Blog/Posts
top of page
4 loại hạt tạo phước lành bền vững nhất

4 loại hạt tạo phước lành bền vững nhất

Nếu một ngày thấy cuộc sống nhàm chán, hãy biết rằng cuộc sống chẳng bao giờ có lỗi chi. Lỗi là ở cách mình đã sống, đã thấy, đã cảm - không được làm mới đã lâu rồi. Một căn nhà đẹp, một khu vườn đẹp đến đâu mà không ngày ngày được quét dọn, vun vén…thì sớm muộn cũng trở nên hoang tàn. Cũng như vậy với khu vườn của cơ thể, tâm trí và cả linh hồn …lần cuối ta chăm bón, vun bồi là khi nào? Lần cuối ta gieo hạt, ươm cây là khi nào? Nhiều người nói rằng mình đã có cuộc sống mà họ mơ ước. Rằng mình may mắn như thế nên mới có thể rảnh rang mà sống chậm. Thế mà cũng có nhiều lúc mình thấy không hài lòng các bạn ạ. Nhất là khi bộ phim trình chiều trong nội tâm con người thường hay theo tuyến kịch bản của những điều chưa-đủ, chưa-chắc, chưa-xứng…Nếu không nhận ra mà chỉnh sửa, “sống chậm" mà đầu liên tục nhảy số thì có huề vốn không? Mọi thứ chúng ta đang có hay không có đều xứng đáng với nhận thức và nỗ lực trước đó của ta. Trong kinh Đại Phước Đức (Mangalasutta), Bụt giảng về 38 loại hạt tốt đẹp mỗi người có thể gieo trồng cho khu vườn cuộc đời được ra hoa trái bền vững. Giống như một người làm vườn thuận tự nhiên & thông thái thường có quy hoạch cây gì tiên phong đi trước nhất để có thể sớm cho bóng mát & làm đất tốt, chúng ta cũng cần biết những loại hạt nào nên được gieo trước nhất để tạo điều kiện tối ưu nhất cho những cây còn lại theo sau. Trong kinh, có bốn loại nhân lành được gọi là “cỗ máy thành tựu bốn chi" ( sampatticakka). Trong đó, “cakka" được gọi là một hiện tượng tự nhiên có khả năng làm tiếp nối nguyên nhân - kết quả, như một cỗ máy đều đặn vận hành để phát khởi thuận lợi cho các nhân lành khác. Theo lời giảng của các thầy tổ, khi vận hành đồng bộ được cả bốn loại nói trên thì tất cả những an vui & hạnh phúc của con người có thể được thành tựu vững mạnh lâu dài như ý muốn. Đó là: 1. Cư trú nơi thích hợp: Chúng ta chú trọng sự phát triển ở khía cạnh nào, muốn công việc và cuộc sống được phát triển theo hướng ra sao? Từ đó mà chọn nơi cư trú thích hợp. Chú trọng phát triển kinh doanh thì ở nơi có nhiều điều kiện giao thương tốt, chú trọng khoẻ mạnh thì ở nơi có thời tiết ôn hoà, chú trọng học tập thì ở nơi có môi trường học tập & những vị thầy tốt…Nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng rất nhiều người đang sống ở nơi gây nhiều nghịch duyên cho sự phát triển của mình. Rồi quanh năm suốt tháng than thở và đổ lỗi cho nơi chốn đó: quá ô nhiễm, quá nhiều mối quan hệ độc hại, quá nhiều cám dỗ…và lấy đó làm cái cớ cho sự phát triển lệch lạc của mình. Hoặc cũng có người đang vì người khác mà cư trú nơi không thích hợp, ví dụ như chăm sóc cha mẹ đau bệnh hoặc cho con gần trường tốt. Lâu dài, ta thấy mình như một cái cây bị trồng lâu năm trong chậu, không có đủ đất để vươn rễ nên đành bó rễ lại và chấp nhận sự phát triển còi cọc của cành lá. Hãy luôn có một tầm nhìn dài hạn hơn giai đoạn hiện tại, và dần thiết lập các điều kiện để dần an trú được tại một nơi cư trú phù hợp hơn. Bên cạnh đó, hãy tự phản tư bằng câu thần chú “Có chắc không?” : Có chắc cho con học ở trường quốc tế xịn nơi thành phố thì tốt hơn là cho nó được gần gũi thiên nhiên? Có chắc để ba mẹ sống gần bệnh viện (để tiện khám chữa) thì tốt hơn là cho họ được về quê vui thú ruộng vườn? v.v… 2. Thân cận hiền nhân: Với mình, điều kiện này còn quan trọng hơn điều kiện trước. So với ngày xưa ở đâu thì giao tế chủ yếu với người nơi đó, ngày nay chúng ta có nhiều điều kiện để chủ động hơn thông qua Internet và các phương tiện đi khắp địa cầu. Hiền nhân có thể là các vị thầy, tiền bối, đồng nghiệp, bạn tốt, cộng đồng tử tế, tăng thân (đoàn thể những người cùng đi trên con đường thực tập) v.v…Từ họ mà ta định hình nên nhận thức, tư duy, được trao những cơ hội phát triển, được soi sáng và nâng đỡ, được…tát cho tỉnh ra khi lỡ mê muội, và được truyền cảm hứng từ chính thân giáo của họ. Mình có tiêu chí rất cao cho những người đồng hành cùng mình, vì khi đã chọn nhau rồi thì chúng ta cùng là vị thầy đáng kính của nhau. Là tấm gương để soi lại mình. Là một khoảng trời tri kỷ. Và ta không bao giờ được quên rằng có phước lắm mới gặp nhau! 3. Trước đã làm phước thiện công đức: Theo sau điều kiện vừa nói trên, chúng ta có khuynh hướng gieo trồng nhiều hạt phước lành khi gần những người cũng chăm chỉ gieo trồng trên ruộng phước của họ. Xã hội đầy rẫy những tiêu cực y như tình trạng ô nhiễm khắp toàn cầu. Thế nhưng thay vì than vãn với tình trạng chung ta đơn giản là có thể quay về vun trồng cho chính khu vườn của mình, làm phần mình trước? Thi thoảng mà thấy bản thân trở nên nhàm chán, chây ỳ, tiêu cực… mình cũng thường chủ động tìm đến với một người bạn nào đó có phẩm chất mà mình muốn được khơi dậy trở lại, rồi lại cùng họ làm những việc thiện lành khác. Trong buổi triển lãm ảnh Tĩnh Lặng năm trước, bài phát biểu của mình được đặt tên là “Mỗi thứ mình làm ra đều nhờ có cộng đồng" là vì vậy. Có những chuyến tu học, đi từ thiện, đi trồng cây…mình làm không phải vì mình có tâm cao thượng sẵn. Mà mình làm vì mình biết rằng cứ làm đi rồi tâm cao thượng mới được đánh thức trở lại. Quan hệ nhân quả có thể đảo ngược so với những gì ta từng nghĩ. 4. Thiết lập thân tâm chân chánh tốt lành: Kết hợp với những nhân lành nói trên, dần dần tâm ý của mình được nắn chỉnh đúng hướng, quan sát liên tục và sửa chữa thân tâm cho ngày một tốt đẹp hơn. Như thể sau một thời gian làm vườn và ta học hỏi và quan sát thấy ngày một rõ hơn điều kiện sinh trưởng của mỗi loại cây, rồi ngày càng biết cách đặt từng loại vào đúng điều kiện ánh sáng, độ ẩm, đất đai thích hợp. Đây là một quá trình dài hơi, đôi khi kết quả có thể khá chậm chạp. Tuy nhiên, dù ta có thể trông thấy bằng mắt thường hay không thì cây ngày nào cũng có rễ đan xuống đất chặt hơn một chút, cành lá cũng vươn lên thêm một chút…Đến lúc quên bẵng không thèm để ý nữa mà chỉ tập trung chăm bón khu vườn của mình mỗi ngày, thì đến thời điểm vô tình ra vườn, giật mình nhận thấy hoa trái tốt tươi tự lúc nào! Trong cỗ xe thành tựu bốn chi pháp này, số 4 là quan trọng nhất. Có những người đã gieo cả ba loại hạt trước, nhưng vì thiếu loại hạt số bốn mà cũng đi sai đường. Và ngược lại, có những người không thuận lợi trong việc gieo ba loại hạt trước, nhưng vì gieo loại số bốn này với tất cả lòng quyết tâm, kiên trì…thì cuối cùng cũng bù đắp được rất nhiều. Đọc đến đây, bạn thấy lòng khởi lên mong muốn gieo loại hạt nào mạnh mẽ, đều đặn hơn? Nguyện mong các bạn có duyên đọc được bài này có thêm cảm hứng gieo hạt & chăm sóc vườn tâm của mình đều đặn mỗi ngày. Viết theo lời dạy của Bụt và các thiền sư: Sayadaw U jotika, Sayadaw Nandamalabhivamsa, Thích Nhất Hạnh, cũng như cảm hứng từ Đất Mẹ vĩ đại.

3 bài học quan trọng sau một quãng nghỉ dài

3 bài học quan trọng sau một quãng nghỉ dài

Khi bắt đầu bước sang năm thứ 7 hành nghề toàn thời gian, mình có một nhu cầu cấp thiết là được làm mới lại mình. 7 năm là không dài nhưng cũng chẳng ngắn, một khi đã dốc toàn bộ trí óc lẫn con tim vào một nghề mà thuở khởi đầu chẳng mấy người biết. 7 năm đầy những khúc lên thác xuống ghềnh, một khi đã dấn thân vào tất cả mọi hình thái tự vạch lối tìm đường. 7 năm vừa qua như một bản nhạc có thăng có giáng, và rồi cũng có lúc cần nốt lặng sâu. Từ đầu 2023 đến đầu 2024 là hơn một năm mà mình liên tục có những quãng nghỉ dài, cứ 1-3 tháng/đợt để đi học thêm nghiệp vụ, thiền tập, chữa lành, du lịch, tham dự các hoạt động không liên quan đến công việc, khám phá lại bản thân… dù bên ngoài làm điều gì, mình cũng xác định tập trung vào điểm tựa bên trong mình. Sau đây là những bài học mình đúc rút lại về ý nghĩa của những quãng nghỉ trong thời gian qua: Nghỉ ngơi là để không bao giờ từ bỏ Rất nhiều người không dám nghỉ dài hơi, lúc thì bởi muốn tận dụng đà thuận lợi đi lên của công việc, lúc thì bởi càng khó khăn thì càng cảm thấy muốn vẫy vùng, thúc đẩy mình tìm ra giải pháp. Mỗi người một hoàn cảnh nên mình không đánh giá ai với quyết định của họ. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính , kiệt sức, chấn thương, bệnh tật nghiêm trọng đều là những thông điệp - à không, tiếng gào thét của cơ thể - rất cần được lắng nghe kịp thời. Nếu không, khả năng ta phải từ bỏ nghề mình từng tâm huyết là khá lớn. Lúc đó, “chuyến nghỉ” trở thành chuyến đi chữa bệnh, đi cấp cứu. Ta có thể bị bắt buộc phải về hưu sớm. Vốn biết bản thân từng là một người nghiện việc, mình phải tập tư duy “Nghỉ ngơi đúng lúc" - chỉ cần pin cạn xuống dưới 50% là phải nạp lại ngay lập tức. Ngay trong ca làm việc, trong ngày, trong tuần. Với mình, nghỉ ngơi là để không bao giờ phải từ bỏ con đường mình tin tưởng. Nghỉ ngơi là để đổ đầy trở lại không chỉ năng lượng của Thân, mà còn trở lại với Tâm ban đầu. Để rồi có thể trở lại một lần nữa và lần nữa, hào hứng khám phá và thử nghiệm. Nghỉ ngơi để rồi còn quay về với những mỏ neo sẵn có Nhiều người sợ những chuyến nghỉ dài vì khi trở lại phải lấy đà khá lâu, thậm chí cảm giác như phải làm lại từ đầu. Bản thân mình nhiều lúc cũng cảm thấy vậy, nên có thể nghỉ dài nhưng không…quá dài. Quãng nghỉ thường cũng được tính bao gồm cả những tuần khởi động trở lại, khi pin đã dần báo đã nạp đủ rên 80%. Mình cũng nhận ra rằng mình sẽ không mất thời gian lấy đà quá lâu nếu biết mỏ neo nằm ở đâu. Ở những tuần chuẩn bị quay trở lại toàn công suất, mình dần lấy lại nhịp điệu công việc thông qua việc quay lại với những hoạt động nhẹ nhàng, vui vẻ hoặc có tần suất nhịp nhàng. Ví dụ như mình sẽ khởi động lại với những buổi Q&A hàng tháng, ngoài vấn đáp với học viên mình còn dẫn thiền, tập khí công, điều phối vòng tròn chia sẻ. Trao tặng hoàn toàn miễn phí, miễn là được làm. Hoặc trở lại với nhịp ra đều đặn hàng tuần của một series podcast mới bằng một trailer ngắn…Cứ làm một điều gì đó cụ thể, đơn giản, không tốn quá nhiều sức lực, rồi từ từ mình sẽ thấy mình đang hoà trở lại dòng chảy cũ lúc nào không hay. Nghỉ ngơi là để tìm về những cội rễ vững chắc nhất Có rất nhiều điều có thể làm, cám dỗ có thể đi theo trong những chuyến nghỉ. Vì vậy, nếu không xác định rõ mục đích chính của bản thân, chuyến đi nghỉ dù dài hay ngắn cũng có thể trở thành uổng phí thời gian. Có một số người lười đi nghỉ vì không biết cách nghỉ sao cho không tốn sức. “Nghỉ ngơi kiểu ăn chơi” như party thâu đêm, dành quá nhiều thời gian lên MXH hay chụp ảnh…là những kiểu sẽ gây hao mòn còn hơn không nghỉ. Mỗi chuyến nghỉ ngơi của mình thường có một Danh sách không-làm , nếu có lần nào thấy mệt sau khi nghỉ thì thường là do không tuân thủ danh sách này - xem điện thoại quá nhiều trước khi đi ngủ. Mình đặt mục tiêu sao cho được không-làm-gì ở những thời điểm cụ thể nhất định, nghỉ sao cho đúc rút được những bài học cụ thể, làm chặt trở lại những kết nối với cả người thân lẫn chính mình, và đón những trải nghiệm khiến cho cuộc đời trở nên đáng sống… Trong tất cả những điều mình thu hái được sau những chuyến nghỉ dài, mình nhận ra quan trọng nhất là được tìm về nuôi dưỡng mình trong những cội rễ vững chắc nhất. Mỗi người đều không thể tự sinh ra và tự xây đắp mọi thứ một mình, chúng ta đều được truyền thừa những hạt giống của gia đình, tổ tiên, nền văn hoá và thậm chí là toàn bộ hành trình trước đó khi ta đi qua vô lượng kiếp sống. Nếu như vừa biết loại bỏ đi những điều không cần thiết và đồng thời biết đường quay về với những di sản sẵn có, ta giống như một nhành cây non mỏng manh nhưng lại được ghép vào bộ gốc vững chắc nhất. Nhành cây đó không phải dành rất nhiều năm để phát triển gốc rễ nữa, nó đơn giản là được thừa hưởng và nhận tối đa dưỡng chất. Những cội rễ mà bạn có thể quay về thừa hưởng là gì? Với mình, nó là: Truyền thống nghề của gia đình: Nghề của mình là “lai ghép" giữa hai cội cây ban đầu trong nghề lâu năm của bố và mẹ, những người có kinh nghiệm 30-40 năm trong nghề bác sĩ & giáo viên. Ngày xưa mình từng từ chối đi theo nghề của bố mẹ vì chưa có những ấn tượng đủ hấp dẫn, thế nhưng nhìn lại mình thấy những tinh hoa cũ vẫn đang được tiếp nối trong những hình hài mới. Bố mẹ để lại cho mình không chỉ gene di truyền, mà còn cả nguyên tắc, phẩm chất và tâm huyết của người hành nghề. Truyền thống đạo Bụt: Mình là một tâm hồn tự do nên cũng không tự nhiên chấp nhận một tôn giáo nào chỉ vì đó là truyền thống. Mình đã mở tâm và đi một vòng nghiên cứu, nếm trải nhiều thực hành tâm linh, theo tôn giáo lẫn phi tôn giáo. Mình nhìn ra được sự tương đồng lẫn khác biệt trong nhiều “con đường” khác nhau, dưới những cái tên và hình thái phong phú. Thế nhưng, mình vẫn tìm thấy được sự bình an lớn nhất trong tâm khi trở lại với truyền thống Đạo Bụt. Có những thực hành trước đây mình không thích thì đơn giản là không làm, nhưng giờ đây khi đã thấm thía thì mình có thể làm với tất cả sự chú tâm. Kho tổng nghiệp từ quá khứ: Có những gia tài mình được tự thân kế thừa từ hành động của chính mình ở những kiếp sống trước. Có khía cạnh trong cuộc sống mình thấy phước rất mỏng, liền nhắc mình phải “gầy vốn" lại dần dần. Nhưng cũng có những khía cạnh mà khi điểm lại thấy mình quá may mắn, mình liền nhắc mình phải biết ơn & thể hiện sự biết ơn đó một cách rõ ràng. Dù thế nào đi chăng nữa, mình cũng cảm thấy rất công bằng và xứng đáng với những gì bản thân đang có hay không có. Thừa hưởng rồi có thể tiếp nối các truyền thống đó như thế nào để không gây uổng phí, để tiếp tục để lại những gì đẹp nhất cho thế hệ sau? Đó là một câu hỏi lớn khác mà câu trả lời sẽ nằm trong cách mình sống, cách mình làm nghề và cách mình liên hệ với cộng đồng trong giai đoạn tới. Chúc các bạn có những chuyến nghỉ ngơi kịp thời và có thể quay về nương náu vào những cội rễ vững chắc nhất.

