới thấy mình thực sự được sống.
Dù trong giai đoạn nào, mỗi khi viết ra được những điều chân thật với trái tim mình, mình đều cảm nhận được một dòng chảy năng lượng chảy qua khắp cơ thể và tâm hồn.
Bạn có muốn viết không? Bạn có thể bắt đầu từ hôm nay, theo cách thức và tốc độ mà bạn cảm thấy sẵn sàng. Hãy biết rằng nỗi sợ sẽ luôn đi kèm theo đó, đặc biệt là khi tìm cách đưa những gì mình viết ra ngoài. Hãy biết rằng bạn không một mình. Và việc vượt qua được những rào cản nội tâm đó sẽ giúp bạn thấu hiểu bản chất con người, và thương những cái riêng lẫn chung hơn rất nhiều.
Chúc tất cả các bạn đánh thức được ‘người viết bên trong’ và bất ngờ về những gì người viết này mang lại nhé!
Comments