top of page
Writer's picturePhuong Nguyen

Vì sao tôi trở thành 1 health coach

Updated: Jul 3

Tôi chưa từng ngờ rằng mình sẽ kể về bố trên bước đường nghề nghiệp.


Bố tôi là một bác sĩ, rất am tường và thích đọc sách báo. Ông truyền tình yêu kiến thức và sự tò mò ham thích tìm hiểu mọi thứ cho tôi. Vì vậy, câu chuyện tuổi thơ tôi gắn liền với ông là những lần đi mua sách và hí hửng mang sách về đọc. Đứng ở nhà sách trước đứa con đeo cặp kính dày cộp, ông khoát tay thật rộng bảo “muốn mua cả nhà sách cũng được" (hiển nhiên chúng tôi không nhiều điều kiện đến thế!). Chở tôi hí hửng với 1 bao sách trên tay, ông đi qua bao nhiêu con đường, giới thiệu cho tôi bao nhiêu kiến thức về cây cối hay toà nhà gắn liền với những thăng trầm của phố núi Ban Mê. Còn khi tôi có mang cuốn sách nặng đô nào đó về nhà như kiểu “Từ điển Tôn giáo", thì ông sẽ lấy đi mất trước cả khi tôi kịp sờ đến. Tôi lớn lên dưới ảnh hưởng của ông mà luôn phấn khích trước bể kiến thức vô tận.

Tuổi thơ cứ thế trôi qua êm đềm cho đến khi tôi lớn lên, vì việc học mà rời xa bố mẹ. Bố tôi thì không còn đi làm nhiều như xưa vì sức khoẻ suy giảm. Ông thường xuyên phải tự tiêm thuốc cho mình, mệt mỏi và rụng tóc. Nếu có một nghịch lý lớn nhất trong nghề nghiệp của bố thì đó chính là dành cả cuộc đời làm việc vì sức khoẻ của người khác, và theo năm tháng để cho sức khoẻ của mình suy giảm trầm trọng. Làm sao một người có thể khoẻ được nếu như thường xuyên ăn rất gấp rút, ngủ thất thường, đối mặt với những năng lượng nặng nề của người bệnh và đôi khi là áp lực đến mức phải hút thuốc hay uống rượu? Tôi cũng gặp rất nhiều bác sĩ khác, đôi khi là người nhà, với con mắt thâm quầng mệt mỏi, mái tóc điểm bạc từ độ tuổi 20-30, với những đôi vai so rã rời mỏi mệt. Đôi khi tôi tự hỏi, bao nhiêu bạn bè chuyên Toán - Hoá - Sinh trong trường chuyên ngày trước khi miệt mài đèn sách theo đuổi mơ ước trở thành bác sĩ, họ có lường trước được hết dù chỉ một phần những nhọc nhằn mà tôi chứng kiến từ bố? Từ những đứa em, đứa cháu học Y?


Rồi bố tôi đột ngột mất vì ung thư gan. Giống như bầu trời bị xé toạc làm đôi trước mắt tôi vậy. Đọc những dòng học trò của bố viết lại, tôi biết rằng rằng dù 10 ngày cuối cùng chắc hẳn rất đau đớn, nhưng bố vẫn giảng dạy những tiết học ‘’Sao quá hay và ý nghĩa đến thế!’’. Đồng nghiệp của bố hôm trước vẫn còn được bố nhận lời chở ra sân bay. Khi ra mộ bố, người phụ nữ trông nghĩa trang cũng đến cùng tôi đốt lửa ấm cạnh mộ và kể lại rằng bố tôi là người nhân hậu lắm. Ngay trước chuyến đi khám bệnh cuối cùng, bố còn hứa sẽ về dẫn con bác đi chữa cho khỏi cái chân, nhưng không kịp rồi...Bố tôi đã sống vì mọi người đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời như thế đấy.