Cuộc hội ngộ với người thầy chữa tuyệt vời nhất

Cuộc hội ngộ với người thầy chữa tuyệt vời nhất

Kể từ năm ngoái, mình luôn ấp ủ về chuỗi trò chuyện với những người thầy chữa đã hỗ trợ cho mình trong giai đoạn lao đao vì bệnh tật tầm cuối 2022 - đầu 2023. Ở những buổi này, vừa có họ là người thầy cung cấp kiến thức & kinh nghiệm hành nghề lâu năm, vừa có mình trong vai bệnh nhân đã hồi phục, chia sẻ lại kinh nghiệm đi qua đau thương và trở lại sống vui - khoẻ - có ích :). Thế rồi, có vẻ như mình còn đang có dịp kết hợp với họ làm các chuyến nghỉ dưỡng thanh lọc thân-tâm, như  những đồng sự có ân tình với nhau. Dù đã trải nghiệm cùng rất nhiều các cao thủ từ đủ các môn phái, có một người mà mình đặc biệt yêu quý và tin tưởng. Đó là anh Đỗ Mạnh Cường - người thầy chữa mà mình sẽ kể về nhân duyên gặp gỡ trong blog này.  Từ những ca bệnh lúc nửa đêm... Cuối năm 2022, sau khi ngẫu hứng đi vào một vùng núi hoang vắng tại Cao Phạ (Yên Bái) và ngồi thiền trong đó, mình trở về và bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi. Tưởng rằng chỉ là cơn cúm thông thường nên mình vẫn lên xe để đi tiếp qua Hà Giang vì đã có hẹn thăm một người bạn ở đó. Thế rồi mình sốt luôn trên chuyến xe và đến nơi thì nằm bẹp dúm ở khu phòng chung tại một hostel của chị bạn suốt cả tuần sau đó. Mình tự làm các biện pháp chăm sóc cổ truyền như cạo gió, nấu nước xông hơi và sau đó được một y sĩ truyền nước, nhưng cơn sốt lạnh không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí, mình cảm thấy nó là một đợt ốm bất bình thường nhất mà mình từng gặp nhưng chưa thể lý giải tại sao. Thế rồi một người bạn thân của mình đã liên hệ đến anh Cường, vốn là…bạn của bạn. Mình lúc ấy cũng chỉ biết đến anh như một vị thầy thuốc Đông Y và thậm chí đã nảy sinh nghi ngờ là không biết Đông Y mà hỗ trợ từ xa thì có…”xi nhê" gì không? Thế nhưng vì không còn lựa chọn nào khác, mình trao đổi với anh qua zalo,  mô tả triệu chứng và gửi hình ảnh lưỡi, mặt v.v…để anh chẩn đoán. Ban đầu anh dạy mình nhấn vào một số huyệt và dán cao. Tuy nhiên sau đó, anh mới nói: “Để anh truyền thêm năng lượng cho em”. Đến lúc này thì mình mới biết anh có khả năng nằm ngoài giới hạn Đông Y (ít nhất là theo ấn tượng hạn hẹp của mình lúc đó về Đông Y truyền thống. Và thế là liên tiếp mấy ngày liền, cứ đến nửa đêm là anh hướng dẫn cho mình đọc một câu khẩu quyết rồi nằm buông thư, để anh tự làm. Mình nằm thấy êm ru, không cảm thấy gì quá nhiều. Chỉ đợi đến khi anh nhắn xong là biết xong. Rồi cứ thế đi ngủ. Những ngày được anh truyền năng lượng, sáng dậy mình thấy cắt sốt và khoẻ ra. Dựa trên kết quả đó mà mình thấy rất tin tưởng anh. Chỉ thấy áy náy là ngày nào anh cũng làm việc đến khuya rồi còn phải hỗ trợ mình lúc nửa đêm, như vậy không biết có mệt mỏi quá không? Anh thì vô tư, cứ nói không sao đâu đừng ngại. Mình nghĩ là vậy, nhưng do quá yếu ớt nên mình đành nhận sự trợ giúp của anh cho đến khi hồi phục nhiều phần và trở về được Đà Lạt. Hai anh em cũng chưa có dịp gặp mặt vì mình đi thẳng ra sân bay. ... Đến cuộc hạnh ngộ cùng người anh đồng Đạo Như một chuỗi domino đổ xuống, vấn đề cấp tính nói trên dường như đã kích hoạt và đẩy những tồn đọng lâu năm khác đi lên. Sau khi về Đà Lạt, mình tiếp tục phải đối diện với hàng loạt vấn đề - không chỉ Thân bệnh mà còn Tâm bệnh, thậm chí Nghiệp bệnh đổ đến. Từ một người vốn làm HLV Sức khỏe toàn diện và khá tự tin vào sự cân bằng của bản thân do trước đây rất ít ốm đau hay thậm chí không có những triệu chứng lặt vặt, thì nay mình phải dành toàn thời gian đi chữa bệnh cho chính mình: từ việc vận dụng hết các phương cách tự chữa lành cho đến gặp nhiều nhà trị liệu khác nhau, không thiếu một món gì. Ngay cả học viên trong các khoá của mình cũng có nhiều bác sĩ Đông Y lẫn Tây Y, họ cũng gửi cho mình các hướng dẫn như họ biết. Mình từng chia sẻ về từng bước chân trên hành trình này khá nhiều trong các bài viết và series podcast Hành trình chữa lành , bởi đi đến đâu cũng có những bài học được đúc rút. Trong quá trình này, do ngại làm phiền người anh bận rộn nên thi thoảng mình mới liên hệ với anh Cường. Một thời gian sau, hai anh em biết thêm về nhau thì cả hai đều bất ngờ. Với mình, bất ngờ nhất là biết anh từng xuất gia tại một tịnh xá ở Lâm Đồng và cũng từng…lang thang tu học trong núi rừng như mình. Nhờ đó mà anh cũng có kinh nghiệm chỉ lại cho mình để lần sau nếu có nổi máu đua theo các bậc chân tu thì biết lượng sức hơn =)) Với anh, anh rất bất ngờ vì khi anh chia sẻ với bạn bè, bệnh nhân và cả chị vợ thì hoá ra họ đều có biết đến hoặc thậm chí theo dõi kênh của mình một thời gian. Hai anh em khi chia sẻ về thiền và ứng dụng thiền trong Y Đạo & cuộc sống thì rất tương thông. Qua đến tháng 3/2023 khi mình có dịp đi một khoá đào tạo rồi ghé về Hà Nội, mình mới được gặp anh trực tiếp ở phòng khám tại nhà. Nghĩ là qua thăm anh thôi, ai dè không tính nhưng cũng tiếp tục được anh khám chữa, nắn chỉnh cho. Đúng là…cao thủ không bằng tranh thủ, hehe.  Cảm động nhất là trước khi về, anh còn gói theo cho mình đủ thứ trợ phương do tự anh bào chế. Món nào sau này mình cũng rất thích dùng: thảo dược ngâm chân, tử vân cao, thuốc phòng ngừa cảm cúm, thậm chí cả dụng cụ v.v… Anh tiễn mình về, nói rằng anh cảm nhận mình là một người có tu học thực sự và rất vui khi được kết nối với một người bạn đồng Đạo.  Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa Kể từ lần đầu hạnh ngộ trực tiếp cho đến nay đã hơn một năm, cả hai đều đã đi tiếp được một chặng đường nữa. Trong suốt quá trình đó, cả hai vẫn tiếp tục hành nghề và vẫn phần nào dõi theo nhau từ xa qua những người bạn thân quen hay món quà tri ân gửi đến.  Để rồi đến năm nay, mình phát khởi tâm niệm muốn làm 4 kỳ retreat theo 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông và chọn chủ đề Báo Đáp Ân Tình cho mùa xuân. Dù đã nhiều lần làm retreat nhưng vì là lần đầu thiết kế lộ trình cho cả các bậc phụ huynh, mình cảm thấy…hơi rén. Bởi bất cứ một nhà chuyên môn nào cũng không thể tự tin nói rằng mình có thể hỗ trợ tốt cho tất cả mọi người. Nhất là với thế hệ đã sinh tồn qua chiến tranh và nhiều gian truân khác, họ thường chưa đủ duyên để huân tập những thói quen “healthy" hay “đi chữa lành”, “phát triển bản thân" như thế hệ trẻ hơn. Thân bệnh thường là biểu hiện ra từ tâm bệnh & nghiệp bệnh. Thế nên nếu muốn thực sự hỗ trợ từ gốc, cần phải đảm bảo rằng người thầy chữa phải dung hoà được rất nhiều yếu tố: Chuyên môn chữa bệnh sâu dày, có nhiều kinh nghiệm trong cả phòng ngừa lần chữa trị cho không chỉ người chưa-già mà còn cả với người lớn tuổi Hiểu rõ ưu-nhược của các trường phái điều trị khác nhau mà không có óc phân biệt, phê phán “phái bên kia" Hiểu về “chữa lành" một cách toàn diện trong tất cả các khía cạnh thể chất - tinh thần - năng lượng…, lẫn các khía cạnh khá tinh vi như nhân-quả. Bản thân chính người đó có lối sống lành mạnh, cân bằng Hiểu rõ điểm giao thoa của Y và Đạo, tích hợp thêm với việc hướng dẫn người bệnh chủ động xây dựng thói quen sống đúng đắn Có phẩm chất tốt thông qua tiến trình tu tập. Thậm chí có khả năng khéo léo ứng dụng chánh niệm vào công việc của mình lẫn hướng dẫn ngược lại cho bệnh nhân…để họ tự ý thức dần về gốc bệnh và tự chịu trách nhiệm sửa đổi dần… Tiêu chí cuối rất quan trọng. Bản thân mình đã từng gặp một số nhà trị liệu do không tu tập nên có những hành xử gây tác dụng ngược cho người bệnh, thậm chí mình từng cảm thấy như thể bị…sang chấn tâm lý khi gặp nhà trị liệu mà chính bản thân họ đang có khổ đau chưa thể chuyển hoá.  Khi rà lại các tiêu chí nói trên, ngoài các vị thầy lớn nay đã cao niên, anh Cường là người hiếm hoi mà mình cảm thấy tin tưởng đạt được các tiêu chí nói trên. Mình liền liên hệ đặt vấn đề, và  cảm thấy vui sướng vô cùng khi được anh đồng ý tham gia trong cả hai giai đoạn của chương trình: Giai đoạn 1, cùng giảng dạy và khám bệnh cho mọi người trong retreat tại Đà Lạt Giai đoạn 2, cùng mình đồng hành với người tham gia dưới hình thức khai vấn nhóm để đảm bảo duy trì thực hành khi mọi người đã trở về. Bởi anh từng tu học tại Đà Lạt, đây cũng là dịp mà anh quay trở về thăm lại chốn xưa. Mình mong được cùng anh gặp mặt trong môi trường tu học, cũng như gặp gỡ trao đổi chuyên môn & đam mê Y-Đạo với các bạn hữu trong giới trị liệu & tu học tại cộng đồng mình đang sống. – – - [LIVESTREAM] ĐÔNG Y BỎ TÚI - HIỂU ĐỂ TỰ LÀM THẦY THUỐC CHO CHÍNH MÌNH Trước khi gặp gỡ trở lại như những đồng sự chính thức, anh Cường & team Nam Phương quyết định đóng góp cho cộng đồng một kỳ livestream nhằm giúp mọi người: Hiểu thân bệnh & tâm bệnh qua góc nhìn nhân quả công minh Thay đổi tâm thế từ lệ thuộc sang chủ động trong chăm sóc sức khoẻ Biết cách kết hợp những biện pháp dưỡng sinh, trị bệnh và phục hồi tự nhiên để hỗ trợ thêm cho phương pháp điều trị vốn được coi là “chính thống”  Tham khảo kinh nghiệm đồng hành cùng cha mẹ trong quá trình chăm sóc sức khoẻ & tu tập. Livestream diễn ra vào 8-9.30pm tối ngày 23/03/2024 trên các kênh Health Coach Nam Phương và Youtube Chầm Chậm Mà Sống.    Nếu bạn muốn đặt câu hỏi trực tiếp với anh em mình trong phòng zoom, xin mời đăng ký tại FORM NÀY  để nhận link tham gia. Không bắt buộc nhưng cùng ngồi giao lưu trong phòng Zoom và được tư vấn trực tiếp sẽ giúp bạn hoàn toàn tập trung, không xao nhãng, và được ưu tiên hỗ trợ tư vấn tối ưu nhất. Anh em mình cùng hẹn gặp các bạn hữu duyên tại đây nhé!

Tiềm năng mới của giấc ngủ (khám phá não bộ trong thực hành Yoga Nidra)

Tiềm năng mới của giấc ngủ (khám phá não bộ trong thực hành Yoga Nidra)

Khái niệm Yoga Nidra - “giấc ngủ tỉnh thức”, có thể gây bối rối và mơ hồ với rất nhiều người. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của những thí nghiệm, các nhà khoa học đã “kể lại” một cách hiệu quả và trực quan về hoạt động của bộ não trong thực hành này. Đó là cả một hành trình kỳ diệu và tuyệt vời, đang chờ bạn khám phá trong sự thư giãn. Điều gì xảy ra khi chúng ta say ngủ? Ngủ là một trạng thái nghỉ ngơi và thư giãn tự nhiên diễn ra theo chu kỳ của cơ thể và tâm trí, được mô tả bởi sự vắng mặt của suy nghĩ ý thức, cảm giác và vận động. Khi ý thức tách rời các cơ quan này thì sự kết nối giữa phần não bộ cảm giác, vận động và môi trường bên ngoài bị gián đoạn. Và khi điều đó xảy ra, ý thức dần thu rút lại và đi vào bên trong nguồn cội. Nghiên cứu chỉ ra rằng trong suốt thời gian này, hệ thống các giác quan tự động thu rút theo thứ tự khi ý thức từ từ trực tiếp đi vào bên trong của tâm trí. Theo nghiên cứu, khứu giác là cơ quan đầu tiên thu rút. Theo sau khứu giác là vị giác, tiếp đến là thị giác, rồi là xúc giác và cuối cùng là thính giác. Các giác quan này lần lượt kết nối với hệ thống luân xa theo triết lý Tantra của người Ấn Độ. Chúng ta có thể hiểu rằng Yoga Nidra tương ứng với trạng thái ngủ, trên lằn ranh giới giữa thức và mơ. Các thiền giả, các nhà tâm sinh lý học đều nhận ra sự hiện hữu của ba trạng thái ý thức nền tảng khác biệt. Đó là trạng thái thức, mơ và ngủ sâu. Mỗi một trạng thái ý thức này, cũng như trạng thái nằm trên lằn ranh của Yoga Nidra, có liên quan đến những mô hình khác biệt của hoạt động xung điện não. STT Trạng thái ý thức Chiều kích tâm lý Kiểu sóng não Địa hạt trải nghiệm 1 Thức Ý thức Beta (13 – 20 c.p.s) Nhận thức giác quan, những trải nghiệm hướng ngoại 2 Yoga Nidra Siêu ý thức (turiya), trên bờ ranh giới giữa thức và mơ Alpha (8-12 c.p.s) Thư giãn sâu, mơ có ý thức, nguyên mẫu hình ảnh 3 Mơ Tiềm thức Theta (4-7 c.p.s) Giải phóng cảm xúc, những nỗi sợ và khát khao đè nén 4 Ngủ sâu Vô thức Delta (0-4 c.p.s) Bản năng và những khát khao nguyên thủy thức dậy Ở giữa giai đoạn tỉnh và mơ, có một dải nhận thức và trải nghiệm khác biệt và quan trọng. Trạng thái thoáng qua này hiếm khi kéo dài quá 3 đến 5 phút, tương ứng với nhịp điệu sóng alpha hoạt động (với tần số 7-12 bước sóng mỗi giây). Khi trạng thái tỉnh của thực tại tan biến, thì trải nghiệm của trạng thái mơ thay thế chúng. Yoga Nidra xảy ra ở ngưỡng của ý thức cảm giác và ý thức ngủ này. Nó được mở ra khi ta biết học cách nới dài khoảng thời gian của trạng thái nửa tỉnh nửa mơ ngắn ngủi này trước khi rơi vào giấc ngủ bình thường. Trong Yoga Nidra, ta cô lập não bộ và trở nên hướng nội, trong khi đó vẫn duy trì nhận thức ở một mức độ nhất định để bằng cách lắng nghe và tự động làm theo lời hướng dẫn. Bằng cách duy trì sự nhận biết và tỉnh thức trong giai đoạn nhip điệu sóng alpha chiếm ưu thế này, ta sẽ có được sự trải nghiệm thư giãn hoàn toàn. Điều này không chỉ có lợi hơn so với giấc ngủ thông thường mà còn mở ra một cánh cửa dẫn đến nhận thức cao hơn. Lợi ích của thực hành Yoga Nidra dưới góc nhìn khoa học Giải tỏa căng thẳng Trạng thái Yoga Nidra cho thấy phản ứng tích hợp của vùng dưới đồi, dẫn đến giảm hoạt động thần kinh giao cảm (hưng phấn) và làm tăng chức năng phó giao cảm (thư giãn). Phản ứng thư giãn này có thể được xem là phản ứng nghịch đảo của phản ứng gọi là “chiến hoặc chạy” - trạng thái phòng vệ ngay lập tức khi đối phó với những nguy hiểm sắp xảy ra. Đó là dấu vết tiến hóa của cuộc sống bộ lạc thuở sơ khai khi sự sinh tồn của con người liên tục bị đe dọa. Mức độ thư giãn đạt được trong Yoga Nidra phần nào giúp giảm bớt tác hại của phản ứng chiến hoặc chạy. Nghiên cứu chỉ ra rằng thực hành Yoga Nidra thường xuyên làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở bệnh nhân cao huyết áp, đồng thời làm thay thay đổi mức độ lưu thông của các hóc môn căng thẳng, adrenaline và cortisol được tiết ra ở tuyến thượng thận. Ứng dụng trị liệu Yoga Nidra có thể được sử dụng độc lập, hoặc kết hợp với các hình thức trị liệu y tế thông thường khác. Nó hữu ích trong cả tình trạng cấp tính và mãn tính, đặc biệt là trong các tình trạng thoái hóa và liên quan đến căng thẳng như tăng huyết áp, bệnh mạch vành và viêm khớp. Các bệnh liên quan đến yếu tố tâm thần cao như hen suyễn, loét dạ dày tá tràng và đau nửa đầu phản ứng tốt với liệu pháp Yoga Nidra. Rối loạn tâm lý Trong Yoga Nidra, tiềm thức được khai thác, giống như dầu thô được đưa lên bề mặt của một giếng dầu. Những chất liệu bị đè nén trước đây, là nguồn gốc của nỗi đau tinh thần và hành vi sai lầm, được phép tự phát triển thành nhận thức, nơi nó có thể được tái hiện và tái hòa nhập vào nhân cách một cách có ý thức. Tự nhận ra và giảm bớt phản ứng nhạy cảm với những ký ức đau buồn sẽ xảy ra sau đó một cách tự phát. Trong các nghiên cứu được thực hiện ở Hoa Kỳ và Châu Âu, những đứa trẻ hiếu động được dạy Yoga Nidra cho thấy mức độ hiếu động giảm đáng kể, cải thiện khả năng chú ý, giảm bồn chồn và hành động tự phát. Kỹ thuật này đã được áp dụng trong các lĩnh vực khác của tâm lý trẻ em, bao gồm thiếu thốn tình cảm và khuyết tật, và rối loạn hành vi, với kết quả sơ bộ rất khả quan. Mất ngủ Không có gì ngạc nhiên khi Yoga Nidra là một phương pháp điều trị thành công chứng mất ngủ, hoặc giảm thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ. Những người từng bị chứng mất ngủ tập Yoga Nidra trước khi đi ngủ cho biết họ thường chìm vào giấc ngủ trong khi luyện tập. Nghiện ma túy và nghiện rượu Bằng cách giảm bớt những xung đột và căng thẳng sâu trong tâm trí, Yoga Nidra thúc đẩy cảm giác hạnh phúc nói chung, giúp hạn chế tiêu thụ quá nhiều cà phê, thuốc lá và rượu 15 cũng như hỗ trợ trong việc kiểm soát lạm dụng và nghiện ma túy. Bệnh mãn tính Trong một nghiên cứu được thực hiện với những bệnh nhân bị khuyết tật nặng và lâu dài, tại Trung tâm Y tế Đại học California ở Davis (Mỹ), các nhà nghiên cứu kết luận rằng Yoga Nidra có thể áp dụng cho những bệnh nhân nằm liệt giường, mất khả năng vận động và mắc bệnh mãn tính ở mọi mức độ. Báo cáo chỉ ra rằng Yoga Nidra có thể cải thiện cuộc sống của những bệnh nhân này theo một số cách cụ thể: • Giảm chứng mất ngủ và rối loạn giấc ngủ. • Duy trì cơn đau vừa phải nằm ngoài nhận thức có ý thức • Giảm bớt một phần cảm giác tuyệt vọng và trầm cảm vốn thường làm phức tạp triển vọng điều trị bệnh mãn tính. • Giảm nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc an thần. Yoga Nidra còn có tiềm năng hỗ trợ cải thiện nhiều rối loạn thể chất khác bao gồm hen phế quản, viêm đại tràng và loét dạ dày tá tràng, tim mạch và ung thư. Khai phá tiềm năng học hỏi & sáng tạo Những thí nghiệm ngày nay tiết lộ rằng Yoga Nidra còn là một phương tiện hiệu quả để nâng cao năng lực học tập. Có nhiều quá trình khác nhau mà thông qua đó, kiến thức được gieo mầm trong não bộ con người. Trong hầu hết những phương thức này, việc học tập hầu hết vẫn diễn ra ở cấp độ trí óc. Tuy nhiên, trong hệ thống yogic, quá trình thấm nhuần kiến thức là một việc tự phát, diễn ra ở tầng sâu hơn của tâm trí. Yoga Nidra là một phương thức đã được nhiều nhà giáo dục tiên phong áp dụng như một phương tiện cải thiện khả năng ghi nhớ có ý thức và do đó, tăng cường chức năng não bộ và khả năng học tập. Có hai yếu tố liên quan đến quá trình ghi nhớ, đầu tiên là khả năng hấp thụ thông tin của não bộ và thứ hai là khả năng ghi nhớ thông tin sau đó. Yoga Nidra có tác dụng trên cả hai yếu tố này bằng cách thiết lập một trạng thái tiếp thu tối đa trong tiềm thức đi cùng với trạng thái nhận thức kèm theo. Thực hành Yoga Nidra mở ra một khái niệm mới mẻ và đầy sức hút: học-tập-không-nỗ-lực. Các nhà cách mạng giáo dục như Tiến sỹ Georgi Lozanov, một nhà tâm lý học người Bulgary, cũng là nhà sáng lập – giám đốc Học viện Suggestopedy ở Sofia, hiện nay sử dụng Yoga idra để tạo ra một bầu không khí mà trong đó, kiến thức có thể thu nhận được không cần nỗ lực và sau đó có thể được đánh thức lại mà không gặp phải rào cản nào. Sử dụng kỹ thuật này, Lozanov có thể dạy một ngoại ngữ bằng 1/5 số thời gian dạy trong một lớp học thông thường! Phát triển tâm linh Mục tiêu cuối cùng của Yoga Nidra không chỉ đơn thuần là chống lại những ảnh hưởng của căng thẳng và điều chỉnh sự mất cân bằng xảy ra do sự suy yếu của hệ thống kiểm soát căng thẳng. Những bậc hiền triết, những người đầu tiên xây dựng phương pháp này không quan tâm đến sự phức tạp của cuộc sống hiện đại. Họ nghĩ ra Yoga Nidra như một con đường để đạt được sự tự nhận thức, samadhi. Samadhi là một trạng thái chuyển động chủ động và không ngừng của dòng chảy tự ý thức. Cái nhìn thoáng qua về samadhi có thể đạt được bởi những người thực hành Yoga Nidra là đủ để biến người thực hành từ một nạn nhân của căng thẳng trở thành một người chiến thắng trong cuộc sống. Đây là một bí mật tuyệt vời của Yoga Nidra. [Nguồn: Lược trích từ sách YOGA NIDRA - Swami Satyananda Saraswati]

Thiền & nghệ thuật bảo hộ hành tinh (mở đầu)

Thiền & nghệ thuật bảo hộ hành tinh (mở đầu)