Tất cả những điều này để lại cho tôi rất nhiều phức cảm cho đến tận bây giờ. Hai năm đầu, một mặt tôi trở nên rất dễ xúc động và có thể khóc suốt đêm mà không lường trước. Mặt khác, tôi điên cuồng tập yoga và kiểm soát ăn uống. Trong tôi là một nỗi sợ lớn, sợ một ngày nào đó tôi sẽ mất tất cả vì một căn bệnh quái ác nào đó. Sao tôi có thể phó thác sức khoẻ, và theo đó là mơ ước và tương lai của mình cho ngành y tế chứ? Chính bản thân họ đang không chữa được cho chính mình và đồng nghiệp hay người nhà. Chính bản thân họ đang đánh mất đi rất nhiều hạnh phúc vì không thể thoát ra khỏi một hệ thống tốn kém, không hiệu quả. Cần phải nói thêm tôi không viết bài này để phê phán bất kì ai. Tôi kính trọng các bác sĩ giàu nghị lực, có lương tri khác như kính trọng bố mình! Nhưng...


Tôi phải tự quyết định sức khoẻ cho chính mình. Và làm điều đó ngay từ tuổi đôi mươi!


Tôi trở lại điều hành văn phòng của mình sau một tuần chịu tang, tạm gói lại những vết cắt trong lòng. Nhưng tôi không thể nào quên được lần cuối cùng tôi thấy bố, tôi đưa ông đến văn phòng để ông thấy những gì tôi đã đạt được chỉ một năm sau khi ra trường. Nhưng ông không tỏ vẻ ấn tượng mà trước khi ra về nhận xét 1 câu tôi không thể nào ngờ được: "Da con rất xấu, chắc chắn con có vấn đề về sức khoẻ rồi." Lúc đó tôi đã gạt đi như thể ông bị bệnh nghề nghiệp, nghĩ rằng bố à, con như thế này chưa đủ tốt với bố sao?


Nhớ lại, tôi ngay lập tức đi khám tổng quát. Nhưng hành lang bệnh viện sao mà dài và lạnh lẽo quá. Các bác sĩ nói rằng tôi không có bệnh, đi khám làm gì cơ chứ?! Tôi cũng không thể nào mong chờ người ta hỏi tôi rằng cháu có thực sự ổn không, tại sao mắt cháu thâm quầng như vậy. Tôi cười gượng khi vị bác sĩ nọ dặn: “Về bảo với bố là con khoẻ rồi nhé!”


Lái xe trên đường về tôi nghĩ: danh tiếng trên mặt báo, mức lương cao, hội hè miên man nơi phố thị...vô nghĩa và trống rỗng làm sao. Ngay sau khi tôi trả tiền thanh toán hay trở về từ một quán cafe, niềm vui sẽ nhanh chóng vụt tắt. Tôi trở về với căn phòng nhỏ như con hamster chui vào một chiếc hộp, đợi ngày mai đến rồi tiếp tục đạp cái bánh xe lớn của mình.


Tôi cũng biết những tổn thương tâm lý vẫn nằm đó, chỉ chờ ngày bùng phát. Và mất thêm một khoảng thời gian đi vô định nữa cho đến khi cùng người yêu đến Đà Lạt. Có chút gì đó trong tiếng thông reo, trong cách mặt trời chui qua những màn mây hư ảo mà toả ánh nắng sớm mỗi ngày khiến chúng tôi muốn dừng chân. Qua nhiều nhân duyên tốt lành, chúng tôi chuyển hẳn lên Đà Lạt và thuê được một căn nhà ngắm xuống thung lũng với rất nhiều chim - sóc, bên đồi dã quỳ vàng lộng lẫy.


Những nỗi sợ và tổn thương dần dần nguôi ngoai khi tại đây tôi cho phép mình thư giãn và tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng mỗi ngày. Chúng tôi vui lắm, chỉ bằng cách nhìn chú chim nhỏ đậu trên cành cây trước nhà, hay bằng cách đi đến một khu vườn organic lấy rau tươi về nấu ngay trưa hôm đó. Rồi chúng tôi tự trồng rau, làm nhà gỗ, mở một phòng trên airbnb đón khách nước ngoài, tổ chức dã ngoại, hái nấm, đốt lửa BBQ vào những đêm trăng sáng.