Vẻ đẹp của Trái Đất là một tiếng chuông Chánh niệm. Nếu bạn không thể thấy điều đó, bạn phải tự hỏi bản thân tại sao. Có lẽ điều gì đó đang cản đường. Hay có lẽ bạn quá bận rộn tìm kiếm một điều gì đó khác đến mức bạn không thể nghe thấy tiếng gọi của Trái Đất. Đất Mẹ đang nói, “Con của ta, ta ở đây cho con; Ta tặng tất cả những điều này cho con.” Đúng như vậy: những tia nắng mặt trời, những tiếng chim ca vang, những dòng suối trong, cây đào nở rộ vào mùa xuân, và vẻ đẹp của cả bốn mùa - tất cả đều ở đây cho bạn. Và, nếu bạn không thể nhìn hoặc nghe thấy chúng, đó là bởi vì tâm trí của bạn đã đầy ứ. Đất Mẹ đang nói với bạn rằng bà ở đó và bà yêu bạn. Mỗi bông hoa đều là một nụ cười của Đất Mẹ. Bà đang cười với bạn, và bạn không muốn trao lại nụ cười. Trái cây đang nằm trong tay bạn - có thể đó là một trái cam hay một trái kiwi - là một món quà của Đất Mẹ. Nhưng nếu bạn không cảm thấy biết ơn, đó là bởi vì bạn không có ở đó cho Đất Mẹ, cho cuộc sống. Một điều kiện thiết yếu để có thể nghe thấy tiếng gọi của Đất Mẹ và hồi đáp lại bà là sự tĩnh lặng. Nếu bạn không có tĩnh lặng bên trong mình, bạn không thể nghe thấy tiếng gọi của bà. Bạn còn chẳng có thời gian để nghe được nhịp đập trái tim mình. Chánh niệm giúp chúng ta ngừng xao nhãng và quay trở về với hơi thở của mình. Khi chú ý chỉ dành cho hơi thở vào và hơi thở ra, ta ngừng suy nghĩ và, chỉ trong một vài giây, ta thức tỉnh trước sự thực là ta đang còn sống, chúng ta thở vào, và ta ở đây. Ta tồn tại. Ta đâu phải là không tồn tại. “Ahhh", ta đã nhận ra. “Tôi ở đây, còn sống.” Ta ngừng nghĩ về quá khứ, ta ngừng lo lắng về tương lai, ta chỉ tập trung toàn bộ tâm ý vào sự thật là ta đang thở. Nhờ có hơi thở chánh niệm của mình mà chúng ta đạt đến tự do. Chúng ta tự do để có mặt ở đây: tự do khỏi suy nghĩ, lo âu, sợ hãi và cố sức. Khi ta tự do, ta có thể trả lời tiếng gọi của Đất Mẹ. “Con ở đây, con là một người con của mẹ.” Ta nhận ra ta là một phần của nhiệm màu. Và ta có thể nói, “Con đã có tự do: tự do thoát khỏi mọi điều đã ngăn con không sống trọn vẹn. Và mẹ có thể trông cậy vào con.” Khi bạn tỉnh giấc và bạn thấy rằng Đất Mẹ không chỉ là môi trường, Đất Mẹ là chúng ta, bạn chạm vào tự tính của tính Tương tức (Interbeing). Và vào thời khắc đó bạn có thể có giao tiếp thực sự với Đất Mẹ. Đây là hình thức cầu nguyện cao nhất. Trong mối quan hệ như vậy, bạn sẽ có tình yêu, sức mạnh, và sự thức tỉnh mà bạn cần để thay đổi cuộc đời mình. Sự thực là nhiều người chúng ta đã tự tách mình khỏi Đất Mẹ. Ta quên rằng ta còn sống, ở đây, trên một hành tinh xinh đẹp và rằng cơ thể ta là một điều kỳ diệu được trao tặng cho ta bởi Đất Mẹ và toàn thể vũ trụ. Đất Mẹ có khả năng trao tặng sự sống là bởi vì bà, cũng như ta, có những yếu tố phi-Đất trong bà, bao gồm mặt trời và các vì sao. Loài người được tạo ra bởi các vì sao. Đất Mẹ không chỉ là Đất Mẹ mà còn là cả vũ trụ. Chỉ khi bạn có chánh kiến (cái thấy đúng) này, tuệ giác này, thì khi đó sự phân biệt không còn ở đó, và sẽ có liên hệ sâu sắc, truyền thông sâu sắc giữa bạn và Đất Mẹ. Tất cả những điều tốt đẹp sẽ nảy sinh từ đây. Bạn vươn ra khỏi cái nhìn nhị nguyên khi quan sát mọi vật: ý niệm cho rằng Trái Đất chỉ là môi trường, và bạn ở trong trung tâm; rằng bạn chỉ muốn làm gì đó cho Đất Mẹ để mà bạn có thể tồn tại. Khi bạn thở vào và bạn trở nên ý thức về cơ thể bạn, và nhìn sâu vào cơ thể bạn, và nhận ra rằng bạn là Đất Mẹ, rằng ý thức của bạn cũng là ý thức của Đất Mẹ, điều có thể trở thành một ý thức được giải phóng, tự do khỏi những kỳ thị và tà kiến, bạn đang làm điều mà Đất Mẹ đang mong chờ bạn làm: bạn giác ngộ, trở thành một vị Phật, từ đó bạn có thể giúp đỡ muôn loài chúng sinh, không chỉ trên Trái Đất mà thậm chí, cuối cùng là, trên các hành tinh khác. Thế hệ của tôi đã gây ra nhiều lỗi lầm. Chúng tôi đã vay mượn hành tinh này từ bạn, và chúng tôi đã gây ra những thiệt hại và tàn phá lớn. Trao lại hành tinh cho bạn bây giờ, chúng tôi thấy xấu hổ. Không phải do chúng tôi mong muốn như vậy. Bạn đang nhận một hành tinh xinh đẹp nhưng lại bị tàn phá và bị thương. Chúng tôi xin lỗi. Là một người thuộc về thế hệ trước, tôi hy vọng thế hệ trẻ có thể tiến lên sớm nhất có thể. Hành tinh này thuộc về bạn, thuộc về các thế hệ tương lai. Vận mệnh của bạn và vận mệnh của hành tinh này nằm trong tay các bạn. Nền văn minh của chúng tôi là một nền văn minh vay mượn. Bất cứ khi nào chúng tôi muốn có điều gì đó mà chưa thể chi trả, như một căn nhà hay một cái xe, chúng tôi liền trông chờ cơ thể và công lao động của chúng tôi trong tương lai sẽ trả món nợ đó. Chúng tôi cứ vay mượn và vay mượn mà không biết liệu mình có thể trả lại hay không. Theo cách này, chúng tôi đang nợ chính mình, mượn từ sức khoẻ của chúng tôi và từ hành tinh. Nhưng hành tinh này không còn có thể chịu nổi nữa. Và chúng tôi đã vay mượn quá nhiều từ bạn, những người con và cháu của chúng tôi. Hành tinh này và những thế hệ tương lai cũng là chúng tôi; chúng ta không hề tách biệt. Hành tinh này là chúng tôi, và bạn cũng là chúng tôi. Sự thực là chúng tôi chẳng còn lại bao nhiêu nữa. Điều rất quan trọng là phải tỉnh giấc và thấy được rằng chúng ta không cần vay mượn thêm nữa. Những điều có sẵn ở đây và bây giờ là sẵn có đủ cho chúng ta được nuôi dưỡng, được hạnh phúc. Và đó là phép màu của niệm, định và tuệ: nhận ra ta có thể hạnh phúc với những điều kiện sẵn có, rằng ta không cần phải gắng sức thêm nữa, khai thác hành tinh này như cách ta đã làm. Ta không cần phải “vay mượn” bất cứ điều gì. Chỉ với sự thức tỉnh này ta mới có thể ngừng lại sự tàn phá. Đây không phải là điều có thể làm với tư cách cá nhân. Chúng ta phải thức tỉnh cùng nhau. Và, nếu như ta thức tỉnh cùng nhau, ta mới có một cơ hội. Cách chúng ta sống đời mình và lên kế hoạch cho tương lai của mình đã dẫn chúng ta đến tình huống này. Và giờ đây chúng ta cần nhìn sâu để tìm một lối ra, không phải như những cá nhân mà như một tập thể, một giống loài. Bạn không còn có thể trông cậy một mình vào thế hệ trước nữa. Tôi thường nói rằng một vị Phật là không đủ; chúng ta cần một sự thức tỉnh tập thể. Tất cả chúng ta đều phải trở thành các vị Phật để hành tinh này còn có cơ hội. Nguồn: Nam Phương dịch từ sách "Thiền & Nghệ thuật bảo hộ hành tinh" - Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Khu Rừng Chữa Lành - hướng dẫn Tắm Rừng cho người mới bắt đầu

Khu Rừng Chữa Lành - hướng dẫn Tắm Rừng cho người mới bắt đầu

Trạng thái Tâm sẽ định hình trạng thái sống của chúng ta. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu một thực hành của người Nhật Bản: Tắm Rừng - một phương pháp đơn giản để thư giãn tâm trí, phục hồi cơ thể và tái khám phá Bản thể của mình. Những khám phá sâu sắc và lôi cuốn của xã hội Nhật Bản sẽ hé lộ cho chúng ta thấy lý do tại sao việc Tắm Rừng trở nên đặc biệt phù hợp trong thời kỳ nhiều biến động hiện nay; và cách chúng ta có thể tận hưởng những lợi ích từ hoạt động này. Tắm Rừng là gì? Tắm Rừng là thực hành hòa mình vào thiên nhiên trong tỉnh thức, tận dụng các giác quan để thu nhận nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất, tinh thần, tình cảm và xã hội. Trong tiếng Nhật, thực hành này có tên gọi: Shinrin-yoku. ‘Shinrin’ có nghĩa là rừng và ‘Yoku’ là viết tắt của từ tắm. Ý tưởng này ra đời ở Nhật Bản vào những năm 1980 và được chứng minh là một công cụ rất hiệu quả để vượt qua những tác động xấu của cuộc sống bận rộn và môi trường làm việc căng thẳng. Tắm Rừng trong thiên nhiên giúp phần não căng thẳng của bạn được thư giãn. Các hóc môn tích cực được giải phóng trong cơ thể. Bạn sẽ thấy nỗi buồn, cơn tức giận và lo lắng vơi đi. Tắm Rừng giúp bạn tránh được căng thẳng và kiệt sức, đồng thời hỗ trợ chống lại chứng trầm cảm và lo âu. Hoạt động này còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, giúp giảm thiểu số ngày ốm đau cũng như phục hồi nhanh hơn sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Thiên nhiên có ảnh hưởng tích cực đến cả Thân và Tâm của chúng ta. Một số tác động có thể kể đến là: cải thiện sức khỏe tim, phổi, làm tăng khả năng tập trung và tăng cường trí nhớ. Một số loài cây trong rừng như cây lá kim tiết ra dầu và các hợp chất để bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn và mầm bệnh. Những phân tử này được gọi là Phytoncides. Chúng cũng tốt cho khả năng miễn dịch của chúng ta. Hít thở trong rừng làm tăng mật độ tế bào miễn dịch tự nhiên (NK) trong máu. Tế bào NK trong cơ thể có vai trò chống lại nhiễm trùng, ung thư và các khối u. Vì vậy, dành thời gian bên cạnh những loại cây này cũng là một hình thức “tắm cây” đặc biệt. Một lợi ích vô hình của việc Tắm Rừng là tăng cường trí tuệ cảm xúc và sự tự tin, dẫn đến cải thiện các mối quan hệ và đời sống xã hội. Điều bấy lâu chúng ta đã biết qua trực giác ngày nay đang được giới khoa học kiểm nghiệm và xác thực thông qua nghiên cứu. Tắm Rừng ở Nhật Bản Nhật Bản, quốc đảo nằm ở vùng viễn đông có một nền văn hóa đặc sắc đã trường tồn với thử thách của thời gian. Đây cũng là quốc gia đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ công nghệ và được xếp vào danh sách các quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự tiến bộ và phát triển này cũng đi kèm những thách thức lớn lao. Nhật Bản được biết tới như một trong những môi trường làm việc khắt khe nhất trên thế giới. Trên thực tế, họ thậm chí còn có một từ riêng để chỉ “cái chết do làm việc quá sức” (Karoshi). Áp lực hiệu suất từ ​​công việc quá cao khiến thời gian dành cho cuộc sống cá nhân còn lại thật ít ỏi. Một hệ quả thú vị của nền văn hóa này là tỷ lệ kết hôn ở Nhật Bản đã giảm mạnh trong 30 năm qua. Các đô thị của Nhật Bản có một nền văn hóa siêu kỹ thuật số và một nỗi ám ảnh đặc biệt với công nghệ. Trong thời đại bùng nổ internet, nhiều người Nhật dành nhiều thời gian trực tuyến hơn và có ít tương tác xã hội hơn. Kéo theo đó là tỷ lệ người mắc bệnh liên quan tới căng thẳng, lo âu tăng vọt. Cô đơn và trầm cảm cũng góp mặt trong danh sách. Bên cạnh đó, đất nước này nằm trên một đường đứt gãy địa chấn, dễ bị động đất và sóng thần tàn phá, khiến người Nhật phải đối diện với những nỗi đau lớn hơn mức bình thường. Tại Nhật Bản, các rối loạn tâm thần được ước tính chiếm tới 24,6% tổng gánh nặng bệnh tật (theo WHO, 2008) May mắn là, hơn 70% diện tích Nhật Bản vẫn được bao phủ bởi rừng. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã đưa ra ý tưởng về shinrin yoku vào đầu những năm 80. Shinrin yoku có nghĩa là tắm trong rừng, hoặc tận hưởng bầu không khí trong rừng để thư giãn. Do văn hóa làm việc không ngừng nghỉ của Nhật Bản, mức độ căng thẳng của người lao động Nhật Bản đã lan rộng. Khi đó và bộ phận lâm nghiệp đã nhìn thấy một tiềm năng tuyệt vời có thể có ảnh hưởng tích cực tới vấn nạn căng thẳng đồng thời gia tăng nhu cầu bảo vệ rừng. Và thế là Shinrin yoku - hay Tắm rừng - ra đời. Người dân Nhật Bản - những người đang chịu áp lực của đời sống đô thị cạnh tranh, bị mê hoặc bởi không khí chữa lành trong những khu rừng và tích cực tham gia vào nhiều hoạt động thư giãn khác nhau. (Huuski, 2019) Tinh thần Thiền (Zen) trong hoạt động Tắm Rừng ở Nhật Bản Phật giáo Thiền tông có vai trò trung tâm trong đời sống tâm linh tại Nhật Bản. Thiền tông khuyến khích hành giả học cách thu gom tâm trí đang phân tán trở về và tập trung sự chú ý của họ để có thể dễ dàng nhìn thấy mọi thứ rõ ràng hơn, dưới một góc nhìn mới. Khi tạo ra một khoảng trống giữa các trải nghiệm của chúng ta và cách ta phản ứng với trải nghiệm đó, ta có thể phản ứng với sự khôn ngoan và cẩn trọng hơn. Theo truyền thống tu tập, các nhà sư Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Quốc và sau đó là ở Nhật Bản, đã từng vượt qua những quãng đường dài để thiền định trong thiên nhiên. Còn trong những thập kỷ gần đây, ý tưởng khởi tạo những không gian tĩnh lặng trong tâm trí được biết đến như một phương pháp phục hồi trong tâm lý học. Lý thuyết Phục hồi (Kaplan, 1985) và mối liên kết chặt chẽ của nó với Lý thuyết Phục hồi Căng thẳng (Ulrich, 1991) nói rằng sự phục hồi của chúng ta sau căng thẳng bắt đầu ngay trong vòng vài phút sau khi bước vào một không gian xanh . Khi cơ thể bắt đầu bình tĩnh lại - huyết áp ổn định, hóc môn căng thẳng trong máu giảm, cơ bắp thả lỏng - chúng ta cũng bắt đầu nhận được các lợi ích về sức khỏe tinh thần. Suy nghĩ rõ ràng hơn, sức sống căng tràn và tâm trạng bắt đầu phấn chấn. Những cư dân thành thị giờ đây có thể thở phào nhẹ nhõm, vì chỉ cần 20 phút đắm mình trong thiên nhiên là đã đủ để giúp ta quản lý sức khỏe tinh thần của mình. Khi bạn cố gắng, Thiền thật khó khăn Khi bạn buông sự “cố", Thiền trở nên dễ dàng Chỉ ngồi và tập trung vào hơi thở có thể khá khó khăn nếu bạn không có cách tiếp cận phù hợp. Kiểm soát suy nghĩ hoặc duy trì nhận thức về một đối tượng cụ thể là một nhiệm vụ thử thách cho người mới bắt đầu. Rất nhiều người từ bỏ Thiền do thất vọng sau những nỗ lực đầu tiên. Đó là lý do tại sao vai trò của một người hướng dẫn tốt trở nên rất quan trọng trong hành trình học về chánh niệm và thiền. Tuy nhiên, khi đắm mình trong một chuyến Tắm Rừng, bạn sẽ dễ dàng đạt được trạng thái bình yên trong Tâm hơn. Bằng cách đưa sự chú ý đến các giác quan và di chuyển trong rừng một cách có tỉnh thức, chúng ta không chỉ có thể nhận được tất cả những lợi ích mà thiền mang lại cho tâm trí, mà còn tăng cường khả năng miễn dịch và kiện toàn sức khỏe thể chất. Đó là bởi chúng ta đang đi dưới sự dẫn dắt của người thầy vĩ đại nhất - Thiên nhiên. Lợi ích của thiền Tắm Rừng Học cách tắt những suy nghĩ không mong muốn. Bớt tức giận, lo âu và buồn bã. Tăng cảm nhận về giá trị bản thân và sự tự tin. Vượt qua nỗi sợ hãi, nghi ngờ bản thân và dao động tâm trí. Tránh căng thẳng và kiệt sức. Giấc ngủ và nghỉ ngơi tốt hơn Tăng cường khả năng kiểm soát cảm giác thèm ăn, từ bỏ các cơn nghiện . Tìm thấy bình yên và hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Phát triển sự thấu cảm. Cải thiện các mối quan hệ . Tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi và quyết định quan trọng. Quanh đây chẳng có rừng thì phải làm sao? Bạn có thể thực hành Tắm Rừng trong bất kỳ không gian thiên nhiên an toàn nào. Các nguyên tắc chính là đi bộ trong im lặng và chậm rãi . Sử dụng các giác quan của bạn để tìm kiếm những điều trong tự nhiên mang lại cho bạn sự bình yên và hạnh phúc. Thông qua các hoạt động kết nối thiên nhiên và các bài tập về cảm giác, bạn có thể thay đổi tâm trạng và mức năng lượng của mình, mang tới hàng loạt những lợi ích. Thời gian khuyến nghị thực hành Tắm Rừng là ít nhất 2 giờ một tuần. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA TÂM TRÍ KHI TẮM RỪNG Chú ý: Người mới thực hành và trẻ nhỏ bắt đầu với các hoạt động đơn giản là tập trung vào các vật thể trong tự nhiên để thu hút sự chú ý và làm chúng ta chậm lại. Bằng cách định hướng và kiểm soát sự chú ý của mình, chúng ta đang rèn luyện khả năng kiểm soát dòng suy nghĩ và cảm xúc. Nhận thức: Một khi có thể đạt đến trạng thái tâm trí bình tĩnh hơn, chúng ta có thể mở rộng nhận thức của mình. Trong rừng sâu, người ta có thể cảm nhận được chu kỳ biến đổi mà mọi sự sống đều trải qua. Những điều mà chúng ta đã từng là. Những thứ mà chúng ta sẽ trở thành. Giống như một hạt giống trong lòng đất. Như một đứa trẻ trong bụng mẹ. Nâng cao nhận thức là phát triển sự kết nối của ta với tất cả cuộc sống. Những câu trả lời: Tâm trí của chúng ta đã được nhận được sự nghỉ ngơi xứng đáng để có thể tự tái tạo nguồn năng lượng và đưa ra những giải pháp sáng tạo đáng ngạc nhiên. Nó bắt đầu hỏi những câu hỏi phù hợp hơn là chỉ đơn giản là tìm kiếm câu trả lời. Khu rừng cho ta ánh sáng để khơi dậy những hiểu biết và khám phá mới, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc sống. Đây là bước khởi đầu của một cuộc hành trình khám phá bản thân. Không phải ai cũng có thể tìm tới một khu rừng ngay phía sau nhà mình. Trên thực tế, hầu hết những người sống và làm việc ở các thành phố sẽ phải đi lại một khoảng khá xa để đến gần rừng. Nhưng thiên nhiên là tất cả xung quanh chúng ta. Bạn có thể cân nhắc thử tắm cây và các bài tập giác quan ở bất kỳ công viên đô thị nào gần bạn. Đối với những người không thể ra ngoài công viên đô thị, hoặc bị hạn chế do khuyết tật, các hoạt động trị liệu thiên nhiên dựa trên giác quan có thể được thực hiện ngay cả trong khuôn viên ngôi nhà của họ. Chỉ cần mang các yếu tố của thiên nhiên vào trong nhà. Bạn có thể sử dụng sự sáng tạo của mình để xây dựng sự kết nối thiên nhiên ngay cả trong một khu vực kín. Tắm Rừng có tác dụng tốt nhất như một hình thức phòng ngừa và là một cách để duy trì một tinh thần và thể chất khỏe mạnh. Nó không phải là giải pháp thay thế cho lời khuyên y tế chuyên nghiệp hoặc tư vấn cho những người có tình trạng bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự đồng hành của một nhà trị liệu được đào tạo, liệu pháp Tắm Rừng có thể là một phần quan trọng trong quá trình điều trị cũng như phục hồi. Nhiều người đã tiếp tục trở lại sau một lần “tiếp xúc” với rừng (Iwasaki, 2019). Việc tắm trong rừng đã cho thấy kết quả khả quan ở đa dạng nhóm tuổi - từ trẻ em đến người già. Nó cực kỳ hữu ích cho các bậc cha mẹ cũng như các những người làm việc trong môi trường công sở. Khi được sử dụng như một chương trình phúc lợi của công ty, việc tắm trong rừng có thể giúp tái tạo năng lượng cho nhân viên, đào tạo nhân sự mới và quản trị sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, như GS.TS Iwao Uehara chỉ ra, nó có thể không hiệu quả đối với những người cảm thấy không thoải mái khi ở ngoài trời. Lợi ích của Tắm Rừng Sức khỏe tinh thần của chúng ta là một món quà vô cùng quý giá. Đối với hầu hết mọi người, giá trị thực của tâm trí chỉ trở nên rõ ràng khi mọi thứ sụp đổ. Khi một người bị ảnh hưởng bởi bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào, con đường để hồi phục có thể mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn phù hợp không phải là điều dễ dàng và hơn hết là vẫn còn rất nhiều sự kỳ thị của xã hội đối với các rối loạn tinh thần. Tắm Rừng là một phương pháp đã được thử nghiệm qua thời gian. Phần lớn quá trình tiến hóa của loài người đã diễn ra trong tự nhiên. Kết nối với thiên nhiên là một hành vi mang tính bản năng và in dấu trong mã gen di truyền của chúng ta. Chỉ trong khoảng 200 năm qua, chúng ta đã giảm bớt sự tương tác của mình với các hoạt động ngoài trời. Trở về thiên nhiên có thể đưa chúng ta đến trạng thái nâng cao nhận thức giác quan và một cảm giác bình an tỉnh thức. Nó giống như cảm giác trở về nhà. Hòa bình và hạnh phúc sẽ tự khởi sinh. Câu chuyện của Nhật Bản dạy chúng ta rằng của cải vật chất và tiến bộ kinh tế là không đủ để tạo ra một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc . Để có được cuộc sống như vậy, người ta cần ưu tiên chính sức khỏe & hạnh phúc, hơn là theo đuổi vật chất và nỗ lực để đạt được một cuộc sống cân bằng. Và toàn bộ quá trình này sẽ mang lại cho cuộc sống một dáng hình tươi đẹp, bắt đầu bằng việc lắng nghe tâm trí của mình. Sau cùng, trạng thái Tâm sẽ định hình trạng thái sống của chúng ta.

3 điểm tái kết nối: giải pháp chống trầm cảm & lo âu

3 điểm tái kết nối: giải pháp chống trầm cảm & lo âu

Trong cuốn sách gây kinh ngạc về bản chất của trầm cảm mang tên “Mất kết nối", tác giả Johann Hari đã chỉ ra 9 nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng được xem là đại dịch tinh thần của thế kỷ 21. Trong đó, 6/9 là nguyên nhân đến từ sự mất kết nối: Với công việc và ý nghĩa của nó Với những người xung quanh Với những giá trị có ý nghĩa Với vị trí xã hội và sự tôn trọng Với thế giới tự nhiên Với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn. Tin tốt là, chỉ cần chúng ta xác định được đúng nguyên nhân nằm ở đâu, thì ngay chỗ đó sẽ hiện lên giải pháp. Gói gọn lại từ chín điểm nói trên, chúng ta sẽ nhìn thấy được ba điểm lớn cần được cấp thiết tái kết nối: Quan hệ với con người chung quanh, thế giới tự nhiên và những giá trị tốt đẹp sâu thẳm bên trong mỗi người (sau đó nó sẽ biểu hiện ý nghĩa công việc, vị trí xã hội, cảm giác vững chắc về tương lai của bản thân…). Hãy thử cùng nhau suy ngẫm thêm về ba điểm kết nối này. 1. Tái kết nối với thiên nhiên Nếu không tĩnh lặng, thiên nhiên đối với ta đơn giản là “view đẹp", cảnh sắc bên ngoài, một giải pháp “sơ cứu cảm xúc" trong lúc quá bức bách, khổ đau. Thiên nhiên luôn là điểm nương tựa mà con người thường mong muốn tìm đến mỗi khi gặp khổ đau lớn. Như những đứa con sống ở thành thị tách biệt mỗi lần quá mệt mỏi sẽ về quê thăm bố mẹ, để được tận hưởng sự chăm sóc ngọt ngào, khoan dung hiếm có. Tương tự như vậy với những người con của Đất Mẹ: bản năng ai cũng muốn tìm về với người mẹ chung mỗi khi cần vỗ về, nuôi dưỡng. Thế nhưng sau một số chuyến đi, nhiều người tự chất vấn bản thân rằng: mình có đang “tìm về thiên nhiên" như một giải pháp để chạy trốn tạm thời vấn đề của mình không? Hay thực sự, ta đang đi để nhận nuôi dưỡng và yêu thương của người mẹ chung - Đất Mẹ? Có hay không, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố mà trong đó quan trọng nhất là những nút dừng tĩnh lặng để ta có thể nghe được tiếng gọi yêu thương của Đất Mẹ . Nếu không tĩnh lặng, thiên nhiên đối với ta đơn giản là “view đẹp", cảnh sắc bên ngoài, một giải pháp “sơ cứu cảm xúc" trong lúc quá bức bách, khổ đau. Người ta dễ có xu hướng đi, nói chuyện và hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Dù vui vẻ trong thoáng chốc, điểm tái kết nối với thế giới tự nhiên đã bị chuyển sang trọng tâm kết giao với người khác. Đó là mức độ trải nghiệm của phần đông hiện nay. Những bài học sâu sắc nhất về mối liên hệ với thiên nhiên đến từ những truyền thống trí tuệ cổ xưa: Thiên nhiên không phải là những gì “bên ngoài” ta mà còn ở ngay “bên trong” ta. Ta là con của Cha Trời Mẹ Đất như bao sinh vật khác. Ta không nằm trong trung tâm của thế giới tự nhiên, mà là một phần không thể tách rời với mạng lưới sự sống chung quanh. Trong xã hội hiện đại, chúng ta tách mình ra quá xa khỏi tự nhiên đến mức việc chạm chân xuống đất - vốn chỉ mới vài thế hệ trước còn là điều tự nhiên - thì nay trở thành một điều gì đó xa lạ, thậm chí thiếu an toàn với nhiều người. Thế nhưng cùng lúc đó, những người thử nghiệm các liệu pháp tự nhiên như: Tắm từng, Chạm Đất và các xúc chạm tự nhiên đơn luôn cảm nhận được sự hồi phục đáng kinh ngạc của sự sống bên trong mình. Đó đơn giản là vì, ta được “nối mạch” trở lại với ngọn nguồn sự sống vô biên mà vốn dĩ ta là một phần trong đó. Đây là một sự thật đã được khoa học chứng minh. Bản thân mình luôn chú trọng việc tạo ra những khoảng trống cho mỗi người và cho cả nhóm thông qua những bài tập được hướng dẫn cụ thể. Từ đó, mỗi người hay mỗi nhóm nhỏ có thể chuyển dịch từ việc: LÀM theo hướng dẫn → CẢM NHẬN tự thân → Tái KẾT NỐI thông qua TRẢI NGHIỆM trực tiếp. Mối dây liên hệ sâu sắc của mỗi người với mẹ thiên nhiên không nhất thiết phải được diễn đạt qua ngôn từ. 2. Tái kết nối với con người chung quanh “Hạnh phúc là gì?” - ai trong chúng ta có lẽ cũng từng đặt câu hỏi này cho chính mình. Thế nhưng, không phải ai cũng chiêm nghiệm đủ sâu để tự đưa ra định nghĩa cho riêng mình. Mà nếu như không làm rõ định nghĩa của riêng mình, 99% khả năng là chúng ta sẽ bị cuốn theo cuộc truy đuổi hạnh phúc theo chuẩn mực của nền văn hóa trọng vật chất. Trong hàng loạt các nghiên cứu khoa học xã hội quy mô về vấn đề này, luôn có một khía cạnh nổi bật được nhắc đến - khía cạnh của những gắn kết trong xã hội, cộng đồng. Định nghĩa sức khỏe của WHO cũng bao hàm sự thoả mãn về kết nối xã hội, bên cạnh sức khoẻ của riêng mỗi người. Sức khoẻ của chúng ta đơn giản là không hề tách rời nhau. Như nhà KHXH Brett Ford tóm tắt những kết luận chung: “Bạn càng nghĩ hạnh phúc là một điều có tính xã hội thì bạn càng trở nên tốt hơn.” Hàm nghĩa của điều này rất rộng. Ở phạm vi gia đình và bạn bè thân thiết, bạn đơn giản là sẽ có những thói quen và thái độ mang tính “trung bình cộng" của những người bạn hay tiếp xúc. Ở mức độ cao hơn, điều đó có nghĩa là bạn sẽ gia tăng khả năng hạnh phúc nếu vượt lên trên việc theo đuổi những mục tiêu chỉ phục vụ cá nhân mình, thay vào đó nỗ lực hướng đến đóng góp những lợi ích lớn hơn cho toàn bộ cộng đồng và xã hội. Lý thuyết rõ ràng là vậy, nhưng thực tế có thể không dễ dàng đối với những người đang trên hành trình học cách đóng góp, phụng sự. Một trong những nguyên nhân chúng ta có xu hướng tư duy theo hướng quan hệ nhân-quả tuyến tính: Phụng sự xã hội ĐỂ một ngày nào đó sau này, bạn đạt được gì đó cho bản thân (dù là được thừa nhận, được tôn trọng, “có phước" hay phát triển tâm linh v.v…). Những mong đợi đó có thể đạt được hoặc không. Năng lực thực thi có thể theo kịp những hoạch định hoặc không. Một khi còn có mong đợi về kết quả, thì còn dẫn đến thất vọng, so sánh và ức chế của những người cố gắng đóng vai “người tốt" hơn mức nội lực sẵn có. Nếu như chúng ta có thể cho đi đơn giản vì chính hành động đó cho ta niềm vui và cảm giác trọn vẹn? Nếu như không còn sợ hãi và lo âu đi kèm, ta có thể làm gì để góp phần vào việc chữa lành thế giới này? Nếu như ta không phải giải quyết các nỗi lo một mình mà có thể chung tay cùng tập thể, cách thức ta đang hành động sẽ thay đổi ra sao? Đó là một vài trong những câu hỏi chiêm nghiệm mà các Vòng tròn kết nối có thể cùng nhau tìm câu trả lời. Ít nhất thì khi được lắng nghe với sự hiện diện và thấu cảm sâu sắc, những thu hoạch tập thể luôn giúp từng người mở rộng góc nhìn của riêng mình. Hành động tốt đẹp và hiệu quả luôn đến từ sự mở rộng trong góc nhìn và trường năng lượng yêu thương. 3. Tái kết nối với những giá trị tốt đẹp bên trong mỗi người Trong một buổi cà phê với cô bạn cũ, mình được hỏi một câu thế này: “Nếu như trong các mảng Tiền bạc, Sự nghiệp, Sức khoẻ, Tình yêu, các mối quan hệ xã hội…bắt buộc có một mảng phải hy sinh để những mảng kia được giữ vững, cô sẵn sàng hy sinh điều gì?”. Mình trả lời đó là “Tiền bạc - hiển nhiên rồi!”. Bạn mình đặt nghi vấn: “Tôi đã hỏi rất nhiều người và ai cũng nói sẵn sàng hy sinh tiền bạc. Thế nhưng, vì sao thời gian hầu hết chúng ta dành cho việc kiếm tiền lại đang nhiều nhất?”. Câu hỏi này khiến cả hai đều ngồi trầm ngâm trước mâu thuẫn phũ phàng của con người hiện đại… Mình tin rằng, thẳm sâu bên trong mỗi người đều hiểu rằng ta không thể truy cầu hạnh phúc bền vững thông qua tích cóp vật chất và thành tựu bên ngoài. Mỗi người đều có một vài việc nào đó mà có thể mang lại hạnh phúc nội tại cho họ ngay trong lúc làm, thay vì phải đợi đến một kết quả sau cùng. Nhưng tâm trí của chúng ta chứa quá nhiều “phần mềm chạy ngầm" - những niềm tin được hình thành và củng cố từ hàng ngàn thông điệp của chủ nghĩa tiêu thụ. Những niềm tin đó khiến chúng ta không bao giờ thấy mình đủ tốt, và giải pháp để tốt hơn lên là làm việc nhiều hơn để có nhiều tích cóp hơn, và tích cóp rồi thì ra ngoài kia và mua sắm những giải pháp hứa hẹn sẽ giải quyết các vấn đề nảy sinh từ chính quá trình tích cóp đó. Những niềm tin đó nói rằng ta sẽ có “tự do" thông qua một lượng tài sản nào đó gom cho mình, thay vì giá trị mà ta trao tặng lại cho mọi người và cho thế giới…Những điều được lặp đi lặp lại, cho dù đúng hay sai, đều trở thành “thực tế" của một người, điều khiển cách họ sống. Đức Phật có dạy về 4 loại “thức ăn": Thức ăn qua đường miệng (Đoạn thực) Thức ăn qua các giác quan (Xúc thực) Những mong ước & chí nguyện sâu sắc nhất trong mỗi người (Tư niệm thực) Tâm thức cộng đồng và của môi trường ta đang sống lên tâm thức của ta (Thức thực) Rất nhiều người chúng ta đã mất kết nối đối với dưỡng chất của loại thức ăn thứ 3. Trong khi, lịch sử ghi nhận rằng các thánh nhân, hiền triết, những con người lỗi lạc…đã nuôi dưỡng mình chủ yếu bằng loại thức ăn thứ ba. Nó có sức nuôi dưỡng lớn đến mức loại thứ nhất và thứ hai trở nên cực kỳ đạm bạc, đến mức tối thiểu. Nó thúc đẩy những con người tưởng như nhỏ bé nhất, có xuất phát điểm thấp nhất vươn lên không ngừng và để lại những di sản tinh thần cho lớn cho nhân loại. Với bản thân mình, đây là điểm nương tựa để quay về mỗi lần nhận ra bản thân đang chán chường, ỳ trệ, không còn cảm thấy cuộc sống nhiều ý nghĩa. Để nguồn dinh dưỡng này hiện lên rõ ràng và có sức mạnh chuyển hoá nội tâm thực thụ, mỗi người chúng ta hãy hỏi lòng thật kỹ: Điều gì khi được làm, dù đời sống có đạm bạc ta biết mình vẫn sẽ hạnh phúc? Di sản ta muốn để lại sau khi ra đi là gì? Ta muốn trao lại cho con cháu mình một hành tinh như thế nào? …. Chưa thấy câu trả lời ngay cũng không sao. Đặt được câu hỏi đúng đã giúp ta mở rộng góc nhìn và liên tục quan sát, liên tục mở lòng đón nhận. Sống với những câu hỏi như vậy là sống với một công án thiền. Câu trả lời rồi sẽ đến thông qua thời gian và trải nghiệm. Còn một khi câu trả lời đã đến, đó sẽ là một món quà to lớn. Mỗi sáng thức dậy, nhớ đến điều đó thì tự khắc cơ thể ta ngập tràn sức sống. Ta liền mỉm cười với 24h sắp tới.