Nhưng đôi lúc, tôi vẫn băn khoăn về nghề nghiệp mình đang làm:


Tôi có đang làm việc hữu ích không? Có đang gián tiếp gây hại cho người khác không? Nghiệp quả gì tôi sẽ tạo ra qua công việc này?


Rồi một ngày sau khi nghỉ việc, tôi chợt nhớ đến khoá học dinh dưỡng mình từng tham dự của một Health Coach. Ngay sau khoảnh khắc nghĩ về công việc của một Health Coach và những gì nó mang lại, tôi đã biết mình cần đi theo con đường này. Đối với tôi, đó là một công việc mà đáp ứng đủ các điều kiện của một công việc mơ ước.Sau này, tôi được biết những tiêu chí mà tôi khao khát đã bổ sung cho những gì còn thiếu để tạo nên điều mà người Nhật gọi là Ikigai - "một lý do để sống".


Tôi biết mình ham mê nó: tôi đã đọc những bài viết về dinh dưỡng không mệt mỏi! Công việc của tôi còn đòi hỏi học rất nhiều những điều tôi hứng thú như tâm lý học, khoa học não bộ, kĩ năng coaching…


Tôi sử dụng được thế mạnh của mình hàng ngày, điều mà từ lâu tôi đã biết là yếu quyết cho một công việc hạnh phúc: nghiên cứu, chia sẻ, kể chuyện, sáng tạo nội dung và truyền cảm hứng.


Thế giới này cần nó và trả công cho nó: Nghề Health Coach đang được công nhận là giải quyết được nhiều vấn đề mà ngành y tế hiện vẫn đang bó tay (*). “Health” - Sức khoẻ ở đây là sự cân bằng toàn diện của Thân - Tâm - Trí. Sức khoẻ ở đây không phải là một mục tiêu ám ảnh, mà là phương tiện để theo đuổi ước mơ và sống cuộc đời chúng ta mong muốn.

Nhưng tất cả chỉ là lý thuyết nếu như tôi không thực sự làm được những điều mình nói. Tôi dành hẳn 1 năm nghỉ việc ở nhà mày mò nghiên cứu, thực hành quan sát nội tâm và kết nối với tự nhiên. Tôi chấp nhận trải qua nhiều vật lộn tâm lý và sức khoẻ, có những lúc phải nằm bẹp vì quá mệt hay lặng lẽ khóc khi đối diện nỗi đau. Tôi viết Nhật ký Biết ơn, tập trung vào những điều mình nhận được ngay sau khi cho đi. Chỉ bằng cách suy nghĩ tích cực, tôi thu hút những con người tích cực và những may mắn vào cuộc sống của mình.


Cho đến giờ, khi ngồi gõ những dòng này, tôi chưa bao giờ tự hào về bản thân mình hơn thế. Không phải tự hào vì tôi giỏi hơn ai mà tôi đã vượt qua chính mình của thời gian trước đó. Điểm lại, tôi đã làm được cho mình tất cả những điều tôi muốn làm cho người khác - tìm được một vòng tròn cuộc sống toàn vẹn.


“Walk the talk, Phuong, you must walk the talk.” --- Tôi đã luôn niệm thầm như vậy.


Trên con đường trở thành Health Coach, tôi học hàng trăm trường phái dinh dưỡng, khái niệm sức khoẻ từ những nhà giáo dục hàng đầu thế giới, học về thức ăn cơ thể cũng như thức ăn tinh thần. Nhưng sau cùng, người thầy lớn nhất của tôi là cơ thể mình, như một tiểu vũ trụ thuộc về một vũ trụ vĩ đại lớn lao hơn thế. Mà vũ trụ hoá ra luôn gửi đến cho tôi những tín hiệu, chỉ cần chú ý “đọc" được tôi tin mình sẽ đi đúng hướng cần đi. Tôi đã học cách lắng nghe cơ thể mình, dần dần tìm được sức khoẻ Thân - Tâm và cả gạch nối liên kết giữa hai điều đó. Tôi học được cách nhận diện được những thói quen tiêu cực trong suy nghĩ, quan sát nó thấu triệt và lấy lại từ nó quyền làm chủ chính mình. Tôi học được cách cân bằng mọi điều quan trọng với mình: công việc, các mối quan hệ, thực hành tâm linh, vận động, nấu nướng, chăm sóc vườn tược...và có được niềm giản dị mỗi ngày.