Thiền giả, Nghệ sĩ và Chiến binh

Thiền giả, Nghệ sĩ và Chiến binh

Một cách sống mới Hình ảnh ta có về một con người giác ngộ là một người có tự do và sức mạnh tâm linh, người không làm nạn nhân cho môi trường của họ . Một người giác ngộ thấy được chính mình sáng rõ, biết họ là ai, và có một hiểu biết rõ ràng về thực tế - về bản chất của riêng họ lẫn thực tại của xã hội. Hiểu biết này là món quà quý giá nhất mà Thiền tông có thể trao tặng. Cách hiện diện của một con người tỉnh thức là sự đóng góp tích cực căn bản nhất mà Thiền tông có thể tạo nên cho thế giới. Thiền tông là một truyền thống sống động, trong đó huấn luyện con người trong sự hiểu biết này và trong cách sống sao cho lành mạnh, dẻo dai và cân bằng. Nghệ thuật và suy nghĩ nảy mầm từ những tuệ giác sâu sắc của Thiền tông cũng có những phẩm chất của sức sống, sự vững chãi và bình an. Liệu chúng ta có thể vun trồng những phẩm chất của thảnh thơi và tự do này hay không là một câu hỏi của sự tỉnh thức. Thế giới này không cần thêm một hệ tư tưởng hay một học thuyết mà cần một kiểu thức tỉnh có khả năng tái lập lại sức mạnh tâm linh của chúng ta. Với sự thức tỉnh thực sự chúng ta có thể thấy tình huống một cách rõ ràng và lấy lại chủ quyền của mình như những con người, từ những hệ thống kinh tế và xã hội mà chính chúng ta tạo dựng. Lối ra chính là tham gia vào một cách sống mới mà có khả năng tái lập chủ quyền và nhân tính của chúng ta. Hành động trong tỉnh thức Hành động nên dựa trên nền tảng của bản thể. Nếu bạn không có đủ bình an, hiểu biết và khoan dung, hay nếu bạn đang bị đè nặng bởi giận dữ và lo lắng, hành động của bạn sẽ có ít giá trị. vì thế, phẩm chất của hành động phụ thuộc vào phẩm chất của bản thể. Trong Thiền tông, chúng tôi nói đến hành động của phi-hành-động . Có những người dường như không làm gì nhiều lắm, nhưng sự hiện diện nơi họ lại tối quan trọng cho an sinh của thế giới này. Và có những người khác cứ cố gắng làm, nhưng chúng ta càng làm, xã hội lại càng gặp vấn đề bởi vì nền tảng của bản thể nơi ta không đủ tốt. Thi thoảng bạn không cần làm gì, nhưng bạn lại làm được rất nhiều. Và thi thoảng bạn làm rất nhiều, nhưng bạn lại không làm được gì; chẳng giúp được gì. Thậm chí có những người thiền rất nhiều, nhưng cơn giận và ghen tuông nơi họ vẫn như cũ. Trong chiều kích lịch sử, đúng là có những thứ chúng ta cần phải làm, những hành động ta cần phải có để có thể bảo tồn, để nuôi dưỡng, để chữa lành và để hoà giải. Nhưng, trong chiều kích tối hậu, bạn có thể làm mọi thứ thật thư giãn và thật hân hoan, mà không cần phải lo lắng gì cả. Đó chính là hàm nghĩa của việc “thi hành cái hành động phi-hành-động". (acting the non-acting action). Bạn rất năng động, nhưng bạn thư giãn đến mức độ dường như bạn đang chẳng làm gì cả. Bạn tận hưởng mọi khoảnh khắc bởi vì bạn hành động từ một nền tảng của sự phi-hành-động, mà không cần ráng sức hoặc vội vàng. Trong cách hành động này, những hành động của bạn trở thành một biểu hiện thực sự của tình yêu, quan tâm và tỉnh thức. Không phải là chúng ta cứ phải hành động. Nếu chúng ta tỉnh thức, hành động sẽ tự nhiên đưa ta đi, chúng ta không thể né tránh nó. Trong truyền thống thiền chúng ta nói đến hình mẫu của một người không còn vướng bận (“businessless" person): người đã tự do, thảnh thơi, và không còn phải nỗ lực hay tìm cầu. Từ tiếng Việt là người vô sự. Một người tự do, vô sự rất tích cực trong việc giúp đỡ thế giới này và trong việc hỗ trợ xoa dịu khổ đau, nhưng không bao giờ bị cuốn đi bởi môi trường xung quanh họ hay theo công việc mà họ đang làm. Họ không đánh mất mình trong những lý tưởng hoặc dự án của họ. Điều này rất quan trọng. Chúng ta không nên làm gì để có khen ngợi, danh tiếng hoặc lợi nhuận tài chính. Chúng ta không nên làm để chạy trốn hoặc tránh né một ai đó. Chúng ta hành động từ tình yêu. Khi chúng ta hành động từ tình yêu, chúng ta có thể cảm nhận hạnh phúc mà nó mang lại cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta làm gì đó mà thiếu vắng tình yêu, chúng ta đau khổ. Chúng ta thấy mình nói, “Tại sao tôi phải tự làm điều này? Tại sao những người khác chẳng giúp tôi?”. Điều quan trọng là không đánh mất mình trong hành động. Chúng ta giữ được chủ quyền trong mọi tình huống. Chúng ta thảnh thơi trong chính con người mình, và chúng ta tự do. Thiền giả, Nghệ sĩ và Chiến binh Thiền giả, nghệ sĩ và chiến binh không phải là ba con người tách biệt; mà là ba khía cạnh trong cùng con người bạn. Trong tất cả mỗi người chúng ta có một thiền giả, một vị du già (yogi). Đó chính là mong ước được thiền, được thực tập, được trở thành một người tốt hơn, để có thể mang ra phần tốt nhất nơi mình, để có thể giác ngộ. Người thiền giả trong nội tâm mang đến cho ta sự minh mẫn, bình tĩnh và trí tuệ sâu sắc. Đó là Phật tính bên trong chúng ta. Chúng ta có thể muốn trở thành những con người tốt hơn, nhưng có những lúc chúng ta không thực tập, chúng ta không huấn luyện, không phải vì chúng ta không muốn mà bởi vì ta chưa tạo được những điều kiện đúng. Trong mỗi chúng ta cũng có một người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ rất quan trọng. Người nghệ sĩ có thể mang đến sự tươi mới, niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống. Bạn cần phải cho phép người nghệ sĩ trong bạn được sáng tạo để mà bạn có thể luôn cảm nhận và tận hưởng dưỡng chất của sự thực tập chánh niệm của bạn. Nhiều người chúng ta không thể chịu nổi sự đơn điệu. Nếu chúng ta có quá nhiều một thứ gì đó, chúng ta muốn thay đổi nó, ngay cả khi chúng ta biết nó tốt. Điều này chỉ là tự nhiên thôi. Bạn có thể hỏi, “Làm thế nào chúng ta có thể cứ đi trên một con đường mà chúng ta muốn tiếp tục, và cứ đi cho đến cuối đường?” Dĩ nhiên là, bạn cần kiên nhẫn. Nhưng bạn cũng cần một thứ khác: con đường nên trở nên hân hoan, nuôi dưỡng và có tính chữa lành. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra một cách để tạo nên niềm vui đó mỗi ngày. Chúng ta cần sắp xếp cuộc sống hàng ngày của mình để nó không bị lặp lại và mỗi giây phút là một giây phút mới. Chúng ta cần tạo ra những cách thức sáng tạo để giữ cho tâm bồ đề của chúng ta (bodhicitta), tâm của người mới bắt đầu, được sống động và nuôi dưỡng. Cho dù bạn đang ăn trong chánh niệm, lái xe trong chánh niệm, hay đang thực tập thiền hành và thiền toạ, bạn cần tạo ra những cách làm mới, để mà việc thở, đi và ngồi luôn luôn mang đến cho bạn niềm hân hoan, mà không phải bởi vì tôi siêng năng hay có kỷ luật nữa, mà bởi tôi cho phép người nghệ sĩ trong tôi được hoạt động và biến việc thực tập thành mới mẻ, thú vị, nuôi dưỡng và trị liệu. Việc thực tập chánh niệm có thể luôn luôn có tính trị liệu và nuôi dưỡng, nếu như chúng ta biết cách sáng tạo . Chúng ta không nên thực tập như một cái máy mà như một sinh linh. Theo Tổ sư Lâm Tế, nếu như, khi đang đi hoặc ăn hoặc đi qua ngày của mình, bạn có thể tạo ra cho dù chỉ một chớp nhoáng của chánh niệm, điều đó đã đủ tốt. Chỉ 1% thành công là đủ tốt rồi bởi vì 1% đó có thể là nền tảng cho nhiều % khác. Trong mỗi người chúng ta cũng có một chiến binh. Người chính binh mang đến sự quyết tâm tiến lên phía trước. Bạn từ chối bỏ cuộc. Bạn muốn chiến thắng. Và, như một người thực hành, bạn phải để cho người đấu sĩ bên trong này được trở nên tích cực. Bạn không muốn trở thành nạn nhân của bất cứ điều gì. Bạn chiến đấu để có thể làm mới lại thực tập thiền của bạn. Bạn chiến đấu để không cho phép mọi thứ trở nên nhàm chán. Vì vậy, thiền giả đi cùng với chiến binh. Chúng ta không nên sợ hãi những chướng ngại trên đường mình đi. Thực ra, có rất nhiều thứ có thể khiến bạn nản lòng. Nhưng, nếu như năng lượng của bồ đề tâm mạnh mẽ, nếu người chiến binh của bạn mạnh mẽ, bạn có thể vượt qua những chướng ngại này, và mỗi khi bạn vượt qua chúng, bồ đề tâm của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Theo cách này, những chướng ngại không thực sự là chướng ngại. Chúng là một bàn đạp tăng tốc cho trí tuệ và khát vọng. Thiền giả, nghệ sĩ và chiến binh không phải là ba con người tách biệt; mà là ba khía cạnh trong cùng con người bạn. Và bạn nên cho phép cả ba khía cạnh này được hoạt động cùng lúc để có thể có được cân bằng. Chúng ta cần huy động tất cả các khía cạnh và không bao giờ để cho một trong số đó chết đi hoặc trở nên quá yếu ớt. Nếu bạn là một nhà hoạt động, một lãnh đạo chính trị, hay một lãnh đạo trong cộng đồng của mình, bạn cần phải biết cách làm thế nào để vun trồng ba khía cạnh này bên trong mình để bạn có thể trao tặng sự cân bằng, ổn định, sức mạnh và tươi mới cho những người quanh mình. Nguồn: Nam Phương dịch từ nguyên tác tiếng Anh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Người dẫn dắt mình trong kinh doanh chân chính

Người dẫn dắt mình trong kinh doanh chân chính

Mình gặp người hướng dẫn trong kinh doanh của mình - anh George Kao, Authentic Business Coach - rất tình cờ: khi được ghép cặp ngẫu nhiên làm việc với nhau qua một nền tảng mạng (Focusmate). Trên nền tảng này, thường thì hai bên sẽ tạm biệt nhanh chóng sau khi cập nhật cho nhau tiến độ của mình, rồi tiếp tục được ghép cặp với một đối tác ngẫu nhiên khác. Vì hiếm khi gặp lại nhau trong thế giới Internet quá đông người, rất nhiều người sẽ không muốn mất quá 3p để nói về kết quả vừa đạt. Họ nhanh chóng muốn chuyển sang một phiên mới, tiếp tục chạy cho kịp tiến độ công việc dở dang. Thế nhưng lần đó rất khác: Cuối phiên làm việc, mình cảm nhận được một tâm thế rất thư thái ở người đối diện. Anh ấy hỏi: “Em đang kiếm thu nhập bằng công việc gì?”. Và vì sự nhẹ nhàng hiếm có toả ra từ anh ấy, mình không chỉ trả lời xã giao với tên nghề hay mô tả công việc. Mình đã mỉm cười tâm sự với anh: “Công việc của em là một Health Coach…Tuy nhiên em không xem công việc là một ‘busy-ness’ để mình bận rộn, em đang rèn luyện chánh niệm (mindfulness) và tim thiền (heartfulness). Em xem đây là một phương tiện để phụng sự, là một ‘kênh’ quan trọng đưa em đi trên hành trình tâm linh.” Một thoáng ngạc nhiên hiện trên mặt, anh nói: “Ôi, đây chính xác là việc mà anh đang viết sách hướng dẫn. Anh có thể gửi bản thảo sách cho em đọc không?”. Mình thì có rất nhiều ngạc nhiên. Giai đoạn đó khi mới chập chững vào nghề, mình vẫn mang phần nào tâm lý đề phòng, không xem điều gì được cho là hoàn toàn miễn phí cả. Nhưng thái độ chân thành đó khiến mình gật đầu, đưa email và cuối cùng nhận được bản thảo cuốn sách của anh. Thế rồi, bận rộn khiến mình quên bẵng…Tua đi 2 năm sau, mình tình cờ thấy lại file sách lưu sẵn trong drive và tò mò mở ra đọc lại. Mình giật mình nhận ra rằng, anh đã viết sẵn những dấu mốc căn bản trên lộ trình của một người như mình: một người muốn làm kinh doanh theo cách chân thành với mình và với người (authentic business), muốn đơn giản và nhẹ nhàng hoá mọi quy trình, và hay chọn cách làm không giống khuôn mẫu, nên thường tự làm hầu hết một mình (Solo-entrepreneur). Anh như một đàn anh đi trước rất lâu, đang cố gắng vạch lối chỉ đường cho đàn em đỡ té sấp mặt. Khi đọc qua sách, một nỗi hối hận trào lên là tại sao khi anh đưa sách mình không đọc sớm hơn. Nhiều lỗi mình mắc phải có lẽ sẽ tránh được nếu như biết anh sớm. Nhưng mình cũng biết rằng hối hận cũng không phải là cảm xúc nên kéo dài, và mình vẫn còn rất nhiều điều có thể tiếp tục học hỏi. Ít nhất là, mình đã trải nghiệm đủ để tự thấm thía những bài học mà nếu ngay từ đầu ai đó nói với mình, mình chưa chắc đã tin. Thế là mình bắt đầu lên trang dịch vụ của anh và đăng ký khóa học đầu tiên. Kể từ đó, khi đã được trải qua khá nhiều đào tạo và nhiều giảng viên kinh doanh, mình vẫn thấy anh George là người đồng hành tốt nhất. Các khoá học của anh đều có các chữ “gentle" (nhẹ nhàng), “đơn giản” (simple), “chân chính" (authentic)...và anh đúng là một thân giáo thuyết phục và sâu sắc. Anh đã từng làm marketing theo các hướng phổ biến trên thị trường, nhưng sau khi trải qua khoảnh khắc thức tỉnh, anh đã buông cách làm cũ và khởi tạo lại từ đầu, với hướng tiếp cận mới. Ở hướng mới đó, người làm nội dung sắp xếp công việc xoay quanh cuộc sống thực sự muốn sống một cách cân bằng, thay vì kéo lê “cuộc sống” trên đường chạy không bao giờ chấm dứt của tham vọng kinh doanh. Một hướng mà ở đó, nội dung miễn phí được sản xuất đều đặn mà nhẹ nhàng với mục đích phụng sự, còn phí trả cho sản phẩm/dịch vụ đến từ lòng biết ơn và tin tưởng của những người đã nhận thỏa thuê giá trị. Một sự thanh thản sâu sắc với lòng mình vì không phải cố khoác lên những chiếc áo không vừa vặn. Một dòng tiền lành mạnh chảy vào đều đặn, vừa vặn với những gì mình cần. Mỗi lần học xong một khoá của George và ứng dụng ngay vào công việc, mình thấy kết quả đạt được tăng trưởng rõ rệt mà công sức bỏ vào lại tiết kiệm kha khá. Ví dụ, sau khi ứng dụng cách làm webinar mà anh bày cho, mình đã tăng được tỷ lệ Dự webinar/Tổng đăng ký từ 30-50% lên 50-75%, tức từ tỷ lệ trung bình của thị trường lên một tỷ lệ mơ ước, dành cho những gì mang tiếng “miễn phí”. Mình cũng không hề căng thẳng trong việc chốt sales bởi không mưu mô lùa khách hàng vào phễu, bám đuổi, bẫy tâm lý, đánh vào lòng tham hay nỗi sợ của con người…Mình đã, đang và sẽ làm theo một cách tiếp cận mà mình gọi là “Chân thành một cách có chiến lược”. Một cách rất công bằng, thông thường TRƯỚC khi một ai đó tặng mình một khoản học phí, mình đã tặng người này hàng chục, trăm, thậm chí hàng ngàn bài viết, blog, podcast, nội dung hướng dẫn...mà tương ứng với hàng ngàn giờ lao động của mình. Mình làm được trong nhiều năm, là vì đã xác định đi với tinh thần phụng sự, vừa sức và vui vẻ. Mình không chắc cách tiếp cận của anh George sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Nó không nuôi tham vọng của bạn lên cao và vì vậy cũng không giúp doanh thu tăng kịch trần. Chiêu ít, Pháp hay. Nhưng để “Pháp" đưa được vào đời sống thì cần nhiều nỗ lực và kỷ luật tự thân. Cần tinh thần thể nghiệm, không hẳn là “ đi theo dòng chảy " (go with the flow) mà là “cứ có mặt và bắt đầu, rồi dòng sẽ chảy”. Nếu như bạn thấy mình cũng đang cần mài giũa thêm kỹ năng khi tự khởi nghiệp (một mình hoặc với 1 đội nhỏ), muốn các mục tiêu kinh doanh hoà hợp với các giá trị sống của mình VÀ muốn được tưởng thưởng xứng đáng…thì mình tự tin giới thiệu các dịch vụ của anh George Kao. Một trong những phần thưởng mình có bên cạnh dòng tiền lành mạnh , đó là khả năng tận hưởng niềm vui trong mỗi bước chân mình đi thay vì đợi đến khi chạm đích. Theo mọi nghĩa. Sau đây là link các khoá học của George, chỗ có dấu (*) là chỗ mình đã học: Danh sách các khoá học từ A-Z về kinh doanh chân chính
Các nội dung hướng dẫn miễn phí và chất lượng
* Authentic business planning (Lên kế hoạch kinh doanh chân chính)
* Simple course creation & launch (Tạo và ra mắt khoá học đơn giản)
* Joyful productivity (Tạo hiệu suất theo cách vui vẻ) Ngoài ra, mình cũng có tham gia cả chương trình khai vấn theo nhóm của anh mang tên TLC nhưng hiện nay check lại thấy tạm ngưng và chuyển sang một vài chương trình khác. Mình gieo duyên với lòng biết ơn đến George và sự hào phóng tuyệt vời của anh. Cầu chúc cho tất cả chúng ta đều giữ được sự chân chính, nhẹ nhàng và giản đơn trong những việc mình làm.

Sống như nước

Sống như nước

Những ngày này, mình đang thấm thía những bài học từ nước . Hôm nọ khi được nghe chia sẻ về những nguyên tắc của không gian mở, mình thấy hình ảnh của nước lại hiện lên. Vì thế, nên mình đã tự thêm vào các từ ngữ tính nước để thay cho từ gốc, lấy đó làm kim chỉ nam của riêng mình: Trôi đến đây tức là đúng người Trên dòng chảy của mình, nước không bao giờ nói rằng: Tôi chỉ muốn trôi qua những thung lũng chứ không muốn băng lên núi cao, tôi chỉ muốn trôi qua chỗ sạch sẽ chứ không muốn rửa chỗ bùn lầy. Nước biết nếu không có núi cao sao có thể có thung lũng, và chính nơi bùn lầy thường mọc lên đoá hoa đẹp đẽ. Nước chảy mà không phân biệt. Tương tự với chúng ta: Dù thích thú hay khó chịu khi gặp một ai đó, hãy cứ chọn tin rằng đó đúng là người mà mình cần gặp. Đôi khi họ cho ta tình thương và sự quan tâm, nhưng có lúc họ sẽ cho ta những cú đánh trời giáng để tỉnh ngộ. Đôi khi họ đóng vai “người tốt” để ta được khơi lên những đốm sáng trong mình, nhưng có lúc họ đóng vai “kẻ xấu” để ta biết trân quý những thiện lương. Theo một cách nào đó, cuộc đời mỗi người không phải là về bản thân họ mà là về cuộc đời của những người mà họ đã chạm đến. Khi kết thúc một tương giao dù dài hay ngắn, ta có thể để lại chút tươi mát cho nhau? Nếu chê tâm người khác bẩn, ta có thể dùng chính tâm mình giúp họ được gột rửa cho sạch hơn khi rời đi? Một thái độ trôi chảy không phân biệt sẽ giúp ta học được tất cả những bài học quý báu nhất từ bất cứ con người nào. Chảy ra tức là đúng chuyện Để chảy từ vực sâu xuống những tầng bên dưới, nước phải hóa thành thác. Để sống được nơi Nam Cực, nước phải hoá thành những khối băng. Nước có thể từ mây thành mưa, từ mưa thành những dòng chảy trên mặt đất, rồi khi cần lại tiếp tục bốc hơi bay lên thành mây. Dù chuyện gì xảy ra, nước cũng có thể biến hình đổi dạng để tiếp tục vòng đời của mình. Chúng ta cũng có thể học thái độ này: Dù các sự kiện xảy ra thuận lợi hay khó khăn, hãy cứ chọn tin rằng đó đúng là chuyện cần phải xảy ra. Chúng ta dễ đắm chìm say sưa trong những giờ phút đang còn sướng vui, rực rỡ. Để rồi lại than khóc tiếc nuối trong những phút giây nguy nan, khó nhọc. Với thái độ đó, cuộc đời chỉ là liên tiếp những trò xổ số và ta cũng chỉ là con bạc. Dù có thắng chăng nữa, cũng sớm thấy mình nghèo. Chúng ta có thể chọn xuôi theo dòng chảy của những gì đang đưa đến, và biến hoá tương ứng. Lúc có nhiều điều kiện thì cứ tận hưởng trong vui sướng nhưng biết chia sớt cho người khác, lúc không còn điều kiện thì biết là dịp để luyện tính thanh đạm, đơn sơ. Dù thế nào, người giữ tâm quân bình bất chấp những vui/buồn, sướng/khổ, vinh/nhục…là người sống thuận dòng. Khởi nguồn lúc nào cũng là đúng lúc Ai có thể nói được nước khởi nguồn từ đâu? Từ đám mây hay cơn mưa? Từ giọt nước đang bốc hơi lên cao hay từ băng đang tan xuống thấp? Chỉ biết rằng nước không bao giờ nói: quá muộn để chảy ra biển, quá muộn để hoá thành mây…Nước không cho rằng mình chết khi bốc hơi, cũng không tuyên bố sinh ra khi hoá lỏng lần nữa… Chúng ta thường trì hoãn làm nhiều thứ trong đời vì cho là mình đã quá già hoặc quá trẻ, quá muộn hoặc quá sớm. Ta đổ lỗi cho bệnh tuổi già, tật tuổi trẻ. Ta thường thôi học tập, thôi khám phá, thôi đổi mới, thôi đóng góp giá trị ở một vài độ tuổi nhất định. Học từ nước, ta biết rằng ta không phải là thân thể vật lý này nên tuổi của ta không phải tuổi của thân thể. Khi trút xuống thân này, ta sẽ còn hoá hình biến dạng trong muôn vạn kiếp. Có những người ở khúc cuối cuộc đời, lại tìm về những điều nguyên sơ vốn có từ ngày còn bé con. Giữ niềm tin về bản chất vô sinh vô diệt, ta cho phép mỗi phút giây mở ra đều là khởi nguồn của một sự sống mới. Cả cuộc đời ta sẽ là một dòng chảy sáng tạo vô biên. Bài viết được đăng lần đầu tiên vào tháng 8 năm 2022 trên trang Facebook page Health Coach Nam Phương , trong một lần để những thông điệp chảy qua mình một cách tự nhiên, như nước.

Nước - Từ bỏ công thức "2 lít mỗi ngày"

Nước - Từ bỏ công thức "2 lít mỗi ngày"