Tôi thấy năng lượng ngập tràn trong từng tế bào cơ thể cũng như niềm vui tràn ngập trong tâm hồn từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Tôi chưa bao giờ thấy tình yêu trong mình nhiều đến vậy: tôi chỉ muốn bung ra, san sẻ, đem tình yêu cho mọi người và cho thiên nhiên cuộc sống xung quanh. Tôi hòa giải với chính mình và chia sẻ câu chuyện trong sân khấu TEDx. Tôi tìm thấy cộng đồng mà mình muốn trở thành 1 phần trong đó và được đóng góp hữu ích cho họ.


Nhớ lại năm tôi học lớp 12, bố tôi về nhà nhiều lần để khuyên tôi thi Y để trở thành một người thầy chữa bệnh cho người khác. Tôi kiên quyết nói không vì không thể nào tìm đủ khả năng và động lực để làm điều đó. Để rồi cuộc sống dẫn tôi đi một đường vòng lớn trước khi tìm về đúng bản chất một công việc mà bố tôi đã ao ước cho tôi: Mang lại sức khoẻ cho người khác và có một cuộc sống yên ấm cho mình, làm một Health Coach.


Tôi tôn vinh bố mẹ mình bằng cách mang những giá trị họ trân trọng vào nghề nghiệp của mình:

  • Sự trung thực với chính bản thân mình và với người khác, nhất quán trong suy nghĩ và hành động.

  • Sự tận tâm với những người cần mình, kiến tạo những lợi ích chung

  • Sự can đảm đi theo con đường mình chọn, bằng cả khối óc và trái tim.

Tôi viết những dòng này với rất nhiều cân nhắc, bởi có nhiều chi tiết riêng tư thường tôi chỉ cất giấu trong tim mình. Nhưng tôi quyết định viết ra để trả lời câu hỏi “Tại sao?”, để làm rõ động lực và những cam kết nghề nghiệp với mình trước hết.


Đường còn dài, nhưng tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng cả vũ trụ sẽ hỗ trợ cho ta khi ta sống thuận tự nhiên và làm việc với mục đích chân chính.




----

Thông tin về đơn vị đào tạo Health Coach tại Hoa Kỳ nơi Phương từng theo học: https://sldr.page.link/jcfi

Mã Code giảm 15% khi đăng ký tất cả các chương trình của IIN: PHUONGXIIN


2,565 views

댓글 2개


Thu Đỗ Hà
Thu Đỗ Hà
2021년 5월 26일

Đây là bài viết em thích nhất trên blog của chị. Nói thế nào nhỉ, để có được bài viết ấy, đã có rất nhiều nỗ lực, quyết tâm và cả mạnh mẽ để từ bỏ những lối mòn cũ kỹ và can đảm dấn thân vào một con đường hoàn toàn mới, mông lung nhưng đầy ý nghĩa. Em cũng nhìn thấy một phần nào đó bản thân mình ở trong bài viết này. Em cũng đọc say mê những bài viết về dinh dưỡng, cũng có một trang IG nhỏ để đăng hình ảnh đồ ăn, và dẫu chỉ hơn 1000 fl với vài chục lượt Like/ bài, mỗi lần nấu ăn là một lần em dành hết…

좋아요
Nam Phương
Nam Phương
2021년 10월 22일
답글 상대:

Giờ chị mới thấy tin nhắn này của Hà ^^ chị cảm ơn em đã chia sẻ lại thật chi tiết nhé. Chị thấy rằng nếu mình ko dấn thân và kể cả ko can đảm thìcũng sẽ có những biến cố, sự kiện xảy ra buộc mình phải sống khác đi. Chị hy vọng em cũng sẽ đón nhận những điều đó và coi nó như là duyên thúc đẩy mình đi đến 1 lối mới phù hợp hơn, cho phép mình là-mình hơn.

좋아요
bottom of page