Chúng ta có rất nhiều lựa chọn về đồ uống, nhưng nguồn nước an toàn vẫn là lựa chọn tốt nhất: không chứa calo, phổ biến và dễ tìm. Nước giúp phục hồi chất lỏng bị mất thông qua quá trình trao đổi chất, hô hấp, đổ mồ hôi và loại bỏ chất thải. Nước giúp bạn điều hòa thân nhiệt, bôi trơn các khớp và mô, duy trì làn da khỏe mạnh và cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Nước là thức uống hoàn hảo không chứa calo giúp xoa dịu cơn khát và bù ẩm cho cơ thể bạn. Cần bao nhiêu nước là đủ? Nước là chất dinh dưỡng thiết yếu ở mọi lứa tuổi. Nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể của một người trưởng thành. Chúng ta uống nước khi cảm thấy khát, tín hiệu chính cảnh báo chúng ta khi cơ thể sắp hết nước. Chúng ta cũng thường uống đồ uống trong bữa ăn để giúp tiêu hóa. Nhưng đôi khi chúng ta uống không dựa trên những yếu tố này mà dựa trên việc chúng ta nghĩ mình nên uống bao nhiêu. Một trong những câu nói quen thuộc nhất là hãy uống “ 2 lít - 8 ly mỗi ngày”, nhưng lời khuyên này chưa chắc đã phù hợp cho tất cả mọi người. Khuyến nghị chung Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ đề xuất lượng nước uống đầy đủ hàng ngày tương ứng là khoảng 13 cốc đối với nam giới và 9 cốc đối với phụ nữ khỏe mạnh, với 1 cốc tương đương khoảng 230ml. [1] Những người hoạt động thể chất hoặc tiếp xúc với khí hậu rất ấm có thể cần lượng cao hơn. Những người có vóc dáng nhỏ hơn có thể cần ít nước hơn. Điều quan trọng cần lưu ý: lượng nước này không phải mục tiêu hàng ngày mà là hướng dẫn chung. Ở người bình thường, uống ít nước hơn không nhất thiết sẽ gây ra ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Bởi nhu cầu chất lỏng chính xác của mỗi người là khác nhau, thậm chí là cùng một người, nhu cầu đó cũng thay đổi theo ngày. Sốt, tập thể dục, tiếp xúc với khí hậu khắc nghiệt (rất nóng hoặc lạnh) và mất quá nhiều chất lỏng trong cơ thể (chẳng hạn như nôn mửa hoặc tiêu chảy) sẽ làm tăng nhu cầu chất lỏng. Số lượng và màu sắc của nước tiểu có thể cung cấp một ước tính sơ bộ về lượng nước nào là đủ cho bạn. Nói chung, nước tiểu càng cô đặc thì màu càng đậm (có nghĩa là nước tiểu chứa ít nước hơn). Tuy nhiên, thực phẩm, thuốc và vitamin bổ sung cũng có thể làm thay đổi màu nước tiểu. [1] Lượng nước tiểu ít hơn có thể cho thấy tình trạng mất nước, đặc biệt nếu nước tiểu có màu đậm hơn. Rượu có thể ức chế hormone chống lợi tiểu, một loại hormone điều hòa chất lỏng báo hiệu cho thận giảm đi tiểu và tái hấp thu nước trở lại cơ thể. Không có nó, cơ thể đào thải nước dễ dàng hơn. Uống quá vài ly rượu trong thời gian ngắn có thể làm tăng nguy cơ mất nước, đặc biệt nếu uống khi bụng đói. Để ngăn chặn điều này, hãy uống rượu với thức ăn và uống từng ngụm nhỏ. Mặc dù caffein từ lâu đã được cho là có tác dụng lợi tiểu, có khả năng dẫn đến mất nước, nghiên cứu không hoàn toàn ủng hộ điều này. Dữ liệu cho thấy rằng hơn 180 mg caffein mỗi ngày (khoảng hai tách cà phê pha) có thể làm tăng đi tiểu trong thời gian ngắn ở một số người, nhưng sẽ không nhất thiết dẫn đến mất nước. Do đó, đồ uống chứa caffein bao gồm cà phê và trà có thể góp phần vào tổng lượng nước hàng ngày. [1] Hãy nhớ rằng khoảng 20% tổng lượng nước chúng ta uống không đến từ đồ uống mà từ các loại thực phẩm giàu nước như rau diếp, rau lá xanh, dưa chuột, ớt chuông, bí, cần tây, quả mọng, dưa,… Ngoài việc ăn các loại thực phẩm giàu nước, biểu đồ sau đây là hướng dẫn về lượng nước uống hàng ngày dựa trên nhóm tuổi từ Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ: ​Độ tuổi Lượng nước tiêu thụ hàng ngày 1-3 tuổi 4 cốc 4-8 tuổi 5 cốc 9-13 tuổi 7-8 cốc 14-18 tuổi 8-11 cốc Đàn ông, trên 18 tuổi 13 cốc Phụ nữ, trên 18 tuổi 9 cốc Phụ nữ mang thai 10 cốc Phụ nữ đang cho con bú 13 cốc Ghi chú: 1 cốc ~ 230ml Ngăn ngừa mất nước - có phải chỉ cần lắng nghe cơn khát? Một cơ thể khỏe mạnh được thiết kế để gửi tín hiệu khát khi cơ thể cạn kiệt chất lỏng. Cơn khát không chỉ được thúc đẩy bởi các tín hiệu sinh lý mà cả các tín hiệu hành vi. [2] Nghiên cứu cho thấy rằng mọi người có xu hướng uống nhiều nước nhất khi nó ở nhiệt độ phòng mặc dù đồ uống lạnh thì có hương vị ngon lành hơn. Chúng ta cũng thường có xu hướng uống (và ăn) nhiều hơn trong môi trường xã hội. Tuy nhiên, khi chúng ta già đi, cơ chế điều tiết lượng chất lỏng và cảm giác khát của cơ thể suy giảm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả hai yếu tố này đều bị suy giảm ở người cao tuổi. Một đánh giá của Cochrane cho thấy rằng các chỉ số mất nước khi áp dụng ở người lớn tuổi tuổi (ví dụ: màu sắc và thể tích nước tiểu, cảm giác khát nước) không hiệu quả như các trường hợp khác và không nên chỉ căn cứ vào chúng để đánh giá. [3] Một số tình trạng làm suy giảm khả năng tinh thần và nhận thức, chẳng hạn như đột quỵ hoặc mất trí nhớ, cũng có thể làm giảm cảm giác khát. Mọi người cũng có thể chủ đích uống ít nước do không kiểm soát được hoặc khó đi vệ sinh. Ngoài những tình huống này, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các vận động viên, người bị bệnh và trẻ sơ sinh có thể không có đủ cảm giác khát để đáp ứng nhu cầu chất lỏng của họ. [2] Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể tạo ra các triệu chứng tiêu cực, vì vậy những người không thể dựa vào cơn khát hoặc các biện pháp thông thường khác có thể sử dụng các chiến lược khác. Ví dụ: cố gắng đổ đầy những chai nước sao cho đủ nhu cầu uống của mình và uống từ từ trong ngày. Hoặc uống một cốc nước lớn trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ. Các triệu chứng mất nước có thể xảy ra với lượng nước thiếu hụt ít nhất là 2%: · Mệt mỏi · Nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ ngắn hạn · Thay đổi tâm trạng như tăng cáu kỉnh hoặc trầm cảm Mất nước có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh: · Nhiễm trùng đường tiết niệu · Sỏi thận · Sỏi mật · Táo bón Có nên uống nước kiềm không? Giống như hầu hết các trào lưu hiện nay, nước kiềm đã trở nên phổ biến nhờ sự ủng hộ của những người nổi tiếng với những tuyên bố và hứa hẹn từ giảm cân đến chữa ung thư. Lý thuyết đằng sau nước kiềm cũng giống như lý thuyết quảng cáo về lợi ích của việc ăn thực phẩm có tính kiềm, điều này được coi là đối trọng với những tác hại đối với sức khỏe do ăn thực phẩm tạo ra axit như thịt, đường và một số loại ngũ cốc. Từ thang điểm 0-14, số pH cao hơn có tính kiềm; độ pH thấp hơn có tính axit. Cơ thể có cơ chế điều chỉnh chặt chẽ mức độ pH trong máu ở mức khoảng 7,4 vì cao hơn hay thấp hơn đều có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, chỉ riêng chế độ ăn uống thì không thể gây ra những thái cực này; chúng thường xảy ra nhất với các tình trạng như tiểu đường được không kiểm soát, bệnh thận, bệnh phổi mãn tính hoặc lạm dụng rượu. Nước kiềm có độ pH cao hơn (khoảng 8-9) so với nước máy (khoảng 7), do hàm lượng khoáng chất hoặc muối cao hơn. Một số nguồn nước có thể có tính kiềm tự nhiên nếu nước hấp thụ khoáng chất khi đi qua đá. Tuy nhiên, hầu hết các nhãn hiệu nước kiềm thương mại đã được sản xuất bằng cách sử dụng máy ion hóa để tách các thành phần kiềm và lọc các thành phần axit, làm tăng độ pH. Một số người thêm một chất kiềm như baking soda vào nước thông thường. Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục về lý thuyết axit-kiềm. Lý thuyết này cho rằng rằng ăn một lượng lớn thực phẩm nhất định có thể làm giảm độ pH của máu một chút, đặc biệt là khi không ăn thực phẩm hỗ trợ độ pH trong máu có tính kiềm cao hơn như trái cây, rau và các loại đậu. Các thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát không chỉ được chế độ ăn uống đơn thuần có thể thay đổi đáng kể độ pH trong máu của những người khỏe mạnh. Hơn nữa, không thấy có mối liên hệ trực tiếp nào giữa pH máu trong phạm vi bình thường thấp và các bệnh mãn tính ở người. TÓM LẠI: Nếu ý tưởng về nước kiềm khuyến khích bạn uống nhiều hơn, thì hãy cứ làm đi! Nhưng có vẻ như uống nước lọc thông thường sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe tương tự từ việc cung cấp đủ nước cho cơ thể - cải thiện năng lượng, tâm trạng và sức khỏe tiêu hóa. Liệu tôi có thể uống quá nhiều nước? Không có giới hạn cận trên cho lượng nước cơ thể có thể tiếp nhận. Nguyên nhân là cơ thể thường có khả năng bài tiết lượng nước thừa qua nước tiểu và mồ hôi. Tuy nhiên, một tình trạng gọi là ngộ độc nước có thể xảy (dù rất hiếm khi), trong đó một lượng lớn chất lỏng được uống trong một khoảng thời gian ngắn, nhanh hơn khả năng bài tiết của thận. Điều này dẫn đến một tình trạng nguy hiểm gọi là hạ natri máu. Nồng độ natri trong máu giảm xuống quá thấp do uống quá nhiều nước. Tổng lượng nước cơ thể dư thừa làm loãng nồng độ natri trong máu, có thể gây ra các triệu chứng như lú lẫn, buồn nôn, co giật và co thắt cơ. Hạ natri máu thường chỉ thấy ở những người bệnh có chức năng thận không bình thường hoặc trong điều kiện quá nóng hoặc tập thể dục vất vả kéo dài mà cơ thể không thể bài tiết lượng nước dư thừa. Những người rất năng động về thể chất như vận động viên ba môn phối hợp và vận động viên marathon có nguy cơ mắc tình trạng này vì họ có xu hướng uống một lượng lớn nước, đồng thời mất natri qua mồ hôi. Phụ nữ và trẻ em cũng dễ bị hạ natri máu hơn do kích thước cơ thể nhỏ hơn. Thêm hương vị cho nước Nước không đường, không calo. Đối với một số người đã quen uống nước ngọt, ban đầu nước có thể hơi nhạt nhẽo. Để tăng lượng nước tiêu thụ không cần hy sinh vị giác, hay làm tăng tổng lượng chất lỏng, hãy thử các loại đồ uống giải khát làm từ nước sau: Nước trái cây ngâm Thay vì mua nước ngọt, nước quả đắt tiền trong cửa hàng tạp hóa (lại đầy hóa chất có hại cho sức khỏe), bạn có thể dễ dàng tự làm ở nhà. Hãy thử thêm bất kỳ thứ nào sau đây vào ly hoặc bình nước lạnh: · Trái cây họ cam quýt thái lát hoặc vỏ (chanh, vôi, cam, bưởi) · Bạc hà tươi · Gừng tươi gọt vỏ, thái lát hoặc dưa chuột thái lát · Các loại dâu nghiền Nguồn: Hướng dẫn của Đại Học Harvard

Mua sắm ngẫu hứng - niềm vui & tiêu dùng bền vững

Mua sắm ngẫu hứng - niềm vui & tiêu dùng bền vững

Đây là một khám phá vĩ đại của những người cổ vũ Thực phẩm Chậm trên toàn thế giới: Chúng ta có được những dinh dưỡng tốt nhất khi kết nối trực tiếp với những người nuôi trồng ra thực phẩm mình ăn hàng ngày, cũng như kết nối với cả cộng đồng tiêu dùng bền vững. Nông sản mua tại các phiên chợ hữu cơ, ngay tại địa phương giúp bạn đảm bảo dinh dưỡng đủ đầy qua rất nhiều cách: Nông sản đang ở độ tươi nhất: Thông thường, nông sản bán ở chợ chỉ vừa mới được thu hoạch từ chiều hôm trước hoặc ngay sáng hôm đó. Chúng không bị mất chất do vận chuyển đường dài như nông sản bán ở nhiều siêu thị. Xác định được nông sản đúng mùa: Có mặt ở chợ và đặt câu hỏi với người bán sẽ giúp bạn xác định loại nông sản nào đang đúng mùa tự nhiên , đồng nghĩa với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Nhận được dinh dưỡng tinh thần khi kết nối với cộng đồng : Khi bạn biết ai là người đã làm ra thực phẩm của mình, bạn sẽ có xu hướng gia tăng sự tin tưởng và lòng biết ơn trong mỗi bữa ăn. Đồng thời, thức ăn được chia sẻ hay các câu chuyện được kể xoay quanh chúng sẽ giúp bạn cảm nhận được mối kết nối sâu sắc của lựa chọn thực phẩm của mình. Bạn đang làm điều tốt đẹp cho cả hành tinh! Trong các phiên chợ truyền thống trước đây, nơi người bán cũng thường là người trồng, thì những điều này không quá khó. Giờ thì những tiện nghi hiện đại khiến cho việc chúng ta được ăn thức ăn ở khắp mọi nơi, đóng trong bao bì tiện lợi, thậm chí được giao đến tận nơi nên bạn chẳng cần phải đi đâu nữa. Bạn không cần phải có bất cứ cuộc giao tiếp nào nếu bạn không muốn. Nhưng tiện nghi có được với cái giá của đứt gãy kết nối, suy giảm dinh dưỡng, giá cả đắt đỏ, lãng phí nguyên liệu vận chuyển và vô số bao bì nilon bị thải ra môi trường . Chưa kể là đối với thực phẩm nhập khẩu, những người nông dân ở phía bên kia bán cầu cũng chỉ nhận được một % rất nhỏ trong tổng số tiền mà bạn trả. Những người quan tâm đến sức khoẻ và yêu thích cuộc sống chậm rãi thường thích quay trở về với hình thức xưa cũ ngày xưa: xách giỏ đi chợ nông sản tại địa phương và nói chuyện trực tiếp với người trồng. Đối với mình, việc đi Phiên chợ nông sản hữu cơ Đà Lạt là một dịp mình trông đợi mỗi tháng, không chỉ là để mua những nông sản tươi ngon, hữu cơ và đúng mùa, mà còn là dịp củng cố kết nối với cộng đồng ủng hộ nông nghiệp bền vững. Và đây là một chuyến đi chợ nông sản tiêu biểu đó: Mình sẽ đến chợ sớm, đi một vòng chào hỏi rối rít các nhà nông thân thiết cũng như những người bạn trong cộng đồng. Sau đó, mình sẽ lượn một vòng xem có những thứ nông sản nào đang đến mùa chín rộ nhất, ngắm nhìn, vuốt, hít hà và hỏi han mọi người về cách ăn những loại nông sản lạ ( Bạn có biết gạo có thể có màu hồng phấn? Hoa nghệ có thể ăn? Bí có thể có hình dáng của vịt và khủng long? Sẽ không hết bất ngờ về những thứ mới lạ!). Video: Phương trong một phiên chợ nông sản hữu cơ tại Đà Lạt ^^ Mình sẽ hỏi nông dân 1001 thứ: cách chọn rau củ tươi ngon, cách sơ chế, nấu và bảo quản như thế nào để đảm bảo được độ tươi ngon nhất. Mình không mua sắm theo danh sách có sẵn, mà đơn thuần là chọn với sự thích thú tò mò, thường là bỏ giỏ đủ sắc cầu vồng để mang về. À mà chưa về đâu. Thường thì mình cũng trông đợi được thưởng thức mấy chiếc bánh rau củ thơm ngon của một vài nhà làm tại địa phương, hay ngắm nghía bộ drap giường vải ghép tỉ mẩn do ai đó “làm vì đam mê" mang đến. Cũng có lúc nán lại là để trò chuyện thêm với những người bạn sống xanh, hay lắng nghe buổi chia sẻ của một khách mời…Mỗi lần về là một lần ngập tràn cảm hứng! Khi về mình dàn tất cả rau củ ra bếp để ngắm nghía, hít hà lần nữa. Sau đó, mình phân loại và ưu tiên nấu theo mức độ bảo quản của thực phẩm. Bông súp lơ xanh và các loại rau lá sẽ cần được nấu sớm hơn măng tây, bí đỏ, cà rốt cứng chắc. Với đa dạng màu sắc, hình dáng, hương vị đang được bày ra trong cùng một mặt phẳng…mình bắt đầu tưởng tượng trong đầu mọi tương tác có thể có của các nguyên liệu. Và tada! Hàng loạt món được lên danh sách chờ nấu một cách rất tự nhiên. Ừ, thi thoảng mình cũng tham khảo thêm trong sách nấu ăn hay các trang công thức nữa, nhưng chủ yếu là để gợi mở thôi. Còn việc có theo đúng những công thức đó không thì không hề quan trọng. Mình nấu với những gì có trong tay mà không nhất thiết phải mua thêm bất cứ một nguyên liệu nào khác. Nếu thiếu rau gia vị thì cứ ra vườn nhà - nơi trồng đủ loại gia vị để không phải chạy đi mua khi cần. Và không ít lần, những món ăn ngon nhất là một biến thể hoàn toàn thuần Việt cho một công thức nước ngoài. Ví dự như “sốt Pesto kiểu Việt" với hạt điều thay vì hạt thông, lá húng ta thay vì húng tây chẳng hạn. Sau khi nấu xong và bày thức ăn ra đĩa, mình sẽ dành một chút thời gian để nói lời tri ân quà tặng của Cha Trời Mẹ Đất, cũng như những người đã làm ra thực phẩm. Mình nhắm mắt lại và thấy từng khuôn mặt cụ thể của chính những anh em bè bạn hiện lên. Và mình biết, dinh dưỡng đã được tiếp nạp đủ đầy còn trước cả khi kịp nhấc đũa.

bottom of page